| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Ra quân tiêu diệt nguồn bệnh dịch “lùn lụi” lúa

Thứ Hai 14/09/2009 , 10:32 (GMT+7)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Nghệ An đã khẩn trương bắt tay triển khai công tác phòng chống dịch với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao...

Nghệ An là tỉnh có số dân đông vào tốp đầu của nước ta, đời sống nông dân chủ yếu dựa vào sản xuất lúa là chính với diện tích canh tác hàng năm khoảng 180.000ha (vụ xuân trên 80.00ha, vụ hè thu - mùa gần 100.000ha). Đáng tiếc sự mất mát do dịch lùn lụi lúa gây ra trong vụ hè thu – mùa năm nay rất lớn, có thể ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ gia đình trong thời gian tới vì vậy cần tập trung ngăn chặn dịch, tiêu diệt triệt để nguồn bệnh không cho lây lan gây hại trong những vụ tiếp theo.

Bước vào sản xuất vụ hè thu – mùa năm 2009 thời tiết cơ bản thuận lợi nên diện tích lúa hè thu vượt 15,1% so với kế hoạch (57.000ha), cao nhất từ trước đến nay. Cùng với sự thuật lợi của thời tiết cho lúa sinh trưởng và phát triển thì cũng là điều kiện tốt cho nhiều đối tượng dịch hại phát sinh gây hại nặng đối với sản xuất như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, châu chấu, nhện gié, bệnh khô vằn, lem lép hạt...

Đặc biệt là rầy lưng trắng và rầy nâu, ngay sau khi gieo cấy khoảng 10-15 ngày rầy đã phát sinh với mật độ rất cao, gây hại nặng trên phạm vi rộng với diện tích toàn tỉnh 9.500ha. Để đối phó với dịch rầy Nghệ An đã tập trung chỉ đạo phòng trừ quyết liệt, đến cuối tháng 7 đã phun trừ được 11.000ha, cơ bản đã khống chế được rầy.

Tuy nhiên sau khi phòng trừ rầy lúa không phát triển được mà ngày càng lụi đi với mức độ lây lan thật khủng khiếp. Lúc đầu chỉ có một số xã ở huyện Yên Thành, Diễn Châu... bị hại với diện tích vài trăm ha, sau đó lan ra nhiều địa phương khác, đến ngày 31/7/2009 có 5 huyện bị hại với diện tích 1.000ha, đến 20/8/2009 diện tích tăng lên 2.958ha. Dịch "lùn lụi lúa" không dừng tại đó mà còn lây lan sang cả diện tích lúa mùa của các huyện trung du và miền núi, đến ngày 31/8/2009 toàn tỉnh đã có 13 huyện bị hại với tổng diện tích nhiễm nặng từ 20% trở lên là 5.506,9ha (vụ hè thu 4.024,6ha, mất trắng 2.210,2ha; vụ mùa 1.472,3ha, dự kiến mất trắng 1.300ha). Đến ngày 8/9/2009 trên diện tích lúa mùa đã có 10 huyện bị hại với tổng diện tích 2.986,5ha và đang có xu hướng gia tăng diện tích trong thời gian tới.

Sự gây hại trên được ghi nhận ở hầu hết các giống đang được gieo trồng hiện nay ở Nghệ An như: TH 3-3, Bio 404, Q.ưu 1, Q.ưu 6, Nhị ưu 838, Nhị ưu 986, Bắc ưu 903, Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, Vật tư-NA1, Xi 23, Khang dân 18...

