| Hotline: 0983.970.780

Mô hình xuất khẩu hàng nông sản trong kỷ nguyên công nghệ

Thứ Tư 01/05/2024 , 13:38 (GMT+7)

Nền kinh tế thị trường của kỷ nguyên 21 có ba xu hướng chủ đạo trong thương mại toàn cầu: hàng hóa - dịch vụ nói chung và hàng nông sản nói riêng.

Mô hình logistics hiện đại là yếu tố ảnh hưởng đến thành công của phát triển xuất khẩu nông sản.

Mô hình logistics hiện đại là yếu tố ảnh hưởng đến thành công của phát triển xuất khẩu nông sản.

Việt Nam là quốc gia có xấp xỉ 70% dân số sống ở nông thôn và gần 90% tổng diện tích đất sử dụng để làm nông nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 20% GDP. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Mỹ…, chỉ có gần 5% dân số của họ làm nông nghiệp nhưng lại đóng góp đến khoảng 40% GDP, không chỉ đảm bảo nhu cầu lương thực của đất nước họ mà còn có thể xuất khẩu với giá cao.

Công nghệ phát triển theo mô hình logistics hiện đại là một yếu tố quan trọng làm nên thành công đó, tuy nhiên cách định hình, quy hoạch nông nghiệp tập trung và ứng dụng hiệu quả công nghệ hàng loạt trong mô hình trang trại để sản xuất trên quy mô lớn cả về lượng và chất với hàm lượng chế biến cao cũng là những yếu tố góp phần to lớn trong ngành nông sản.

Theo quan điểm của các nhà kinh tế, nền kinh tế thị trường của kỷ nguyên 21 có ba xu hướng chủ đạo trong thương mại toàn cầu: hàng hóa - dịch vụ nói chung và hàng nông sản nói riêng.

a. Thương mại quốc tế vẫn luôn đóng vai trò quan trọng cho sự thịnh vượng toàn cầu vì nó làm tăng năng suất bằng cách mở rộng phân công lao động quốc tế. Hơn nữa, nó cho phép tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu bằng cách tạo điều kiện tiếp cận thị trường nước ngoài. Ngoài ra nó củng cố an ninh kinh tế bằng cách cung cấp cho các công ty và hộ gia đình những lựa chọn bên ngoài có giá trị khi những cú sốc tiêu cực xảy ra. 

b. Logistics là đáy của kim tự tháp cần thiết không chỉ cho tất cả các hoạt động của kinh tế thương mại vì ngành hậu cần logistics là một phần của quản lý chuỗi cung ứng liên quan đến dòng chảy hiệu quả của hàng hóa, dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo nhu cầu của khách hàng. 

c. Xu hướng công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ trong hoạt động hậu cần với mong muốn tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của khách hàng. Trong đó có thể điểm qua 6 công nghệ quan trọng nhất đang được ứng dụng trong logistics: Tự động hóa và Robotics; Trí tuệ nhân tạo (AI); Chuỗi khối (Blockchain); Vạn vật kết nối (Internet of Things); Thực tế ảo (Virtual reality); Song sinh kỹ thuật số (Digital twins).

Với ba xu hướng trên của khu vực và thế giới, có hai lĩnh vực trọng tâm lớn nhất được đặt ra trong thương mại toàn cầu: Tiêu chuẩn và chuỗi cung ứng sản phẩm. Sự phát triển của công nghệ số đã làm cho 2 lĩnh vực tiêu chuẩn và logistics ngày càng tiệm cận và đóng vai trò trung tâm xuyên suốt trong quản lý và vận hành chuỗi cung ứng. Logistics không chỉ có chi phí đầu tư lớn và tác động mạnh đến giá cả sản phẩm (trung bình chiếm khoảng 5% GDP, 20% giá cuối cùng của hàng hóa) mà nó còn có tính chất quyết định chất lượng của thương mại quốc tế khi mà bất kể khoảng cách xa, gần, mỗi khách hàng đều mong muốn sản phẩm của mình được giao một cách nhanh chóng và hoàn hảo nhất.

Có thể thấy, trong suốt chiều dài của thương mại quốc tế, mô hình logistics bắt đầu từ  cấp 1 (1PL) sơ khai đã phát triển lên thành mô hình hiện đại cấp 5 (5PL) là cung cấp dịch vụ logistics bên thứ năm, tức là loại dịch vụ thị trường thương mại điện tử bao gồm cả 3PL và 4PL. 5PL quản lý tất cả các bên liên quan trong chuỗi phân phối trên nền tảng thương mại điện tử.

Điểm cốt lõi quan trọng của 5PL là các hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), hệ thống quản lý kho hàng (WMS) và hệ thống quản lý vận tải (TMS). Các hệ thống này có liên quan chặt chẽ với nhau trong một hệ thống tự động hóa công nghệ thông tin cao và thống nhất nhằm đảm bảo tiêu chuẩn của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Hiện nay, trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ IT, nông nghiệp nước ta vẫn tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng truyền thống kém hiệu quả (sử dụng chủ yếu mô hình logistics cấp 2 và cấp 3) với khâu sản xuất còn manh mún cũng như nhiều khâu trung gian trong chuỗi cung ứng truyền thống, do đó lượng lãng phí lớn và chi phí giao dịch cũng cao. Các cơ chế chuỗi cung ứng truyền thống trung gian thường kém tối ưu so với chuỗi cung ứng tổng thể, trong đó chúng khiến nông dân sản xuất thừa hoặc sản xuất thiếu so với mức sản xuất lý tưởng nếu chúng được tích hợp theo chiều dọc kết nối người sản xuất với người mua theo mô hình Trung tâm điều phối.

Trong bối cảnh của Hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế và sự phát triển của kinh tế số, Kinh tế nền tảng (Platform economy) nói chung và Nông nghiệp nền tảng (Platform agriculture) nói riêng là mô hình kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xoay quanh việc tạo ra các nền tảng kỹ thuật số kết nối người mua và người bán, nhà cung cấp dịch vụ hoặc người tham gia trong các giao dịch khác nhau.

Trong các mô hình mới đó, các Trung tâm điều phối điện tử đã nổi lên như một kênh mua bán thay thế trung gian truyền thống. Trung tâm điều phối tích hợp hiệu quả với mô hình logistics hiện đại (cấp 4 và cấp 5) trong nền nông nghiệp nền tảng dựa trên xu hướng ứng dụng công nghệ số tiên tiến nhất của ngành hậu cần.

Sự hiện diện của Trung gian điện tử giúp cải thiện lợi nhuận của nông dân khi nó giúp cho người nông dân sản xuất tiệm cận sát hơn với mức sản xuất lý tưởng đối với người nông dân vì sức mạnh thị trường quan trọng hơn khả năng tiếp cận thị trường.

Bằng cách cung cấp sự công bằng, minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm cho mọi đối tác trong hệ thống và bằng cách cung cấp một kênh bán hàng mới cho nông dân, ít nhất về nguyên tắc. Các Trung gian điện tử sẽ giảm bớt một số thách thức, rủi ro chính mà nông dân phải đối mặt trong chuỗi cung ứng nông sản truyền thống.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế vấn đề cần lưu ý ở đây là: khi số lượng nông dân tăng lên và cạnh tranh như các véc tơ chuyển động theo các động lực ngắn hạn của thị trường đầu cơ sẽ dẫn đến tổng lợi nhuận của tất cả nông dân sẽ hội tụ về 0 trong dài hạn, bất kể sự hiện diện của Trung gian điện tử. Do đó, một cách hiệu quả dài hạn hơn để cải thiện sinh kế của nông dân theo kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển là hợp nhất nông sản dân thành các tập thể nông dân lớn hơn để nâng cao sức mạnh thị trường của họ.

Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định chiến lược phát triển nông nghiệp: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

Để góp phần thực hiện tốt chiến lược đó, ở đây chúng ta có thể nêu 4 giải pháp hiệu quả để từng bước hình thành một nền nông nghiệp nền tảng, đảm bảo xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông sản chiến lược Việt.

Công tác chế biến sau thu hoạch cũng là yếu tố quan trọng nâng cao giá trị xuất khẩu.

Công tác chế biến sau thu hoạch cũng là yếu tố quan trọng nâng cao giá trị xuất khẩu.

1. Phát triển Trung tâm điều phối điện tử với các vai trò quan trọng trong việc

Phân loại sản phẩm; Xây dựng và đánh giá theo tiêu chuẩn hướng tới nền nông nghiệp xanh; Đóng gói; Marketing. Trong quá trình đó, Trung tâm có thể dùng công nghệ cao để xử lý và nâng cấp chất lượng và tuổi thọ của sản phẩm. Ở đây, có thể nêu một ví dụ điển hình: tại các tỉnh Đắk Lắk và Tiền Giang, Tập đoàn Cánh đồng vàng (Lạng Sơn) đã sử dụng công nghệ tách nước khử khuẩn di động thành công phù hợp với phương thức canh tác thâm canh hiện nay để giảm độ ẩm của sầu riêng từ 72% xuống còn 65% và tăng thời gian bảo quản của sản phẩm lên 28 ngày so với hơn 10 ngày trước đây.

Có thể nói công nghệ đã giúp sầu riêng cạnh tranh mạnh mẽ với khu vực, đạt kim ngạch kỷ lục trên 2 tỷ USD năm 2023. Các Trung tâm điều phối có thể tích hợp mô hình logistics cấp 4 và cấp 5 để kết nối và điều phối hoạt động của các phương thức vận tải khác nhau như một điều kiện tiên quyết cơ bản để đảm bảo dịch vụ hiệu quả.

