| Hotline: 0983.970.780

Trồng bằng hạt giống, năng suất hành tím tăng gấp đôi, giảm 50% chi phí giống

Thứ Hai 20/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Sử dụng hạt giống trong sản xuất giúp năng suất hành tím tăng từ 30 - 100%, sản phẩm chất lượng cao, trong khi chi phí cho khâu giống giảm 50% so với truyền thống.

Giảm gánh nặng chi phí giống

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích sản xuất hành cả nước hiện nay khoảng 14.000 - 15.000ha, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận và Quảng Ngãi. Trong đó, hành tím trồng chủ yếu tại Sóc Trăng, Ninh Thuận và Quảng Ngãi. Riêng tỉnh Quảng Ngãi có 2 địa phương trồng nhiều hành tím là đảo Lý Sơn mỗi năm trồng khoảng 1.000ha và huyện Bình Sơn mỗi năm trồng khoảng 1.500ha.

Theo Thạc sỹ Lê Đức Dũng, Phó Bộ môn Rau - hoa - cây cảnh thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, hầu hết nông dân trồng hành tím hiện nay chủ yếu sử dụng củ giống. Trong khi quá trình sản xuất liên tục từ vụ này qua vụ khác khiến củ giống tích lũy sâu bệnh hại trong tầng đế củ.

TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (áo trắng) giới thiệu mô hình mô hình nghiên cứu giống hành tím với GS.TS Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: V.Đ.T.

TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (áo trắng) giới thiệu mô hình mô hình nghiên cứu giống hành tím với GS.TS Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Sâu bệnh hại tồn tại trong củ giống sẽ dẫn tới suy giảm chất lượng, củ hành thương phẩm sẽ nhỏ dần, làm ảnh hưởng đến năng suất. Thứ đến là chi phí vận chuyển củ giống từ địa phương này đến địa phương khác sẽ rất tốn kém, nông dân trồng hành tím sẽ thêm gánh nặng chi phí.

“Sau khi thu hoạch, những củ hành tím để lại làm giống cần phải được bảo quản tối thiểu 2 tháng mới được mang ra trồng. Như vậy sẽ tốn chi phí thuê kho bãi, nhân công phơi củ giống và công vận chuyển vào kho để bảo quản. Củ giống đã nằm trong kho rồi nhưng cũng cần phải đảo trộn để thông gió. Do đó, giá thành của củ giống hành tím sẽ tăng cao”, Thạc sỹ Lê Đức Dũng cho hay.

Cũng theo Thạc sỹ Dũng, nếu trồng hành tím bằng hạt giống thì 1ha chỉ cần 1kg hạt giống, chi phí vận chuyển từ nơi này đến nơi khác không đáng kể, còn bảo quản trong lạnh thì hạt giống chiếm diện tích rất nhỏ. Như vậy, trồng hành tím bằng hạt giống chi phí về giống sẽ rất thấp.

Hiện nay, tùy thời điểm, củ giống hành tím có giá từ 40.000 - 65.000đ/kg, còn hạt giống hành tím để sản xuất ra cây con nếu nhập từ nước ngoài về có giá khoảng 60 triệu đồng/kg. 1kg củ hành giống chỉ trồng được vài m2 đất. Tùy theo củ to hay nhỏ, mỗi ha (10.000m2) nông dân phải tốn tiền mua 2 - 3 tấn củ hành giống.

Vụ hè thu nắng nóng, củ giống sẽ bị hao hụt nên nông dân cần phải trồng dày, 1ha cần phải trồng đến 3 tấn giống, còn vụ đông xuân thời tiết thuận lợi lượng giống sẽ giảm còn 2 tấn. Lúc hành giống rẻ cũng tốn từ 80 - 120 triệu đồng, khi hành đắt phải tốn từ 130 - 195 triệu đồng/ha.

Tham quan mô hình nghiên cứu giống hành tím của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: V.Đ.T.

Tham quan mô hình nghiên cứu giống hành tím của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: V.Đ.T.

“Hạt giống hành tím rất nhỏ nên 1kg hạt giống có rất nhiều hạt, sau khi gieo sẽ thu được số lượng cây con có thể trồng được 1ha, chỉ tốn khoảng 60 triệu đồng. Hiện các vùng trồng hành tím ở nước ta phải sử dụng củ giống để trồng là do chưa chủ động được hạt giống, chứ các nước trong khu vực phần lớn đều trồng bằng hạt giống.

Như vậy, trồng hành tím bằng hạt giống nông dân không chỉ giảm được hơn 1 nửa chi phí mua giống mà hạt giống còn sạch bệnh. Khi thu hoạch, củ hành tím thương phẩm sẽ rất đồng đều và to hơn củ hành trồng bằng củ giống”, Thạc sỹ Lê Đức Dũng cho biết thêm.

