| Hotline: 0983.970.780

Hàng ngàn doanh nghiệp dừng hoạt động

Thứ Sáu 04/05/2012 , 10:16 (GMT+7)

Thanh Hóa từng có 7.985 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN nhưng hiện tại chỉ còn 5.472 DN đang hoạt động.

* Nhiều Cty "chết" nhưng không chịu khai tử

Một lượng tiền rất lớn của nhà nước được các DN vay để đầu tư vào bất động sản nhưng nay hàng trăm ha đất nông nghiệp được san lấp cũng chỉ cho cỏ mọc và nhà xây thô để như thế này

Thanh Hóa từng có 7.985 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN nhưng hiện tại chỉ còn 5.472 DN đang hoạt động. Một năm qua đã có 2.513 DN dừng hoạt động và phá sản.

GIẢI THỂ VÀ NỢ NHƯ CHÚA CHỔM

Ông Ngô Xuân Nhân - GĐ Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa cho biết: “Hoạt động của các DN trên địa bàn có tín hiệu ảm đạm ngay từ những tháng đầu năm 2011 và đến thời điểm này, nhiều DN tạm dừng hoạt động và phá sản đều là hậu quả của những tác động bởi suy thoái kinh tế, thắt chặt tín dụng và một số nguyên nhân khác từ năm trước để lại. Điều này tôi đã từng cảnh báo với các DN trong năm qua và hiện nay diễn biến đó đang xảy ra như dự đoán”.

Cũng theo ông Nhân thì năm nay sẽ còn khó khăn hơn nhiều và con số DN tạm dừng hoạt động tiến tới phá sản còn tiếp tục tăng lên chứ chưa dừng lại ở con số 2.513 DN đã đóng mã số thuế.

Một báo cáo mới nhất của Sở KH-ĐT và của UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay: Trong quý I/2012, số lượng DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh có xu hướng tăng đột biến. Cụ thể, 275 DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động; trong đó giải thể 59 DN; 35 chủ DN bỏ trốn mất tích; 13 DN do nguyên nhân khác và 190 DN xin dừng hoạt động. Con số này cho thấy lượng DN giải thể và ngừng hoạt động là nhiều hơn số DN thành lập mới. Chính vì thế đã ảnh hưởng phần nào đến đời sống của người lao động, nhất là lao động nông thôn. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay có 1.665 doanh nghiệp không phát sinh thu (không hoạt động).

PV NNVN đã tìm hiểu tại TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn nơi có nhiều DN đăng ký kinh doanh. Tại TP Thanh Hóa có 2.502 DN thì hiện có 1.438 DN đang hoạt động có phát sinh doanh thu (bằng 60% tổng số DN) và có 565 DN tạm dừng kinh doanh, bỏ địa chỉ, giải thể. Còn tại huyện Đông Sơn, UBND huyện đã nhiều lần có công văn chỉ đạo cho ngành thuế tích cực vận động DN hoàn thành nợ đọng thuế để đảm bảo kế hoạch thu ngân sách song cho đến nay có 180/237 DN không phát sinh thuế trong quý I và hiện có 100 DN đang nợ đọng thuế. Trong đó có 20 DN nợ đọng thuế kéo dài nhiều năm liền với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Chẳng hạn như Cty TNHH 26/2 nợ 487 triệu đồng; Cty giao thông thủy lợi Đông Tân nợ 1.045 triệu động; DN tư nhân Đức Minh nợ 877 triệu đồng; Cty TNHH đá Việt Sơn nợ 1.243 triệu đồng…

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có một điểm chung là các DN đã nợ đọng thuế kéo dài thường nợ luôn cả bảo hiểm và nợ ngân hàng. Chẳng hạn như Cty giao thông thủy lợi Đông Tân hiện đang nợ một khoản tiền rất lớn ở ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đông Sơn. Đối với DN này, phía ngân hàng đang có kế hoạch phát mại tài sản thế chấp để thanh khoản số dư nợ. Trong khi đó phía Bảo hiểm cũng đang có đơn gửi lên Tòa án để khởi kiện ra tòa do Cty để nợ bảo hiểm.

