| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 21/05/2022 , 19:35 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

19:35 - 21/05/2022

Ai đứng bên giáo viên, ai che chắn học sinh

Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ các giá trị đạo lý trong môi trường học đường bị đảo lộn bởi sự hắc ám và lòng tham u tối của một thiểu số người.

Ảnh mang tính minh họa.

Ảnh mang tính minh họa.

Liên quan đến vụ cô giáo Trần Thị Lịch, trường THCS Hiến Nam (Hưng Yên) bị chi hội trưởng chi hội phụ huynh vào trường chửi bới mạt sát thậm tệ ngay trước mặt ban giám hiệu nhưng những vị này dung túng, làm ngơ và không hề có sự can thiệp nào, làm tôi nhớ đến sự việc của mình.

Năm 2020, vào một buổi trưa mùa hè, có số điện thoại lạ gọi đến. Tôi nghe máy, là giọng một người đàn ông, anh ta giới thiệu là phụ huynh của một em học sinh và xin gặp tôi để trao đổi về con trai anh ta. Tôi nói, tôi không dạy lớp đó, và cũng không biết tên của học sinh này; nhưng vị phụ huynh vẫn nằng nặc đòi gặp, với lý do là con anh ta cần lời tư vấn của tôi…

Tôi đến quán café. Có 3 người đàn ông đang ngồi chờ ở đó, một người chào tôi và mời tôi ngồi xuống, hai người còn lại im lặng, mặt đằng đằng sát khí. Tôi chưa kịp hỏi gì thì một anh đã chỉ vào mặt và dọa đánh tôi. Tôi không hiểu là đã có chuyện gì, nhưng vẫn bình tĩnh hỏi lại, rằng lý do làm sao. Anh ta vừa dọa đánh vừa liên tục văng tục, rằng tôi xúi con anh ta chống đối nhà trường, bây giờ công an đang điều tra. Tôi nhắc lại rằng tôi chưa từng tiếp xúc với con anh ta, cũng không biết nó là đứa nào. Tôi đề nghị anh ta hãy gọi con tới đây. Thế nhưng anh này vẫn hung hăng, liên tục chỉ tay vào mặt tôi và dọa đánh…

Tôi trở về, lòng buồn như đá lạnh. Sau đó hỏi han thì được một người bạn cho tôi biết rằng, vị phụ huynh này là một người khá giàu có, chơi thân với hiệu trưởng, thỉnh thoảng có nhận thầu các công trình trong trường. Khi trong nhà trường có nhiều việc khuất tất hoặc không hay xảy ra, trong đó có cả việc liên quan đến cách mà nhà trường hành xử với tôi, thế là một số em học sinh có cá tính đã biểu lộ thái độ. Con của vị phụ huynh này là một trong số đó, cậu ấy đã viết thư cho hiệu trưởng để nói rõ suy nghĩ của mình. Nhưng thay vì gặp gỡ học sinh để minh bạch mọi chuyện và giải quyết vấn đề trong trường sao cho đúng đắn thì hiệu trưởng lại đi xúi phụ huynh gây sự với giáo viên bằng những thông tin bịa đặt.

Qua sự việc của cô giáo Trần Thị Lịch, một lần nữa dư luận lại đặt câu hỏi về vai trò của hội phụ huynh. Họ đại diện cho ai, vì lợi ích của ai, có độc lập hay là cánh tay nối dài của ban giám hiệu? Thực tế đã chứng minh nhiều năm nay, có không ít những sự thông đồng giữa ban chấp hành hội phụ huynh và ban giám hiệu trong việc thu tiền và chi tiền, nhất là theo thời gian nó ngày càng trở nên phổ biến. Để rồi, chính cái hội này đã bằng những cách như “tự nguyện bắt buộc” đã moi tiền tất cả các phụ huynh, trở thành tay chân thân tín của lãnh đạo nhà trường.

Mỗi khi trong trường học có những việc lùm xùm do bất minh hay sai trái thì một lần nữa phụ huynh lại được sử dụng. Không những thế, trong những tình huống nhiều nguy hiểm, người ta sẵn sàng đầu độc học sinh và xua các em ra làm người đấu tố chính thầy cô giáo của mình. Việc xảy ra với cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở Quốc Oai - Hà Nội năm ngoái là một điển hình cho tình trạng này, chắc chưa ai quên được!

Để che đậy những sai trái và lấp liếm những tội lỗi của mình, không việc gì mà người ta không dám làm. Đau đớn là, khi dùng phụ huynh để tấn công giáo viên, nhà trường đã tự hủy hoại môi trường giáo dục, và hủy hoại giáo dục nói chung. Đó là cách tốt nhất để làm ra những hình ảnh tồi tệ cho trẻ em xem; đó cũng là cách nhanh nhất để phá hủy hình ảnh người thầy, và từ đó dẫn đến phá hủy con đường hoàn thiện nhân cách của chính học sinh. Nhưng người ta bất chấp, miễn là đạt được mục đích của mình. Cũng chính bởi thực trạng sai trái kéo dài và ngày càng tồi tệ này mà đã có không ít ý kiến chua chát rằng nên bỏ cái hội phụ huynh ấy ở trường học.

Chúng ta đang phải chứng kiến một thời kỳ mà các giá trị và luân thường đạo lý trong môi trường học đường bị đảo lộn, bị lật nhào bởi sự hắc ám và lòng tham u tối của một thiểu số người có quyền lực. Sự cấu kết giữa ban giám hiệu và phụ huynh đã cô lập những tiếng nói của nhà giáo, đẩy họ vào hoàn cảnh “kêu trời không thấu”, và từ đó trù dập. Môi trường giáo dục đang bị hủy hoại bằng những cách thức tàn bạo như thế. Ai sẽ đứng bên giáo viên; và ai sẽ là lá chắn cho học sinh khỏi những thứ độc hại do sự tham lam và độc ác của chính những người làm giáo dục gây nên? Câu hỏi ấy xin dành cho Bộ GD-ĐT.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm