Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, thời điểm này mùa hè, thời tiết nắng nóng, nguy cơ phát sinh bệnh dại ở động vật rất cao, nhất là thú nuôi trong gia đình như chó, mèo.
Bệnh dại được lây truyền chủ yếu do các vết cắn, vết cào xước của con vật bị dại chứa virus dại trong nước bọt. Sau khi bị chó, mèo cắn, cào xước, virus dại theo hướng thần kinh gây viêm não tủy cấp tính.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, hiện nhận thức của người dân trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định về nuôi chó mèo và phòng chống bệnh dại, tiêm phòng vacxin còn hạn chế.
“Mặc dù toàn tỉnh hiện tỷ lệ tiêm phòng vacxin bệnh dại đạt khoảng 62% nhưng vẫn chưa triệt để, nhiều địa phương đạt thấp và chưa đồng đều. Người dân còn thờ ơ trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại nên đã xảy ra những trường hợp tử vong đáng tiếc”, ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ.
Theo báo cáo của Trung Tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay có 2 người phát bệnh dại và tủ vong. Trong đó, 1 trường hợp tại phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa và 1 trường hợp tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An.
Trước tình trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên yêu cầu người bị chó cắn và những người tiếp xúc gần đi tiêm vacxin phòng ngừa bệnh dại. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ nuôi đưa chó, mèo đi tiêm vacxin phòng bệnh dại.
Ông Nguyễn Văn Sơn, xã thôn Phước Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa (Phú Yên) cho biết, gia đình hiện nuôi 2 con chó. Nhận thấy bệnh dại nguy hiểm cho cộng đồng và gia đình nên tháng 4 vừa qua, ông đã chủ động xích nhốt chó để nhân viên thú y đến tiêm phòng.
Tương tự, ông Huỳnh Đức Nhựt, ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa cũng đã tiêm phòng vacxin bệnh dại cho chó nuôi của gia đình khi được tuyên truyền, vận động.
Theo anh Huỳnh Đức Nhựt, nhà anh nuôi chó để trông giữ nhà. Nhờ cán bộ thú y tuyên truyền nên anh biết được bệnh dại rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong khi bị chó, mèo cắn.
Do đó, ngay khi chính quyền địa phương thông báo lịch tiêm, anh đã đưa chó tiêm phòng nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe của gia đình, cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, để phòng, chống bệnh dại, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT Phú Yên trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiêm vacxin phòng bệnh dại chó, mèo năm 2024; Công văn số 2371/UBND ngày 24/4/2024 tập trung phối hợp tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Sau đó, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức tiêm phòng triệt để, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng, thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót.
Tuy nhiên để công tác tiêm phòng hiệu quả, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên đề nghị các địa phương thống kê chính xác tổng đàn và lập danh sách những hộ nuôi chó, mèo để quản lý.
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo nuôi tại Nghị định số 90 ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Thú y và Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017/NĐ-CP.
Đối với người nuôi chó, mèo phải khai báo với Trưởng thôn để quản lý chó, mèo nuôi. Thường xuyên xích hoặc nhốt chó trong chuồng nuôi, không được thả rông để chó cắn người. Khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm và có người dắt.
Bên cạnh đó, người nuôi cần thực hiện tiêm phòng bệnh dại theo quy định 1 lần/năm. Trước khi tiêm phòng, người nuôi chó cần phải đăng ký với trưởng thôn, để triển khai tiêm phòng triệt để.
Trong khi tiêm phòng đưa chó, mèo đến địa điểm tiêm tập trung, đồng thời bắt giữ chó, mèo để nhân viên thú y thực hiện tiêm phòng được thuận lợi. Sau khi tiêm phòng cần chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho chó, mèo được tiêm.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên khuyến cáo, người bị chó, mèo cắn cần đưa đến cơ quan y tế dự phòng để kiểm tra và tiêm phòng kịp thời, đồng thời nhốt chó, mèo lại để theo dõi 15 ngày (đối với chó, mèo biết rõ nguồn gốc). Trường hợp không biết rõ nguồn gốc của con chó, mèo đã cắn người thì phải áp dụng ngay các biện pháp điều trị dự phòng cho người như bị chó. mèo dại cắn.