Phía Chi cục thuế cũng đã nhiều lần đôn đốc và đang chuẩn bị thực hiện việc cưỡng chế để thu thuế tại Cty giao thông thủy lợi Đông Tân nhưng xem ra kết quả khó khả thi. Theo lãnh đạo Chi cục thuế Đông Sơn thì phía Ngân hàng còn cầm được tài sản thế chấp của các DN nên còn có cái để mà phát mại thanh khoản nợ chứ Chi cục thuế thì chẳng biết nắm vào đâu. Trong khi xử lý DN do chây ì nộp thuế với mức phạt không đáng kể so với lãi suất ở ngân hàng nên DN càng không chấp hành luật thuế một cách nghiêm túc. Vị lãnh đạo thuế này lập luận: “DN vay tiền ở ngân hàng với lãi suất 20-22%/năm, trong khi đó tiền phạt chậm nộp thuế của các DN theo luật định là 0,05%/ngày, bằng 1,5%/tháng. So sánh độ chênh lệch đó nên DN càng cố chây ì nộp thuế để lo nộp lãi cho ngân hàng. Chính vì thế việc thu thuế trong bối cảnh này tại các DN là hết sức khó khăn”.

NGÂN HÀNG NGUY CƠ MẤT VỐN

Điều đáng lo ngại nhất  là có không ít DN đã tạm dừng hoạt động, nhưng vì nhiều lý do không đến đăng ký. Kể cả số DN vẫn nộp thuế môn bài, nhưng thực tế là không có doanh thu gì cả. Song số DN này vẫn không chịu phá sản. Nguyên nhân, theo quy định của luật Phá sản, các ông chủ của DN bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập DN, không được làm người quản lý DN, trong thời hạn từ 1-3 năm, kể từ ngày bị tuyên bố phá sản. Phải chăng với họ, phá sản là đối mặt với công khai tài chính, tài sản trả hết cho chủ nợ, bản thân bị tước quyền kinh doanh... nên nhiều Cty "chết" nhưng không chịu khai tử?
Ở khu vực TP Thanh Hóa có không ít TCty hiện ôm một khoản tiền vay rất lớn tại các ngân hàng nhưng đến nay nợ quá hạn đã kéo dài nhiều năm liền mà ngân hàng vẫn chưa thu hồi được nợ. Thực tế, số TCty này khi vay được tiền của ngân hàng là đưa ra đầu cơ đất, đầu tư vào bất động sản. Hai năm nay, tình hình bất động sản bị bất động đã khiến cho hoạt động của các TCty thêm phần khó khăn.

Cũng vì dư nợ quá hạn quá lớn của các TCty này mà khiến cho nhiều cán bộ ngân hàng đang sống trong điều kiện thắc thỏm lo âu, thiếu thốn trăm bề. Điển hình như Chi nhánh ngã ba Môi của Ngân hàng NN-PTNT Thanh Hóa, hai năm nay mọi sinh hoạt của 20 con người trong Chi nhánh đều dựa dẫm 100% vào sự chu cấp của Chi nhánh trên tỉnh.

Đưa vấn đề này ra, nhiều người cho rằng, nếu không chia sẻ với những khó khăn mà các DN đang gặp phải thì nguy cơ đổ bể của họ sẽ rất lớn. Song cũng có ý kiến cho rằng, nếu cứ chia sẻ mãi mà DN không cố gắng để chèo chống vượt qua, liên tục làm ăn thua lỗ, đầu tư ngoài ngành nhiều lĩnh vực để vay nợ nhiều rồi cầu cứu giãn nợ, khoanh nợ đến xóa nợ thì vô hình chung nhà nước sẽ mất đi một khoản tiền rất lớn từ tiền đóng góp của người dân.

Chính vì thế, hơn lúc nào hết ngoài việc thực hiện nới lỏng tín dụng đối với các ngân hàng thì cũng đi kèm với việc thanh kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN một cách chặt chẽ để tránh tình trạng đầu tư dàn trải trong khi năng lực điều hành kém mà dẫn đến đổ bể, rồi bỏ trốn thì ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.