| Hotline: 0983.970.780

SGK Lịch sử 6 - “Sạn" dày trong một cuốn sách mỏng

Thứ Tư 11/02/2009 , 08:00 (GMT+7)

Giở bộ SGK Lịch sử hiện hành, nhiều người không khỏi bất ngờ khi phát hiện ra quá nhiều lỗi...

Trong các cuốn SGK ở bậc THCS và THPT thì LS 6 có dung lượng mỏng nhất (84 trang), song đáng tiếc mật độ “sạn” của nó lại quá “dày”.

Từ sai sót, không cập nhật về địa danh…

Trang 73 SGK LS 6 viết Dương Đình Nghệ quê ở Làng Ràng (Dương Xá, Đông Sơn, Thanh Hóa) trong khi trên thực tế địa danh này phải gọi là Làng Giàng và thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa. Tương tự, các tác giả viết: Đạo quân bộ của Mã Viện “lẻn qua qua Quỷ Môn Quan (Tiên Yên - Quảng Ninh), xuống vùng Lục Đầu” cũng sai, vì giở bất kỳ một cuốn Từ điển, Sổ tay địa danh nào hay vào trang Google đều có thể biết Quỷ Môn Quan thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.

Chưa nói đến, dùng chữ “lẻn” chỉ hợp với hành động lén lút của một người, không phù hợp với một đạo quân “ầm ầm binh mã”. Ngoài ra, một số tên đất như Ba Vì (trang 36, 51), Thanh Oai (trang 48), Đường Lâm (trang 65, 66), Mê Linh (trang 52) cần được chỉnh lý là Hà Nội thay vì Hà Tây hay Vĩnh Phúc.

…Đến chú giải, kiến thức nhiều bất cập

SGK LS 6 tỏ ra thiếu nhất quán khi ở trang 73 và 80 các tác giả chú thích cho học sinh rằng “Hào trưởng: người có thế lực lớn nhất ở một vùng miền xuôi”, còn trước đó (trang 56) các em được cung cấp thông tin: “Triệu Quốc Đạt - một hào trưởng lớn ở miền núi huyện Quan Yên”. Cũng thật khó hiểu khi LS 6 giải thích “Hỏa táng: đốt xác người chết thành tro và bỏ vào bình, vò, hộp” (trang 68, 80); trong trường hợp này chỉ cần giải thích “Hỏa táng: đốt xác người chết thành tro” là đủ, bởi chẳng lẽ đốt xác người chết rồi rải xuống biển, sông, hồ không được sao?

Cách đây ít lâu, nhiều nhà khoa học từng lên tiếng phản bác “nạn cống vải (quả)” là nguyên nhân của khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Đây là điều hợp lý bởi mảnh đất Hoan Châu khó có thể cho ra đời giống vải ngọt và quãng đường Hoan Châu - Trường An (Trung Hoa) dài hàng ngàn km, trong điều kiện vận chuyển thô sơ ngày xưa (mất hàng tháng) thì vải quả chưa sang đến nơi đã hỏng. Ấy thế nhưng LS 6 không hề cập nhật kết quả nghiên cứu này, có cả một bài ca dao về nạn “cống vải” được in kèm theo (trang 64).

Không rõ căn cứ vào đâu LS 6 khẳng định: “Từ thế kỷ VIII đến thế kỷ I TCN, trên đất nước ta đã hình thành những nền văn hóa phát triển cao như Óc Eo (An Giang) ở Tây Nam Bộ - cơ sở của nước Phù Nam sau này, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) ở Nam Trung Bộ - cơ sở của nước Chămpa và tập trung hơn là văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ”. Xin được lưu ý, niên đại LS 6 đưa ra chỉ gần tương ứng với thời gian tồn tại của văn hóa Đông Sơn mà thôi, không thể là “mẫu số chung” của 3 nền văn hóa Đông Sơn, Óc Eo, Sa Huỳnh - Văn hóa Óc Eo tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ I đến thế kỷ IX sau Công nguyên, muộn hơn niên đại SGK đưa ra gần…1.000 năm (xin độc giả xem thêm: Cơ sở văn hóa Việt Nam - Trần Quốc Vượng chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998).

Diễn đạt không trong sáng

Cần phải nói thêm về cách diễn đạt của LS 6. Viết “Dưới quận là huyện, các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ” (trang 47) có thể khiến học sinh nhầm tưởng Lạc tướng là quan cấp huyện (Lạc tướng đứng đầu các Bộ của nước Văn Lang nên thay chữ “trị dân” bằng “cai quản dân” mới chính xác); viết “Tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng” vừa không trong sáng vừa ngô nghê. Có nên gọi quan văn là…“Tướng văn” không nhỉ?

Bên cạnh đó, đưa ra câu hỏi về “chính sách cai trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc đối với nhân dân ta trong thời Bắc thuộc” (trang 69) học sinh sẽ rất khó trả lời vì thời Bắc thuộc, tên gọi Trung Quốc chưa xuất hiện; nói “Sông Hoàng nhỏ nhưng lại là đường nối với sông Hồng ở mạn Bắc và nối với sông Cầu ở mạn Nam” (trang 42) thật khó nghe - nếu nói sông Hoàng là “đường thủy” mới đúng. Việc đặt dấu phẩy (,) giữa truyện “Trầu cau” (thành “Trầu, cau” - trang 40) hay: sứ giả vua Hùng đi khắp nơi cầu người hiền đánh giặc Ân bằng “tiếng mõ rao” (trang 36) hoàn toàn xa lạ với các văn bản truyện kể dân gian thời lập quốc...

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.