| Hotline: 0983.970.780

Thê thảm khoai tây

Thứ Năm 16/02/2012 , 09:17 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, tại một cuộc họp chỉ đạo SX đầu vụ đông 2011 – 2012 đã từng ái ngại về kế hoạch nâng diện tích cây khoai tây ở miền Bắc lên 100 nghìn hecta khi đặt bài toán cho lãnh đạo ngành Trồng trọt: “100 nghìn hecta khoai tây, rồi các anh tính sẽ bán đi đâu…?”. Điều lo lắng ấy của ông Bộ trưởng quả nhiên đúng, khi mà giá khoai tây vụ đông không được như kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, tại một cuộc họp chỉ đạo SX đầu vụ đông 2011 – 2012 đã từng ái ngại về kế hoạch nâng diện tích cây khoai tây ở miền Bắc lên 100 nghìn hecta khi đặt bài toán cho lãnh đạo ngành Trồng trọt: “100 nghìn hecta khoai tây, rồi các anh tính sẽ bán đi đâu…?”. Điều lo lắng ấy của ông Bộ trưởng quả nhiên đúng, khi mà giá khoai tây vụ đông không được như kỳ vọng.

Bắc Ninh: Giá rơi thẳng đứng

Nông dân ở vựa khoai tây huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), ngay cả người bi quan nhất cũng chẳng thể ngờ được rằng, giá khoai tây thương phẩm ở vụ đông năm 2011 đang ở “thiên đường” với 14 - 15 nghìn đồng/kg, đùng một cái vụ đông năm nay bỗng nhiên rơi xuống khá nhanh, chỉ còn 2 – 3 nghìn đồng/kg.

Gò lưng ì ạch cùng đứa con đẩy chiếc xe cải tiến chất đầy những bao tải khoai tây chỉ to cỡ như quả trứng gà từ thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ) về làng, bà Nguyễn Thị Lâm (thôn Lựa, xã Việt Hùng) kể như mếu: “Cả buổi chiều đẩy xe khoai khắp mấy đại lí ở thị trấn, nhưng chỗ nào cũng lắc đầu nguây nguẩy, chê khoai bé không mua, giờ đành phải đẩy về vứt xó bếp, nấu cho lợn ăn dần. Khoai tây tươi thế này, chắc cũng chỉ để được vài tuần là hỏng…”. 

Những loại khoai tây cỡ dưới 4cm thế này, năm 2011 có giá 8 – 10 nghìn đồng/kg, thì năm nay bán chẳng ai mua

Theo bà Lâm, năm ngoái, cùng là giống khoai KT2 này, dù là cỡ khoai bi chỉ to hơn ngón chân cái thôi, các chủ buôn cũng tới tận ruộng tranh nhau vét mua bằng hết, loại khoai xấu và nhỏ, giá bèo bọt nhất cũng phải 7 – 8 nghìn đồng/kg. Còn loại khoai đẹp tuyển chọn, kích cỡ trên 4 cm, có thời điểm giá phải 14 – 15 nghìn đồng/kg. Ấy thế mà năm nay, khoai tuyển chọn loại 1 chủ buôn cũng chê ỏng chê eo, chỉ mua với giá 3,5 – 4 nghìn đồng/kg. Còn những loại khoai kích cỡ nhỏ, đường kính dưới 4 cm thì còn rẻ hơn.  

Cũng theo bà Lâm, vụ đông vừa rồi gia đình bà trồng 6 sào khoai tây, chỉ nguyên đầu tư tiền cày đất và tiền phân cũng đã tới 7 - 8 trăm nghìn đồng/sào. Năm nay do thời vụ phải xuống giống muộn, cuối vụ hầu hết khoai tây ở đây lại bị bệnh vàng lá, héo rũ nên năng suất chỉ đạt 4 tạ/sào. Cái khổ nữa là năm nay, tỉ lệ khoai củ bé, bị sùng, ghẻ rất lớn, còn lại khoai kích cỡ to, bán được cho thương lái chỉ đạt khoảng 60% - tương đương với khoảng hơn 2 tạ/sào. Loại khoai này các thương lái ở thị trấn Phố Mới chỉ mua với giá 3.500 đ/kg, tính ra vừa đủ tiền phân, tiền cày. 

Nói tới chuyện khoai tây, ông Nguyễn Văn Bảng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quế Võ buồn bã cho biết, tổng diện tích khoai tây toàn huyện năm nay ước đạt 1.500 hecta – bằng 50% tổng diện tích cây vụ đông toàn huyện. Với năng suất trung bình khoảng 17 tấn/hecta, thì tổng sản lượng khoai tây toàn huyện ước đạt trên 25 nghìn tấn. Hầu hết diện tích khoai tây này đều thu hoạch đại trà xung quanh trước và sau Tết Nguyên đán.  

Trước Tết, giá khoai tây thịt loại đẹp thuộc các giống KT2, KT3 còn giữ được mức 7 – 8 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên từ sau Tết, thì tụt dần xuống 6 nghìn, rồi 4 nghìn đồng/kg, thậm chí khoai kích cỡ bé, thì chỉ 2 – 3 nghìn đồng/kg nhưng vẫn không tiêu thụ được. Hiện tại, vẫn còn ít nhất 30% sản lượng khoai không đạt tiêu chuẩn, bị thương lái “chê” vẫn còn tồn đọng trong dân, chỉ dùng làm thức ăn cho gia súc. Số còn lại, do không có điều kiện bảo quản nên dân thu hoạch khoai xong tới đâu, phải tới đó, với giá khoai loại 1 phổ biến chỉ 3.500 đ/kg. 

Điều oái oăm nữa, theo ông Bảng đó là năm nay, giống khoai Solara (của Đức) được thương lái ưa chuộng, giá đắt hơn các giống KT2, KT3 khoảng 1.000 – 1.500 đ/kg, tuy nhiên cơ cấu giống của huyện Quế Võ hiện vẫn chiếm tới gần 50% diện tích là giống KT2 và KT3 nên rất khó tiêu thụ, trong khi đó diện tích của giống Solara lại không đáng kể.

Dọc theo QL 18 từ thị trấn Phố Mới về các vựa khoai tây thuộc các xã Việt Hùng, Bằng An, Nhân Hòa… thời điểm này, không còn cảnh xe tải tấp nập, thương lái xuống tận ruộng dỡ khoai tranh mua như mọi năm. Các đại lí thu mua khoai tây tập trung tại khu vực thị trấn Phố Mới thì eo xèo nhập hàng nhúc nhắc. Ông Nguyễn Đăng Hồi - một chủ đại lí thu mua khoai tây tại Phố Mới cho biết, khoai tây thương phẩm thuộc các giống KT2, KT3 loại 1, tại khu vực Bắc Ninh, các chủ đại lí còn mua được với giá 3.500 – 4.000 đ/kg, chứ ở nhiều tỉnh khác giá còn rẻ hơn nhiều. 

Thái Bình: Vỡ mộng  

Vụ đông 2011 – 2012, với việc đưa khoai tây làm cây vụ đông chủ lực, Thái Bình có lẽ là tỉnh đưa ra kế hoạch trồng khoai tây hoành tráng và hăng hái nhất, với diện tích ước đạt trên 4.000 hecta – tăng hơn 1.000 hecta so với vụ đông năm trước. Ông Hoàng Văn Toanh - chủ nhiệm HTX ở vùng khoai Tân Hòa (huyện Vũ Thư) bấm đốt ngón tay phân tích: “Với giá khoai tây trên 10 nghìn đồng/kg như năm 2011, mỗi sào khoai dân lãi 5 triệu là chuyện nhỏ. Vì thế đầu vụ này, có lẽ không chỉ cán bộ mà nông dân chúng tôi ai cũng chắc mẩm, dù giá khoai có tụt xuống 7.000 đ/kg đi nữa thì vẫn còn lãi to!".  

