| Hotline: 0983.970.780

Chưa làm lễ cấp sắc, trăm tuổi vẫn là trẻ con

Thứ Ba 17/08/2021 , 08:37 (GMT+7)

Nếu chưa được làm lễ cấp sắc, dù già trăm tuổi, dù sắp về thiên cổ vẫn chỉ là trẻ con, không được làm các nghi lễ ma chay theo phong tục của người Dao.

“Gần đất xa trời” vẫn là trẻ con

Ông Phùng Văn Du là một người già có uy tín tại khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ông Du cho hay, với người Dao, dù đã 100 tuổi nhưng chưa được làm lễ cấp sắc theo đúng phong tục thì cũng chỉ được coi là trẻ con, chết không được làm lễ ma tươi. Người chưa được cấp sắc không có địa vị cao trong cộng đồng người Dao, các lễ cưới, hỏi, ma chay chỉ thực hiện bình thường, không được làm theo phong tục của đồng bào Dao.

Khu phố Hạ Sơn, nơi có 200 hộ người Dao với 900 nhân khẩu sinh sống. Ảnh: Võ Dũng.

Khu phố Hạ Sơn, nơi có 200 hộ người Dao với 900 nhân khẩu sinh sống. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Du nguyên là cán bộ xã Ngọc Khê (nay đã sáp nhập với thị trấn Ngọc Lặc), là thầy cúng chuyên thực hiện các nghi lễ cho đồng bào người Dao. Nhưng chính ông cũng chưa thể thực hiện nghi lễ quan trọng này cho 3 người con của mình. Trong gia đình ông, nghi lễ cấp sắc mới chỉ thực hiện được cho 2 vợ chồng ông và vợ chồng người con cả. Theo ông Du, lễ cấp sắc của đồng bào Dao khá tốn kém, gia đình ông chưa đủ điều kiện để làm hết cho tất cả mọi người.

Năm 1904, một số người Dao từ Hòa Bình di cư vào huyện Mường Lát (Thanh Hóa) rồi mở rộng vùng sinh sống xuống các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc. Cộng đồng người Dao tại huyện Ngọc Lặc hiện có khoảng 460 hộ, với hơn 2.200 nhân khẩu cư trú tại thôn Tân Thành (xã Thành Lập), khu phố Hạ Sơn (thị trấn Ngọc Lặc) và Phùng Sơn (xã Phùng Giáo). Tại khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc cộng đồng người Dao có hơn 200 hộ dân, với hơn 900 nhân khẩu.

Là một thầy cúng có uy tín trong khu phố, ông Du đã từng làm lễ cấp sắc cho nhiều người nhưng ông vẫn còn nhiều băn khoăn. Có những câu chuyện khiến ông đau đáu suốt cuộc đời.

Đôi mắt xa xăm nhìn ra ngoài ngõ, buồn rười rượi, ông Du xót xa cho những người đã chết nhưng chưa đủ điều kiện làm lễ cấp sắc. Có những người nay đã gần đất xa trời, sắp thành người thiên cổ vẫn chỉ là trẻ con.

“Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng không chung sống với nhau, không làm được lễ cấp sắc, cụ ông Phùng Viết Báo dù đã 75 tuổi, là cựu binh đánh Mỹ vẫn bị coi là trẻ con. Sau khi chết cụ Báo sẽ không được làm lễ “ma tươi” và không được thờ trên bàn thờ tổ”, ông Du xót xa.

Nhưng đó là phong tục hàng nghìn năm nay của người Dao, không thể thay đổi được.

Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp trò chuyện cùng cụ Báo thì ông Du cho biết, do cuộc sống khó khăn, cụ Báo hiện đang ở Hà Nội để bán đũa, mỗi năm chỉ về đôi lần.

Ông Du giải thích thêm, lễ “ma tươi” là nghi lễ cúng bái, khâm liệm ngay sau khi một người chết đi. Đây được coi là sự vinh dự, tự hào của người chết và gia đình. Còn nếu ai chưa được làm lễ cấp sắc thì gia đình, dòng họ vẫn tổ chức chôn cất bình thường, nhưng không được tế lễ theo đúng phong tục của đồng bào Dao, gọi là lễ ma khô.

Bài liên quan

Theo ông Du, lễ cấp sắc thường được tổ chức vào mùa xuân và mùa đông khi thu hoạch xong mùa màng, lương thực, thực phẩm trong nhà đầy đủ. Để làm được lễ cấp sắc, ngoài yếu tố tâm linh (gia phả của dòng họ được cho phép làm) thì cần có 7 thầy cúng (2 thầy tào, 5 thầy bình thường).

Một người muốn được làm lễ cấp sắc thì phải đủ 18 tuổi trở lên và phải có đủ cả hai vợ chồng. Làm lễ cấp sắc cho chồng thì cũng đồng thời làm luôn cho vợ. Một nghi lễ cấp sắc thường diễn ra từ 2 - 3 ngày. Gia chủ phải chuẩn bị khoảng 3 con lợn, 4 con gà, khoảng 60 lít rượu, gạo nếp để tổ chức nghi lễ và mời bà con làng xóm ăn uống, liên hoan chúc mừng.

Ông Phùng Văn Du và ông Triệu văn Khang kể về phong tục làm lễ cấp sắc cho đồng bào người Dao tại khu phố Hạ Sơn. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phùng Văn Du và ông Triệu văn Khang kể về phong tục làm lễ cấp sắc cho đồng bào người Dao tại khu phố Hạ Sơn. Ảnh: Võ Dũng.

