TS. Fred Unger - Trưởng Dự án SafePORK, Trưởng Đại diện Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại Đông Nam Á - cho biết, đa số người dân hiện chỉ quan tâm đến ô nhiễm hóa học đối với những thực phẩm có nguồn gốc thực phẩm.
Những ô nhiễm hóa học, được ông Unger liệt kê, gồm: thuốc kích thích tăng trưởng, lượng tồn dư kháng sinh... Trong khi đó, người dân lại chưa dành sự quan tâm đúng mức về ô nhiễm vi sinh vật - một yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ ung thư.
Ý kiến của chuyên gia ILRI tại tọa đàm "Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí" ngày 7/6 được PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga, nguyên Trưởng Bộ môn Phân tích định lượng, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng tình.
Theo bà Nga, 98% số hộ gia đình được nhóm của bà khảo sát, mua thịt lợn, thịt gia cầm qua chợ truyền thống. Đây là nơi khó đảm bảo các vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Dựa trên 553 quan sát các chuỗi giá trị thịt lợn tại các tỉnh phía Bắc, PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga chỉ rõ: 92% số người được hỏi tin rằng thịt lợn không an toàn có thể phát hiện qua quan sát bằng mắt thường; thậm chí 41% số người được hỏi cho rằng thịt lợn được nấu kỹ sẽ an toàn.
Không chỉ vậy, 37% số người được hỏi cho rằng trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm là của Chính phủ. Ngoài ra, 10% số người trong khảo sát vẫn sử dụng chung thớt cho tất cả các loại thực phẩm.
"Đây đều là những nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều người có thể không biết, rằng vi sinh vật chết song độc tố vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngay cả khi được nấu sôi", bà Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh nguy cơ, nhóm nghiên cứu bà Nga cũng nêu bật cơ hội của truyền thông, báo chí trong việc nâng cao nhận thức cho người dân. Cụ thể, niềm tin của người dân về an toàn thực phẩm với kênh tivi, truyền thanh, báo chí lên tới 7,9/10 điểm - đứng cao nhất. Xếp sau lần lượt là người tiêu dùng khác (7,4 điểm); siêu thị (6,9 điểm); chính quyền địa phương (6,8 điểm).
Trong khảo sát này, niềm tin từ nhóm người bán lẻ ở chợ, người chăn nuôi, người giết mổ đứng thấp hơn, xếp sau cả niềm tin về mạng xã hội.
"Rõ ràng người dân đã có sự thay đổi về nhận thức an toàn thực phẩm. Vấn đề là chúng ta cần có cách truyền thông đúng đắn về vệ sinh ở khâu chế biến, bán lẻ bởi không dễ thay đổi quan điểm của người tiêu dùng, cũng như thái độ và hành vi liên quan", bà Nga bày tỏ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Thái Sơn, Phó Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam cho biết tọa đàm ngày 7/6 là nơi để các bên liên quan chia sẻ thông tin, trao đổi các góc nhìn chuyên môn về an toàn thực phẩm.
Ông Sơn nói thêm, rằng những năm gần đây, người dân có nhu cầu lớn về thông tin an toàn thực phẩm, cũng như cách thức lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, các thông điệp hiện nay chủ yếu mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học, giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình.
"Chúng ta cần nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách khoa học và có trách nhiệm tới cộng đồng về các vấn đề sức khoẻ con người", ông Sơn nói.
Nhằm hưởng ứng Ngày An toàn thực phẩm thế giới lần thứ 4, tọa đàm ngày 7/6 thuộc khuôn khổ dự án "Các phương pháp dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn tại Việt Nam" (SafePORK), do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ, và được đồng tổ chức bởi Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH), Hội Nhà báo Việt Nam và Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI).