| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 29/03/2021 , 14:09 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 14:09 - 29/03/2021

Ai đã chôn kênh thủy lợi Quảng Hòa dưới 3 thước đất?

Tháng 12/2017, thường trực HĐND tỉnh Đăk Nông phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng kênh thủy lợi Suối Đá xã Quảng Hòa (huyện Đăk Glong) với tổng kinh phí 90 tỷ đồng.

Đây là dự án thuộc nhóm cấp bách, có mục tiêu tạo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, cung cấp nước tưới cho 1.000 ha đất trồng cây nông nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho xã Quảng Hòa, một xã có tỷ lệ nghèo và cận nghèo thuộc loại cao nhất tỉnh Đăk Nông.

90 tỷ, đối với những địa phương giàu có, thì chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng với một tỉnh nghèo như Đăk Nông, thì đó là một số tiền lớn.

Được tin, người dân xã Quảng Hòa vô cùng phấn khởi, ngày đêm mong chờ dòng nước thủy lợi về đồng để có thể chủ động trong canh tác, thoát khỏi cảnh “trông trời, trông đất, trông mây”.

Thế nhưng đầu năm 2021, khi kênh dẫn nước Suối Đá hoàn thành, thì cả ngàn ha đất canh tác của xã vẫn lâm cảnh nẻ toang, cây cối héo rũ. Bởi đáy kênh thủy lợi Suối Đá lại được đặt sâu… gần 3 mét so với mặt ruộng, nên không thể dẫn nước vào đồng, mà trời thì vẫn chưa mưa.

Có lẽ trong lịch sử ngành thủy lợi từ thời vua Hùng đến nay, chưa từng có trường hợp nào oái oăm, cười ra nước mắt như thế này.

Làm kênh với mục đích dẫn nước vào ruộng mà đáy kênh lại bị vùi sâu gần 3 mét so với mặt ruộng. Gần 3 mét, tức là gần gấp đôi một người Việt Nam có chiều cao trung bình.

Kênh như vậy, nếu muốn đưa được một xô nước lên ruộng, phải có hai người, người nọ đứng lên vai người kia, người đứng dưới khuỵu chân xuống múc gầu nước, rồi đứng lên giơ cao tay đưa gầu nước cho người trên vai mình, và người trên vai thì nâng gầu nước lên quá đầu mới hắt vào ruộng được.

Muốn làm một con kênh có giá trị đến 90 tỷ đồng, phải qua rất nhiều khâu, từ khảo sát đến thiết kế, đến thi công, và quá trình thi công phải có bộ phận giám sát hết sức chặt chẽ.

Đến đứa trẻ con còn biết muốn làm kênh để dẫn nước vào ruộng, thì đáy kênh phải cao hơn mặt ruộng. Thế mà tại sao người thiết kế, chắc chắn phải là một kỹ sư xây dựng hoặc kỹ sư thủy lợi, lại không biết điều cực kỳ đơn giản đó? Thi công thì cứ bản vẽ, kích thước ghi thế nào thì làm thế ấy, đã đành, nhưng còn giám sát?

90 tỷ đồng mang vùi sâu dưới 3 thước đất trong khi cả ngàn ha đất trồng cây nông nghiệp nẻ toác chân chim, người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm, bây giờ phải làm sao? Chẳng lẽ lại phải bỏ thêm mấy tỷ nữa vào thành phố Hồ Chí Minh mời “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy ra “bẩy” đáy mương lên cao hơn mặt ruộng?

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Cơ quan nào làm chủ đầu tư công trình “thủy hại” kỳ quặc nhất trong lịch sử này? Ai là người đứng đầu cơ quan đó? Và trách nhiệm của người đã chôn công trình dưới 3 thước đất đến đâu? Hay lại chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc”?