Trước đây, khi một người làm lễ cấp sắc thì sẽ mời toàn bộ người Dao, bạn bè và những người thân trong thôn, làng tới dự lễ và ăn mừng trong 5 - 6 ngày. Người tới dự liên hoan, ăn uống không phải chuẩn bị quà mừng như lễ cưới của người Kinh, toàn bộ chi phí đều do gia chủ lo liệu.

Hiện tại, do cộng đồng người Dao tại địa phương khá đông nên gia chủ làm lễ cấp sắc chỉ mời đại diện các hộ dân tới dự. Chi phí cho một lễ cấp sắc của người Dao tại địa phương dao động từ 20 - 40 triệu đồng, nếu gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì sẽ tiêu số tiền lớn hơn.

Mất nửa đời người mới lập được bàn thờ tổ

Do kinh tế khó khăn, việc làm lễ cấp sắc tốn kém nên cả khu phố Hạ Sơn có 900 người Dao nhưng hiện chỉ khoảng 250 người được làm lễ cấp sắc. Những người đã làm lễ cấp sắc, có uy tín, theo học các thầy một cách bài bản thì mới được đi làm lễ cấp sắc cho những người khác.

Chiếc thiền trượng mà các thầy cúng người Dao dùng trong lễ cấp sắc, lễ lập bàn thờ tổ. Ảnh: Võ Dũng.

Chiếc thiền trượng mà các thầy cúng người Dao dùng trong lễ cấp sắc, lễ lập bàn thờ tổ. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Triệu văn Khang, trưởng khu phố Hạ Sơn cho biết, theo phong tục của người Dao, sinh con ra, nuôi con, khi con lấy vợ, làm lễ cấp sắc xong cho con thì bố mẹ mới hết trách nhiệm.

Nhưng với người Dao, lễ cấp sắc cũng chưa tốn kém bằng lễ lập bàn thờ tổ. Theo quan niệm của cộng đồng người Dao, nếu chưa lập được bàn thờ tổ thì chưa được coi là người Dao và không có tiếng nói, vị trí cao trong cộng đồng.

Để lập bàn thờ tổ, bình quân mỗi gia đình người Dao phải mất 15 - 30 năm với số tiền hàng trăm triệu đồng. Vì thế, trong số 200 hộ người Dao tại khu phố Hạ Sơn hiện chỉ có 32 hộ lập được bàn thờ tổ.

Vợ chồng ông Khang có 3 người con nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên hiện nay cũng chỉ mới vợ chồng ông và 1 người con được làm lễ cấp sắc.

Năm 2001, sau khi kinh tế gia đình tương đối ổn định, gia đình ông mới nghĩ đến việc lập bàn thờ tổ. Đến năm 2018, các thầy trong khu phố mới tổng kết và gia đình ông chính thức có bàn thờ tổ. Theo ông, lập bàn thờ tổ của người Dao hết sức tốn kém nhưng nếu không làm thì không có tiếng nói trong cộng đồng người Dao.

“Gia đình tôi mất 17 năm để hoàn thành việc lập bàn thờ tổ. Việc lập bàn thờ tổ không chỉ tốn kém về tiền bạc mà phải qua rất nhiều nghi lễ theo phong tục nên nếu có tiền muốn làm nhanh cũng không được. Có những gia đình phải mất 30 năm mới có bàn thờ tổ”, ông Khang cho hay.

Cũng theo lời ông Khang, bình quân, mỗi bàn thờ tổ được lập phải mất khoảng 500 triệu đồng. Số tiền này không thể tính đơn giản một lần mà qua rất nhiều lần tổ chức, hết khoảng 30 - 40 con lợn, gà thì nhiều vô kể và hàng nghìn lít rượu...

Có những gia đình người Dao mất 30 năm để lập được bàn thờ tổ với chi phí hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Võ Dũng. 

Có những gia đình người Dao mất 30 năm để lập được bàn thờ tổ với chi phí hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Võ Dũng. 

Lập bàn thờ tổ là một nét văn hóa, phong tục rất quan trọng của người Dao. Tuy nhiên, công việc này mất rất nhiều thời gian, tốn kém và thủ tục rất phức tạp.

“Để lập được bàn thờ tổ, trung bình mất thời gian từ 15 - 30 năm, gia chủ phải bỏ ra chi phí hàng trăm triệu đồng, 30 - 40 con lợn, hàng trăm con gà, khoảng 1.000 lít rượu, gạo nếp … Hiện nay, do mất nhiều thời gian, chi phí quá lớn, thủ tục phức tạp nên xu hướng mỗi gia đình, chi họ, dòng họ tại địa phương sẽ dùng chung một bàn thờ tổ”, ông Phùng Văn Du cho hay.

Lễ cấp sắc hiện nay đã đỡ tốn kém hơn trước rất nhiều

Bà Bùi Thị Quyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc cho biết, quan điểm của địa phương là tuyên truyền, bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, vận động nhân dân bỏ bớt các hủ tục, phong tục rườm rà, tốn kém, lạc hậu để phù hợp với nếp sống mới. Cũng theo bà Quyên, hiện nay, các phong tục làm lễ cấp sắc, lập bàn thờ tổ của người Dao Ngọc Lặc đã đơn giản và ít tốn kém hơn trước rất nhiều.

Xem thêm
Thủ tướng làm Trưởng ban sắp xếp, tinh giản bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Đại học Thủy lợi - Niềm tự hào của các thế hệ sinh viên

Bí thư Yên Bái coi nhà trường là nơi rèn giũa lý tưởng, còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT xem đây là nguồn tri thức vô giá trong vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai.