| Hotline: 0983.970.780

SGK Lịch sử 8: Sai cả những tri thức "phổ cập"

Thứ Sáu 13/02/2009 , 08:00 (GMT+7)

Người viết khẳng định LS 8 “sai cả những tri thức phổ cập” bởi phần lớn các sự kiện lịch sử, diễn biến được đề cập đến đều nằm trong “bộ nhớ” của toàn dân.

Người viết khẳng định LS 8 “sai cả những tri thức phổ cập” bởi phần lớn các sự kiện lịch sử, diễn biến được đề cập đến đều nằm trong “bộ nhớ” của toàn dân. Đáng buồn là các tác giả lại viết khá chủ quan, “sơ hở” - không mẫu mực như yêu cầu cần phải có với một cuốn SGK. 

>> SGK Lịch sử 7 - Những điều chưa chuẩn
>> SGK Lịch sử 6 - “Sạn'' dày trong một cuốn sách mỏng

Một chuyến tàu đi mất… 6 năm

LS 8 gồm 2 phần: LS Thế giới từ giữa thế kỷ XVI đến năm 1917 và LS Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1918. Phần LS Việt Nam chiếm một dung lượng khá khiêm tốn, chưa đầy 1/3 số trang (46/160) nhưng lại tỏ ra “áp đảo” về những sai sót. Ở trang 148, sách viết: “Giữa năm 1911, tại cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành xuống làm phụ bếp cho tàu Đô đốc La - tu - sơ Tơ - rê - vin - một tàu buôn của Pháp, để có cơ hội tới các nước phương Tây xem họ làm thế nào, rồi sẽ về giúp đồng bào cứu nước. Cuộc hành trình của Người kéo dài 6 năm, qua nhiều nước ở châu Phi, châu Mĩ, châu Âu”.

Có thể nói, đây là một đoạn văn rất ngắn (chỉ hai câu) nhưng tối nghĩa bậc nhất trong SGK. “Cuộc hành trình của Người” theo cách các tác giả diễn đạt là “hành trình” nào? Hành trình trên con tàu kia hay hành trình suốt dặm dài cứu nước? Và hiểu theo nghĩa nào đi chăng nữa thì con số “6 năm” kia hoàn toàn sai. Nếu hiểu là hành trình cứu nước thì Người phải mất gần 10 năm (1911 - 1920) để giác ngộ - rồi đi theo chủ nghĩa Mác và 30 năm (tính từ 1911), Người mới về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941).

Còn đặt trong văn cảnh LS 8, nhiều em học sinh đã hiểu cuộc hành trình của Người trên tàu Đô đốc La - tu - sơ Tơ - rê vin tới các nước phương Tây “kéo dài 6 năm”. Điều này không đúng nốt, vì sử liệu để lại cho chúng ta biết: tàu La - tu - sơ Tơ - rê - vin cập cảng Mác xây (Marseille, Pháp) ngày 6/7/1911. Hơn nữa, chúng ta cũng xác định được ngày Người “lên tàu” là 5/6/1911, sao LS 8 lại ghi một cách chung chung là “giữa năm 1911”?

Cần nói thêm, cũng ở trang 148, LS 8 viết: “Nguyễn Tất Thành sinh ngày 19/5/1890, trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An” có thể khiến các em học sinh lầm tưởng tên khai sinh của Người là Nguyễn Tất Thành. Trên thực tế, hồi nhỏ Người có tên Nguyễn Sinh Cung (tiếng địa phương thường gọi chệch thành Công/Côông; khi Người vào Huế, tiếng cố đô lại gọi chệch thành Côn). Nên nhớ rằng mãi đến năm 1901, Người mới được cha đổi tên mới là Nguyễn Tất Thành. 

Nhật Bản nằm ở phía đông… nước ta?

Trình bày về phong trào yêu nước trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, LS 8 đề cập tới phong trào Đông du (1905), Đông kinh nghĩa thục (1907), Cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống thuế ở Trung kỳ (1908). Giải thích cho học sinh rằng “Nhật Bản nằm ở phía đông nước ta nên cuộc xuất dương sang học ở Nhật gọi là Đông du” (trang 144) rất không thỏa đáng. Bởi “nằm ở phía đông nước ta” là biển Đông; còn “vị trí” chính xác của Nhật Bản là Đông Á (hoặc Đông Bắc Á). Chỉ nên giải thích “Đông du”: đi về phía đông -Nhật Bản nằm ở Đông (Bắc) Á.

Ngược từ phong trào Đông du đến năm 1858, trong LS 8 còn không ít những sai sót khác. Khẳng định “rạng sáng ngày 1/9/1858 quân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta” là không đầy đủ vì bên cạnh lính Pháp, có cả quân Tây Ban Nha - do tên Đại tá Palanca cầm đầu - tấn công cửa biển Đà Nẵng (LS 11 viết đúng: liên quân Pháp - Tây Ban Nha). Đề cập tới sự chống trả của quân và dân ta, nhiều lần LS 8 viết chung chung “dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương” (trang 116, 120), “Nguyễn Tri Phương bị thương” (trang 120) mà không nhắc đến chức tước, phẩm hàm của ông. Học sinh có quyền thắc mắc: Nguyễn Tri Phương là ai?

LS 8 viết: trong cuộc tấn công của thực dân Pháp ra Bắc Kỳ năm 1882, “Hoàng Diệu thắt cổ tự tử” (trang 122) là không đúng với tinh thần hy sinh của vị Tổng đốc này. Cùng là cái chết nhưng “tự vẫn” khác với “tự tử” nhiều lắm. Tất cả sử sách của ta xưa nay (trong đó có LS 11, trang 120) đều viết Hoàng Diệu “tự vẫn”, riêng LS 8 nói ông “tự tử” là có lỗi với tiền nhân.

Bên cạnh đó, hai thuật ngữ “Bang”, “Cần vương” trong bảng tra cứu cuối sách LS 8 khá phiến diện. Theo các tác giả, “Bang: Đơn vị hành chính có tính chất tự trị ở Hợp chúng quốc Mỹ (Hoa Kì)” (trang 154); “Cần vương: Phong trào đấu tranh chống ngoại xâm dưới danh nghĩa ủng hộ một nhà vua (diễn ra ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX)” (trang 154)…Xin được nói thêm rằng: không chỉ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ mà còn nhiều nước khác (như Ấn Độ, Ôxtraylia…) có bang là đơn vị hành chính mang tính chất tự trị; và trong lịch sử Việt Nam truyền thống, hầu như thời nào cũng có “phong trào đấu tranh chống ngoại xâm ủng hộ một ông vua”. Nhưng “Cần vương” chỉ gắn với vua Hàm Nghi mà thôi - không có “Cần vương” của các vị vua chung chung như định nghĩa của LS 8!

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.