Dạo quanh các con phố nhỏ nhắn uốn lượn vòng vèo quanh thị trấn du khách dễ dàng bắt gặp rất nhiều các hàng quán bán đồ nướng được dọn ngay trên các vỉa hè, từ bình dân nhất là: khoai, ngô, sắn, trứng nướng, khoai, mía, cơm lam nướng..., cho tới các loại đặc sản núi rừng nướng đó là: lợn lửng xiên, chim núi, cá suối nướng gia vị rừng...
Ngồi quây quần xung quanh chậu than hoa đỏ lửa, ít nhiều du khách cũng cảm nhận được sự ấm cúng lan tỏa, và ai muốn ăn món nướng gì thì ngay tức khắc được chủ quán đáp ứng liền bằng hình thức đợi chờ và xem... “truyền hình trực tiếp”- nghĩa là xem người ta nướng trước mắt mình. Tôi đảm bảo rằng, khi xem chủ quán nướng đồ hầu như ai cũng nao lòng thèm muốn ăn ngay bởi sức hấp dẫn từ mùi thơm sản vật tỏa ngát hương. Có khách đợi lâu quá cứ kêu chủ quán làm nhanh ồi ồi bởi đợi lâu nên thèm muốn đến cả chảy nước miếng.
Một đêm cuối tuần, đoàn khách của chúng tôi gồm 4 người cũng rủ nhau đi ăn đồ nướng vỉa hè và địa điểm mà chúng tôi chọn là một quán cóc ngay sát bờ hồ (phía cồng nhà thờ đi tới). Hai người bạn tôi chọn thịt lợn lửng xiên nướng, và chỉ khoảng chưa đầy chục phút khi thịt vừa chín họ đã “đá” bay mỗi người 3 xiên và lại đòi chủ quán nướng thêm mỗi người 2 xiên nữa vì quá ngon, ăn chưa đủ độ. Tôi và một người bạn nữa lại muốn thưởng thức món ngô nếp nướng, trứng nướng...
Phải công nhận là, so với ăn hai món bình dân này ở dưới xuôi thì khi ăn ở đây sự hấp dẫn tăng lên bội phần bởi ngô nếp núi được trồng trên dẻo cao, bắp nhỏ, hạt nhỏ tròn đều, dẻo và ngọt ngon đến tận hạt cuối cùng, vì theo như bà chủ quán, người dưới xuôi lên đây mưu sinh cho hay thì thường là các quán cất buôn giống ngô nếp này từ người dân tộc quanh vùng, và họ vừa bẻ ở trên núi xuống khi chiều, bẹ vẫn còn tươi roi rói, nhựa vẫn ứa ra.
Chính vì ngô mới bẻ nên khi nướng ăn mới giữ được vị ngọt ngào, chứ cũng ngô ấy để qua đêm, hoặc qua vài ngày thì ăn nhạt, không còn ngon ngọt, dẻo nữa... Ngay cả như trứng cũng vậy, khi ăn vào tôi cũng có cảm giác ngọt, đậm đà chứ không nhạt, bã và chan chát như trứng ở dưới thành phố vùng xuôi.
Cả bốn người chúng tôi vừa ngồi sưởi ấm, vừa ăn thỏa thích bao nhiêu món nướng từ 8 giờ tối cho tới tận gần 11 giờ khuya mà chỉ hết có hơn ba trăm ngàn đồng. Giá cả của các món đồ nướng ở đây quả là không hề đắt đỏ như người ta nghĩ, khi chỉ 10.000 đồng cho một bắp ngô, quả trứng, khúc sắn...; hay 20.000 đồng cho 1 xiên thịt lợn lửng, lớn Mán nướng...
Theo như lời kể của các chủ quán ở đây thì các món đồ nướng bình dân Sapa từ lâu đã có “thương hiệu” và vì thế, hầu như khách ta hay khách Tây khi đến đây đều không dễ gì bỏ qua các món ăn dân giã, rẻ tiền nhưng vô cùng khoái khẩu này.