| Hotline: 0983.970.780

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Quảng Yên

Chủ Nhật 19/05/2024 , 15:13 (GMT+7)

QUẢNG NINH 12 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được tiêu hủy, thị xã Quảng Yên đang khoanh vùng, dập dịch.

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên. Ảnh: Cường Vũ

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên. Ảnh: Cường Vũ

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã Quảng Yên, trên địa bàn xã Tiền Phong đã xuất hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi tại gia đình ông Lê Văn Khâm, ở thôn 1, xã Tiền Phong với 12 con lợn mắc bệnh (gồm 1 con lợn nái và 11 con lợn con theo mẹ) buộc phải tiêu hủy.

Trước đó, từ ngày 14/5, đàn lợn tại hộ gia đình ông Lê Văn Khâm có biểu hiện ốm, sốt, bỏ ăn, da mẩn đỏ, nghi có triệu chứng mắc bệnh dịch tả châu Phi.

Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã Quảng Yên đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng II, Hải Phòng để xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Từ kết quả này, thị xã Quảng Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tiêu hủy số lợn mắc bệnh theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn gia đình ông Khâm các biện pháp tiêu độc, khử trùng, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Thị xã Quảng Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tiêu hủy số lợn mắc bệnh theo quy định. Ảnh: Tiến Thành.

Thị xã Quảng Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tiêu hủy số lợn mắc bệnh theo quy định. Ảnh: Tiến Thành.

Phòng Kinh tế thị xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật và UBND xã Tiền Phong đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lập chốt khoanh vùng xung quanh khu vực ổ dịch, giám sát số lợn chưa có dấu hiệu của bệnh để xử lý kịp thời.

Thực hiện phun khử trùng tiêu độc, rắc vôi xung quanh chuồng nuôi và lối ra vào khu vực chăn nuôi tại thôn xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (tổng số hóa chất đã sử dụng chống dịch 36 lít).

Phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý, khống chế kịp thời, hạn chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT Quảng Ninh) cho biết tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 271.000 con.

Từ ngày 24/2/2024 đến 14/5/2024 toàn tỉnh phát sinh 3 ổ dịch tại thành phố Móng Cái, huyện Đầm Hà và thị xã Quảng Yên, làm chết 37 con lợn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã yêu cầu các địa phương rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn, tăng cường khử trùng tiêu độc và đề nghị tổ chức tốt công tác xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan dịch tả lợn châu Phi ra diện rộng.

Cũng theo bà Thủy, tỉnh Quảng Ninh không nằm trong số các địa phương được Bộ NN-PTNT chọn triển khai tiêm phòng thử nghiệm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi do Công ty của Việt Nam cung ứng.

Bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Bệnh không lây truyền từ động vật sang người.

Theo Bộ Y tế, bệnh dịch tả lợn châu Phi tuy không phải là mối đe dọa quá nguy hiểm đối với con người vì thịt lợn vẫn có thể được tiêu thụ an toàn khi nấu chín. Tuy nhiên lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tai xanh, cúm, thương hàn… Những bệnh này sẽ gây gây ra rối loạn tiêu hóa khi con người ăn phải tiết canh lợn, thịt lợn bệnh chưa được nấu chín

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.