Ước tính, khoảng 30% lượng khoai tây nông dân không thể tiêu thụ được, buộc phải làm thức ăn cho gia súc

Thế nhưng đợt thu hoạch chính vụ sau Tết vừa qua, toàn xã Tân Hòa có trên 120 hecta khoai tây, loại đẹp nhất cũng phải với giá chỉ có 3.000 đ/kg. Năm ngoái, loại khoai cỡ 4 cm đã xếp vào khoai thịt loại 1, nhưng năm nay thì chẳng đại lí nào thèm ngó nhìn. Hiện tại, theo ước tính của ông Toanh phải còn 40% sản lượng khoai, kích cỡ dưới 4 cm vẫn đang tồn trong dân, không tiêu thụ được.

Vào nhà những nông dân ở Thái Bình, người viết bài này không chỉ buồn vì cảnh những đống khoai tây chất la liệt trong xó nhà, không bán được cho ai, mà còn thấy xót xa hơn khi chứng kiến những đống cây đậu tương vừa thu hoạch nằm phủ bạt bị thối, mốc đen sì. Được biết, toàn tỉnh Thái Bình vụ đông vừa qua gieo được trên 4.000 hecta cây đậu tương, đã thu hoạch xong từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên do thời tiết mưa phùn liên miên nên đậu tương thu hoạch xong không thể phơi được, mà phải nằm phủ bạt.

Anh Bùi Văn Ưng (thôn Nam Bi, xã Tân Hòa) dẫn tôi ra cánh đồng khoai tây của xã, nhiều ruộng vẫn còn lổn nhổn những khoai là khoai. Anh này bảo: “Khoai rẻ quá, loại bé này mọi năm giá 5 – 6 nghìn, năm nay bán không ai mua, chẳng hiểu vì lý do gì. Thành thử nhiều hộ thu hoạch tới đâu thì chỉ nhặt những củ to để bán cho thương lái, còn củ bé thì vứt luôn ngoài ruộng, ai nuôi lợn thì ra nhặt về cho lợn ăn”.

Còn nhớ đầu vụ đông năm nay, chúng tôi có về xã Liên Hiệp (huyện Hưng Hà) khi xã này đang bừng bừng khí thế mở rộng diện tích khoai tây. Gặp lại tôi, ông chủ nhiệm HTX tên Tân khoe ngay rằng, vụ đông vừa qua xã tăng được hơn 10 hecta khoai tây, nâng diện tích khoai tây lên 25 hecta. Nhắc tới chuyện năng suất, giá cả, vị chủ nhiệm cho biết, chẳng hiểu do giống chất lượng kém, do thời tiết hay kỹ thuật của dân kém mà gần như 100% diện tích khoai tây ở xã này chỉ ra củ như quả trứng gà, năng suất chỉ 2 tạ/sào là cao, số củ thì bị sùng, ghẻ, thối la liệt. Chỉ tổ nông dân đầu tư tiền phân, tiền giống là khóc ròng.

Vợ ông Đồng Văn Sơn (thôn Quang Chiêm) lục tục dẫn tôi vào xó bếp xem đống khoai tây đen sì khổ sở kể: “Một sào khoai tây đấy, đầu tư hết 700 nghìn tiền phân nhưng chắc không được 2 tạ củ, mà toàn củ hà, củ ghẻ, đen thui nên cho lợn cũng không ăn. Ở thôn này, trồng hết 2 tấn giống khoai tây nhưng nhà nào cũng thu được kết quả như thế mà thôi!”.  

Được biết, Hưng Hà và Quỳnh Phụ là hai huyện có diện tích khoai tây tăng mạnh trong vụ đông vừa qua. Tuy nhiên đơn cử như tại Hưng Hà, rất nhiều xã có diện tích khoai tây lớn như Tiến Đức, Phúc Khánh, Thái Hưng, Hòa Tiến… đều lâm vào tình cảnh tương tự như Liên Hiệp. Không biết đến nay, tỉnh Thái Bình đã có báo cáo về kết quả SX cây vụ đông, trong đó có cây khoai tây hay chưa, nhưng nông dân thì gần như vỡ mộng loại cây này.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).