| Hotline: 0983.970.780

Ấm no nhờ trồng rừng

Thứ Tư 18/07/2018 , 09:30 (GMT+7)

Với hơn 3.000ha đất rừng sản xuất, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về diện tích đất có rừng. Trung bình mỗi năm, những cánh rừng nơi đây cho thu lãi gần 10 tỷ đồng. 

Từ rừng, nhiều hộ dân đã có cuộc sống ấm no.

10-04-48_1
Diện tích đồi, núi xã Đông Thọ được phủ xanh bởi keo, bạch đàn

Thôn Làng Mông dẫn đầu xã Đông Thọ về diện tích đất rừng. Thôn có 70 hộ dân, hộ nào cũng thực hiện trồng rừng. Trung bình mỗi hộ trồng khoảng 0,7ha. Phong trào trồng rừng được người dân nơi đây triển khai thực hiện từ năm 2006. Đặc biệt, khi Cty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Dương thực hiện giao khoán, liên kết với nhân dân thì phong trào trồng rừng phát triển càng mạnh.

Anh Trần Văn Chất, Trưởng thôn Làng Mông cho biết, thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hiện nay trung bình mỗi ha rừng người dân thu lãi từ 50 - 70 triệu đồng. Từ trồng rừng, nhiều hộ đã có cuộc sống ấm no, trong đó năm 2017 đã có 3 hộ thoát nghèo từ rừng.

Gần 25 năm gắn bó với rừng, gia đình anh Trần Văn Lợi, thôn Làng Mông hiểu được giá trị kinh tế của rừng đem lại. Hiện tại gia đình anh có 23ha đất rừng sản xuất và là hộ trồng nhiều rừng nhất ở Đông Thọ.

Anh Lợi cho biết, năm 1993 khi Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương thực hiện chính sách giao đất cho dân quản lý, bảo vệ, anh nhận 50ha. Sau đó, năm 2006 cơ chế thay đổi, Cty có chính sách liên doanh với dân thực hiện trồng rừng theo phương thức Cty đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và hưởng lợi 37% còn lại là nhân dân, anh mạnh dạn nhận 16ha.

10-04-48_2
Từ trồng rừng, gia đình anh Trần Văn Lợi xây dựng nhà kiên cố

Sau 8 năm chăm sóc, năm 2014, bán 6ha rừng đầu tiên, gia đình anh thu lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài 16ha rừng liên doanh, anh Lợi mua đất, khai hoang mở rộng thêm 7ha. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh khai thác từ 2 - 3ha rừng, trừ chi phí chu lãi gần 200 triệu đồng.

Ông Âu Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết, trước đây, việc vận động người dân trồng rừng gặp nhiều khó khăn bởi họ có tâm lý sợ trồng rừng không có lãi, không bán được như trồng sắn, trồng ngô. Tuy nhiên, sau 7 năm trồng rừng, nhiều hộ thu lãi vài trăm triệu đồng, hơn hẳn cây sắn, cây ngô, người dân bắt đầu tin tưởng vào hiệu quả của cây rừng đem lại.

Đặc biệt, Cty cổ phần Giấy An Hòa và Cty cổ phần Woodsland Tuyên Quang trên địa bàn đi vào hoạt động hiệu quả, việc thu mua nguyên liệu gỗ nhanh chóng, thuận tiện, giá ổn định. Vì thế việc vận động trồng rừng cũng gặp nhiều thuận lợi.

Đến nay, toàn xã có hơn 3.000ha rừng sản xuất, trong đó 1.000ha liên doanh với Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương và 2.000ha là rừng trong dân. Những thôn có diện tích rừng lớn là Làng Mông, Làng Hào… Từ trồng rừng nhiều hộ đã thoát nghèo, trong đó có 30 hộ thu lãi từ 200 - 350 triệu đồng/năm.

Ông Lưu Quang Đạo, Trưởng thôn Làng Hào cho biết, thôn có 180 hộ dân thì 60% hộ tham gia trồng rừng. Từ đầu năm đến nay, thôn có 4 hộ được thu hoạch với diện tích hơn 6ha rừng. Với giá từ 1,2 - 1,6 triệu đồng/m3 như hiện nay, 1ha rừng người dân thu lãi khoảng hơn 70 triệu đồng.

10-04-48_3
Lãnh đạo xã Đông Thọ trao đổi với người dân về hiệu quả kinh tế của trồng rừng
5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm diện tích rừng ở Đông Thọ cho thu hoạch hơn 100ha. Trừ các khoản chi phí, người dân thu lãi khoảng 10 tỷ đồng/năm. Hiện Đông Thọ không còn diện tích đất trống, đồi núi trọc.

 

Xem thêm
Người dân phát hiện, giao nộp 3 cá thể khỉ đuôi lợn

Ngay khi phát hiện 3 cá thể khỉ đuôi lợn, người dân đã giao nộp về cho Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) để chăm sóc và bảo tồn gen quý hiếm.

Du khách người Pháp chụp được hình mang Trường Sơn trên đỉnh Bạch Mã

THỪA THIÊN - HUẾ Những du khách người nước ngoài trong khi tham quan Vườn quốc gia Bạch Mã đã tình cờ gặp 2 cá thể mang Trường Sơn quý hiếm và đã ghi hình lại.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.