Trước tình hình đó, Nghệ An đã báo cáo Cục BVTV, Bộ NN&PTNT. Ngày 1/9/2009 Bộ NN&PTNT ban hành công điện số 29/CĐ-BNN-BVTV V/v thực hiện phòng chống hiện tượng lùn lụi lúa tại Nghệ An. Ngày 2/9/2009 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4430/QĐ.UBND.ĐT về việc công bố dịch "lùn, lụi" lúa; ngày 3/9/2009 Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ban hành công điện khẩn số 35/CĐ.UBND.ĐT; ngày 4/9/2009 Bộ trưởng NN&PTNT vào Nghệ An kiểm tra thực tế đồng ruộng tại huyện Anh Sơn và Yên Thành đồng thời chủ trì cùng với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học để nghe ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đánh giá về hiện tượng lùn lụi lúa ở Nghệ An. Tại hội thảo, dựa theo đa số các nhà khoa học, Bộ trưởng đã kết luận có sự hiện diện của bệnh lùn xoắn lá và lúa cỏ ở Nghệ An, đây là bệnh gây hại nguy hiểm không những cho Nghệ An mà còn cho các tỉnh khác ở miền Bắc trong những vụ sắp tới.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Nghệ An đã khẩn trương bắt tay triển khai công tác phòng chống dịch với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao, huy động cả hệ thống chính trị, các cấp hội và toàn dân tham gia với các giải pháp cụ thể sau:

- Về hành chính: Thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) chống dịch từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản: BCĐ cấp tỉnh do đồng chí Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng ban và các thành viên là các lãnh đạo của các sở, ban, ngành liên quan. Theo kế hoạch, việc thành lập BCĐ cấp huyện xã, thôn, bản phải xong trước ngày 15/9/2009 sau đó bắt tay vào tổ chức thực hiện.

- Kế hoạch: Được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I: Từ nay đến 30/11/2009 chủ yếu thực hiện công tác tiêu huỷ triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng; giai đoạn II: từ 1/12/2009 trở đi cho đến hết sản xuất vụ xuân 2010.

- Công tác tập huấn, truyên truyền: Ngành BVTV và khuyến nông chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ kỹ thuật trong tỉnh và nông dân với hình thức khuyến nông 2 chiều thực tế trên đồng ruộng từ nay cho đến 25/9/2009. Huy động các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và mời thêm các cơ quan thường trú của Trung ương đóng trên địa bàn cùng tham gia đưa tin về diễn biến, tác hại của dịch, chủ trương, chính sách và các biện pháp chống dịch cho dân biết, hiểu để thực hiện.

- Biện pháp kỹ thuật (giai đoạn 1):

+ Đối với lúa hè thu đã thu hoạch: Ruộng khô nước dùng liềm cắt triệt để gốc rạ, thu gom phơi khô đốt hoặc đưa về ủ với phân chuồng không cho mầm mọc, nếu mọc lúa chét cắt tiếp hoặc đào, cày gốc rạ phơi khô. Ruộng có nước cày lật vùi gốc rạ, có điều kiện rải vôi xử lý. Trên chân đất lúa hè thu triển khai làm ngô đông, rau màu vụ đông: Khi làm đất trồng cây vụ đông phải lấp kín gốc rạ vào trong luống, không được để lúa chét mọc trong thời gian sản xuất vụ đông. Dọn sạch cỏ ở bờ ruộng bị bệnh, sơn bờ không cho lúa rơi vãi mọc mầm.

+ Đối với lúa mùa chưa thu hoạch: Tổ chức cắt bỏ triệt để những diện tích, khóm lúa bị bệnh đem xử lý (đốt, ủ phân, vùi lấp đất). Ở những diện tích có nước sâu tiến hành cày, bừa cho ngập nước không cho mọc lúa chét. Những diện tích làm được vụ đông (đất và thời vụ đảm bảo): Cày bừa làm đất kỹ không cho mọc lúa chét sau đó gieo trồng cây vụ đông.

- Ngành BVTV thường xuyên tổ chức điều tra tình hình diễn biến của bệnh, phát sinh của rầy trên đồng ruộng, tổ chức đốt đèn theo dõi rầy. Sở NN&PTNT chuẩn bị các điều kiện, giải pháp cụ thể để xây dựng đề án sản xuất vụ xuân 2010 trong điều kiện có bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Nông dân tự tin canh tác lúa phát thải thấp sau tập huấn

TRÀ VINH Sau buổi tập huấn, nông dân được trang bị kiến thức cơ bản, tự tin thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.