| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát bệnh lở mồm long móng

Thứ Hai 20/05/2024 , 13:40 (GMT+7)

GIA LAI Những ngày qua, bệnh lở mồm long móng trên đàn bò đang bùng phát ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), trong khi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức việc phòng, chống.

Ông Thái Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai (bên phải) chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Thái Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai (bên phải) chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Tuấn Anh.

Điểm nóng dịch bệnh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai vừa tiến hành kiểm tra dịch bệnh và công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại làng Bông Pim (xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang).

Kết quả kiểm tra cho thấy, từ ngày 13 - 17/5, tại làng Bông Pim đã phát hiện 12 con bò của 5 hộ dân mắc bệnh lở mồm long móng. Qua điều tra dịch tễ xác định, bò mắc bệnh do tự phát, nguyên nhân có thể do thời tiết diễn biến thất thường, bất lợi cho sức khỏe của đàn vật nuôi.

Thời gian qia, trên địa bàn huyện huyện Mang Yang thường xuyên xuất hiện các ổ dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn vật nuôi. Chỉ trong 1 tháng, từ ngày 17/2 đến 17/3, huyên Mang Yang ghi nhận 25 con bò của 13 hộ dân tại 4 làng của xã Hra và thị trấn Kon Dơng mắc bệnh lở mồm long móng.

Điều đáng nói, trong 2 năm gần đây, đàn trâu, bò của huyện Mang Yang chưa được tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng đầy đủ, mà chủ yếu các doanh nghiệp, trang trại tự tiêm. Trong khi đó, ngân sách huyện chỉ hỗ trợ khoảng 50% chi phí mua vacxin tiêm cho đàn vật nuôi của các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ông Thái Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, ngay sau khi phát hiện đàn bò có triệu chứng bệnh lở mồm long móng, Chi cục đã phối hợp, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang tổ chức lấy mẫu trên đàn bò tại làng Bông Pim gửi Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm để xác định bệnh. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh lở mồm long móng.

Công tác tiêu độc, khử trùng đã được tiến hành ngay khi phát hiện bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Tuấn Anh.

Công tác tiêu độc, khử trùng đã được tiến hành ngay khi phát hiện bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Tuấn Anh.

“Hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang đã cấp 12 lít hóa chất cho UBND xã Đăk Jơ Ta để tổ chức tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi trên địa bàn xã và tiêu độc hàng ngày tại ổ dịch.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nhất là hộ có gia súc mắc bệnh cách ly, chăm sóc, điều trị triệu chứng cho đàn bò, ký cam kết không mua bán, vận chuyển, giết mổ bò bệnh. Mặt khác, cử nhân viên thú y, cán bộ phụ trách địa bàn hàng ngày theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh và hướng dẫn, giám sát triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, ông Dũng thông tin.

Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Mang Yang là địa phương thường xuyên xảy ra các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Bên cạnh bệnh lở mồm long móng, từ ngày 3/5 đến nay, trên địa bàn huyện cũng xảy ra bệnh viêm da nổi cục tại làng Chrơng 2 (xã Đăk Ta Ley) làm 2 con bê của 1 hộ mắc bệnh.

Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, không phát sinh bệnh mới, 2 con bê mắc bệnh đã ăn uống bình thường.

Cũng trong tháng 3, tại huyện Mang Yang, bệnh dịch tả lợn Châu Phi làm 25 con lợn của 1 hộ tại làng Groi (xã Kon Thụp) mắc bệnh, chết và được tiêu hủy.

Tiêm vacxin chỉ được 10% trên tổng đàn

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nguy hiểm nhưng kinh phí bố trí cho công tác tiêm phòng, phòng chống trên động vật ở huyện Mang Yang chưa được quan tâm đúng mức, huyện Mang Yang chưa đảm bảo thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt.

Hàng năm, địa phương chỉ thực hiện bố trí kinh phí mua vacxin tiêm phòng cho gia súc của các hộ nghèo, cận nghèo (hỗ trợ 50% và người dân phải tự chi trả 50%). Do đó, tỷ lệ vacxin được tiêm trên địa bàn huyện chỉ đạt khoảng 10% trên tổng đàn vật nuôi.

Điều đáng nói, năm 2024, huyện Mang Yang chưa bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Gia Lai. Hiện, huyện Mang Yang mới chỉ bố trí hơn 38 triệu đồng để triển khai tiêm số vacxin tồn từ năm 2023. Chính vì vậy, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nguy cơ lây lan ra diện rộng rất lớn.

Việc tiêm vacxin trên đàn bò vẫn chưa được huyện Mang Yang quan tâm đúng mức. Ảnh: Tuấn Anh.

Việc tiêm vacxin trên đàn bò vẫn chưa được huyện Mang Yang quan tâm đúng mức. Ảnh: Tuấn Anh.

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT đề nghị UBND huyện Mang Yang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, không để tiếp tục phát sinh và lây lan. Trong đó, huyện Mang Yang cần tập trung chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND xã Đăk Ta Ley, Đăk Jơ Ta triển khai công tác chống dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục.

Hướng dẫn hộ có gia súc mắc bệnh cách ly, chăm sóc, điều trị triệu chứng. Đồng thời, ký cam kết không mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật mắc bệnh ra khỏi ổ dịch bệnh. Tổ chức công tác tiêu độc, khử trùng định kỳ 1 lần/ngày khu vực có dịch và 1 lần/tuần vùng bị dịch uy hiếp, bãi chăn thả chung.

Tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục bao vây ổ dịch và tiêm phòng cho đàn trâu bò trên địa bàn huyện đảm bảo đạt tỷ lệ 80% trên tổng đàn vật nuôi trở lên.

Huyện Mang Yang cần tiến hành ngay việc công bố dịch lở mồm long móng theo quy định của Luật Thú y và đảm bảo triển khai các biện pháp chống dịch đạt hiệu quả. Đồng thời, khẩn trương bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện đảm bảo đầy đủ theo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai.

Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đề nghị UBND huyện Mang Yang cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn, nắm bắt kịp thời, báo cáo và xử lý ngay các ổ dịch bệnh động vật, không để lây lan ra diện rộng.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.