| Hotline: 0983.970.780

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa để Tây Ninh xuất khẩu sản phẩm động vật

Thứ Hai 20/05/2024 , 13:39 (GMT+7)

Ngày 19/5, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện công nhận vùng an toàn dịch bệnh tỉnh và kế hoạch xuất khẩu gia cầm sang thị trường Halal.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự chương trình và chúc mừng tỉnh. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo nhiều Bộ, tỉnh/thành và gần 1.000 đại biểu, đại diện lãnh sự quán các nước nước Á - Âu và các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ về thiên thời - địa lợi - nhân hòa, dư địa phát triển chăn nuôi và xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của địa phương. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ về thiên thời - địa lợi - nhân hòa, dư địa phát triển chăn nuôi và xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của địa phương. Ảnh: Lê Bình.

Chú trọng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, là địa phương có vị trí địa lý quan trọng, cửa ngõ kết nối với các nước Đông Nam Á và nằm trên hành lang kinh tế, kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Ninh hội tụ đủ ba yếu tố là thiên thời - địa lợi - nhân hòa, dư địa phát triển kinh tế lớn cùng con người cần cù, chịu thương chịu khó và lượng nhân lực trẻ.

Xác định xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ nhằm phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động mà còn giúp sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Tây Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung đáp ứng theo quy định tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tính đến hết năm 2023, tổng đàn gia cầm của tỉnh Tây Ninh khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt 62.460 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 116 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn khoảng 9 triệu con. Trong đó, có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh .

Tây Ninh chú trọng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh chú trọng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Trong hơn 2 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, tỉnh Tây Ninh, đến nay huyện Tân Châu là huyện thứ 2 tại địa phương xây dựng thành công huyện đạt tiêu chuẩn vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Newcastle và cúm gia cầm.

Đây là tiền đề rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chăn nuôi cũng như hướng tới hoạt động xuất khẩu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm trong thời gian tới.

Minh chứng sự kiện lần này, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện gồm: Lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công bố 7 dự án trọng điểm Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh tại huyện Tân Châu.

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố ngày 5/5 vừa qua có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, mở ra định hướng không gian phát triển mới trên các lĩnh vực.

“Điều này tạo động lực để Tây Ninh phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Tây Ninh xanh, góp phần đưa tỉnh nhà trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, trân trọng mời gọi các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đến với Tây Ninh để cảm nhận vùng đất giàu tiềm năng, hiểu hơn về quê hương, con người Tây Ninh trách nhiệm, nghĩa tình vững tin hiện thực hóa dự án đầu tư…”, ông Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long trao quyết định công nhận vùng an toàn dịch bệnh cho huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long trao quyết định công nhận vùng an toàn dịch bệnh cho huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

Sức bật cho xuất khẩu

Nói về lý do Tập đoàn De Heus chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm đầu tư, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Toàn cầu Tập đoàn De Heus đánh giá: Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dù là địa phương đi sau, nhưng có nhiều lợi thế về trước trong lĩnh vực chăn nuôi bởi Tây Ninh có quỹ đất rộng, chính quyền Tây Ninh đặc biệt quan tâm đến vùng an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, hạ tầng Tây Ninh dần hoàn thiện rút ngắn lộ trình vận chuyển từ Tây Ninh đi các tỉnh trong lân cận, đặc biệt là TP. HCM.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Toàn cầu De Heus chia sẻ mục tiêu định hướng của Tập đoàn khi đầu vào Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Toàn cầu De Heus chia sẻ mục tiêu định hướng của Tập đoàn khi đầu vào Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

“Sau hơn 10 tháng thi công khẩn trương ‘khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN’ hiện đại áp dụng 100% công nghệ cao, ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Các công nghệ này đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và quốc tế chuyên ngành, tiêu chuẩn của Hà Lan, Đức và Bỉ đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Đây là dự án khởi động cho chuỗi từ tạo con giống, chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gà thịt, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

7 dự án trọng điểm được công bố trong sự kiện thuộc giai đoạn 2 của dự án DHN Tây Ninh gồm: hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu, và nhà máy chế biến thực phẩm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Tây Ninh và các doanh nghiệp nhấn nút khởi động 7 dự án trọng điểm giai đoạn 2 Dự án DHN Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Tây Ninh và các doanh nghiệp nhấn nút khởi động 7 dự án trọng điểm giai đoạn 2 Dự án DHN Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

Cũng tại chuỗi chương trình, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh, Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, Hùng Nhơn cùng với De Heus, Công ty Ngọc Bích, Công ty Thế giới của Kiến thức và Kết nối, đã ký kết về chương trình hợp tác, liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn Halal.

Phát biểu chúc mừng tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Tây Ninh và do Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn vận hành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh theo đúng kỳ vọng.

Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh và 7 dự án trọng điểm chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh có thể coi là một mô hình mẫu trong lĩnh vực chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Tây Ninh và các doanh nghiệp trong việc quy hoạch, xây dựng, đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Tây Ninh và các doanh nghiệp trong việc quy hoạch, xây dựng, đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

“Chuỗi sự kiện tại Tây Ninh dịp này thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong quá trình tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh theo xu hướng phát triển của nông nghiệp bền vững, tích hợp đa giá trị. Chuỗi liên kết này đã mở đường cho sự kết nối quốc tế và chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên toàn thế giới.

Với thành công này đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp chăn nuôi công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản, góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiến lược phát triển nông nghiệp, phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.