Phương thức này có thể giải quyết 3 vấn đề chiến lược mà ngành nông sản phải đối mặt: (1) Tồn kho cao, chi phí cao (nhất là chi phí bảo quản sau thu hoạch do đặc thù của hàng nông sản) và không đủ năng lực đổi mới; (2) Chuyển đổi chế độ quản lý theo định hướng phân cấp trước đây sang chế độ quản lý phẳng được thúc đẩy bởi các đơn hàng được đặt trong nền kinh tế nền tảng. Nền tảng này giúp trao đổi thông tin và liên lạc hiệu quả hơn, đồng thời hệ thống phân cấp thông tin điểm - điểm (point to point) theo hướng tự động hóa giúp việc sản xuất và bán hàng của ngành sản xuất truyền thống hiệu quả hơn; (3) Chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp nông nghiệp bằng cách sử dụng hệ thống thông tin và phát triển chuỗi cung ứng mở các bên cùng có lợi với các nhà cung cấp để trở thành một chuỗi giá trị gia tăng dựa trên tiêu chuẩn chung.

Ngoài ra, Trung tâm điều phối còn có thể đóng vai trò huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực… cũng như cung cấp các giải pháp bảo hiểm tài chính chống rủi ro cho nền nông nghiệp đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày nay.

2. Hạ tầng kỹ thuật

Nông nghiệp nền tảng với các Trung tâm điều phối điện tử sẽ không thể phát huy tối đa hiệu quả nếu như thiếu hạ tầng kỹ thuật quốc gia. Đây có thể coi nguồn lực sản phẩm đầu vào (manufactured capital) chủ chốt và là xương sống (back bone) của hệ thống Nông nghiệp nền tảng.

Bên cạnh hạ tầng hạ tầng cơ bản như thủy lợi và năng lượng…, hệ thống giao thông thủy, bộ, hàng không quốc gia cần phải được quy hoạch và phát triển kết nối các Trung tâm điều phối với thị trường nội địa và cả với thị trường quốc tế.

Chuỗi cung ứng là một lĩnh vực kinh doanh toàn cầu và hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi, vì vậy cần có chính sách đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế khi phát triển và định vị các trung tâm logistics, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm như phía Bắc, phía Nam và khu vực miền Trung.

3. Thể chế quan hệ quốc tế

Vốn xã hội (social capital) liên quan các thể chế pháp lý giúp duy trì và phát triển các nguồn lực trong quan hệ đối tác với nhau. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở với chiến lược ngoại giao kinh tế là làm bạn với tất cả các nước. Chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới tạo cơ sở hình thành sự kết nối thị trường, người tiêu dùng và phát triển đối tác trọng yếu.

Chính vì vậy, cần chủ động phối hợp với các đối tác quốc tế xây dựng và phát triển các thể chế, cấu trúc tổ chức hợp tác kinh tế đối ngoại tích cực trong các lĩnh vực thông quan, thuế quan, tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ, chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư, hợp tác tài chính… nhằm cụ thể hóa các nỗ lực ngoại giao thành hiệu quả kinh tế, tạo các nguồn lực to lớn mới thúc đẩy hiện đại hóa ngành nông nghiệp.

4. Mô hình nông trường

Nền nông nghiệp hiện nay còn tồn tại nhiều manh mún, thiếu năng lực cạnh tranh, vì vậy nên chăng cần sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ mô hình các tập đoàn nông trường, nông trại mạnh có khả năng hợp tác và cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nội địa và quốc tế theo hướng sản xuất công nghiệp của nền nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn nhằm tối ưu hoá nguồn lực tài nguyên đất đai (Natural capital), hướng tới một nền nông nghiệp có nền tảng bền vững, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp và nâng cao hàm lượng chế biến cao của hàng hóa nông sản Việt, không những phục vụ cho chiến lược xuất khẩu mà còn đảm bảo an ninh kinh tế đất nước.

Xem thêm
Philippines vượt mục tiêu thu mua gạo trong nửa đầu năm 2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Philippines thu mua hơn 168.000 tấn gạo. Khối lượng này đủ để đáp ứng 4 ngày tiêu thụ gạo của Philippines trong trường hợp khẩn cấp.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank Tiền Giang: 5 đảng viên nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng

Ngày 27/6, Đảng ủy Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang (Agribank Tiền Giang) trang trọng tổ chức Lễ trao Huy hiệu Đảng đợt 19/5/2024 cho 5 đồng chí đảng viên.

Bất động sản hàng hiệu đang có tiềm năng phát triển rất lớn

Bất động sản hàng hiệu (branded residences) đang có tiềm năng phát triển rất lớn, nhờ 'cú bắt tay' giữa chủ đầu tư Việt Nam với các thương hiệu danh tiếng hàng đầu thế giới.

Bình luận mới nhất