Năng suất tăng gấp đôi

Từ thực tế trên, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã nghiên cứu nhân giống hành tím để cung ứng cho nông dân trong khu vực. Các nhà khoa học của Viện áp dụng 2 phương pháp nhân giống là nhân giống hạt OP (dòng tự thụ) và nhân giống hạt lai F1.

Thạc sỹ Lê Đức Dũng, Phó Bộ môn Rau - hoa - cây cảnh thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ngoài cùng bìa phải) thuyết minh lợi ích khi sử dụng hạt giống hành tím để sản xuất thương phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Thạc sỹ Lê Đức Dũng, Phó Bộ môn Rau - hoa - cây cảnh thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ngoài cùng bìa phải) thuyết minh lợi ích khi sử dụng hạt giống hành tím để sản xuất thương phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Với quy trình nhân giống bằng hạt OP, hành tím địa phương được chọn lọc, phục tráng sau 3 thế hệ, được thụ phấn bằng ong, thu về hạt OP. Sau đó gieo cây con trong khay, được chăm sóc trong điều kiện nhà lưới. Sau khi gieo hạt từ 45 - 60 ngày, cây con được trồng ra ruộng sản xuất. Sau khi trồng ra ruộng từ 90 - 100 ngày, nông dân có thể thu củ thương phẩm hoặc bán làm củ giống.

Với quy trình nhân giống hạt lai F1 thì dòng bố là giống hành tím địa phương, còn dòng mẹ là dòng bất dục đực, thụ phấn bằng ong, thu hạt F1. Cây con được gieo ươm trong khay, được chăm sóc trong điều kiện nhà lưới. Sau khi gieo hạt từ 45 - 60 ngày, cây con được trồng ra ruộng sản xuất. Sau khi trồng ra ruộng từ 90 - 100 ngày, nông dân có thể thu củ thương phẩm hoặc bán làm củ giống.

“Giống hành tím được nhân giống hạt OP phục vụ cho nhu cầu sản xuất nội địa, dùng để ăn tươi, làm gia vị. Còn giống hành tím được nhân giống hạt F1 phục vụ cho nhu cầu chế biến, giống hành này củ sẽ lớn hơn, được sử dụng để chế biến hành phi. Nguyên liệu chế biến hành phi hiện nay chủ yếu được mua hành củ từ nước ngoài về gia công, chứ lượng sản xuất trong nước không đáng kể”, Thạc sỹ Lê Đức Dũng chia sẻ.

Hiện nay, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống hành tím với quy mô nhỏ, bước sang năm 2025, mô hình này sẽ được đưa ra sản xuất đại trà. Hành tím được nhân giống hạt OP sẽ được cung cấp củ giống cho nông dân. Củ hành tím giống của Viện được nhân từ hạt ra nên sạch bệnh, đảm bảo chất lượng. Còn giống hành tím được nhân giống hạt F1 sẽ được sản xuất đại trà và bán củ thương phẩm làm nguyên liệu chế biến hành phi, hoặc bán hạt giống để nông dân tự gieo thành cây con để trồng.

Thạc sỹ Lê Đức Dũng với những củ hành tím thương phẩm rất lớn thu hoạch trong mô hình nghiên cứu. Ảnh: V.Đ.T.

Thạc sỹ Lê Đức Dũng với những củ hành tím thương phẩm rất lớn thu hoạch trong mô hình nghiên cứu. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Thạc sỹ Dũng, từ hạt giống hành tím gieo ra cây con để trồng khá đơn giản. Khi cây con được 50 - 60 ngày là có thể mang ra trồng thành từng hàng trên luống và tiến hành chăm sóc bình thường. Đặc biệt, tuy thời gian sinh trưởng dài hơn khoảng 30 - 35 ngày so với trồng từ củ nhưng giống hành tím được nhân từ hạt OP sẽ cho năng suất tăng hơn so với cây hành được trồng bằng củ giống truyền thống bấy lâu nay nông dân thường trồng khoảng 30%.

Còn giống hành tím được nhân từ hạt lai F1 sẽ cho năng suất tăng gấp đôi, vì củ hành được trồng từ hạt cho củ to gấp đôi so với củ hành thương phẩm được sản xuất từ củ giống truyền thống nên khi đưa vào chế biến hành phi rất có lợi.

“Công nghệ nhân giống hành tím OP và hạt lai F1 do Viện nghiên cứu, hoàn thiện đã góp phần khắc phục hiện tượng thoái hoá giống hành mà bà con đang sản xuất hàng năm. Sản xuất hành từ hạt giúp tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận, sâu bệnh hại, hành đạt độ đồng đều cao, từ đó giúp nâng cao năng suất củ hành thương phẩm.

Ngoài ra, nghiên cứu này còn mang đến lợi ích khác là người trồng hành tím giảm được chi phí mua giống, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho hay.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.