| Hotline: 0983.970.780

An Biên vươn lên từ vùng thấp

Thứ Hai 18/11/2019 , 08:34 (GMT+7)

An Biên là cửa ngõ của vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), toàn huyện có 8 xã và 1 thị trấn. 

15-48-24_1n_bien_uu_tien_du_tu_gio_thong_thuy_loi_cc_cong_trinh_co_tc_dong_truc_tiep_den_doi_song_v_sn_xut_cu_nhn_dn_2
An Biên ưu tiên đầu tư giao thông, thủy lợi, các công trình có tác động đến đời sống và sản xuất.

Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập… Đó là cách để An Biên vươn lên xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2023.
 

Xuất phát điểm thấp

Tổng diện tích đất tự nhiên của An Biên là hơn 40 ngàn ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp là 36 ngàn ha. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Trước khi thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, An Biên là huyện có điểm xuất phát thấp, hạ tầng cơ sở còn thiếu nhiều so với yêu cầu. Ngành nghề chưa phát triển, sản xuất còn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Sản xuất nông nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng kém màu mỡ, nhiễm phèn, mặn. Sản xuất của người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, trình độ sản xuất còn thấp. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện địa phương còn hạn chế, dẫn đến kinh tế, xã hội phát triển chậm, chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng sẵn có của địa phương.

Ông Trần Hoàng Mẫm, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện An Biên cho biết, nhận thức được xuất phát điểm thấp của mình nên huyện xác định xây dựng NTM là chương trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, mang tính cụ thể hóa nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn xã.

Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp mình, quyết tâm thực hiện có hiệu quả.

Huyện An Biên đã chọn 2 xã Đông Yên và Tây Yên A làm điểm chỉ đạo thực hiện xã NTM. Sau quá trình phấn đấu thực hiện, thành quả đầu tiên là xã Tây Yên A được công nhận đạt chuẩn NTM (vào cuối năm 2015), các xã còn lại bình quân đạt 50% số tiêu chí theo quy định.

Trong những năm gần đây, việc quy hoạch phân vùng sản xuất, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh… bộ mặt nông thôn An Biên đã có nhiều khởi sắc. Năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi từng bước nâng lên, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể. Đời sống nhân dân vùng nông thôn của huyện từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, an ninh trật tự xã hội được giữ vững…

15-48-24_2n_bien_co_nhieu_loi_the_de_pht_trien_sn_xut_lu_huu_co_tren_nen_dt_nuoi_tom_1
An Biên có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm.

“Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn của huyện trong thời gian qua còn chậm, chưa khai thác và phát huy đúng mức tiềm năng về đất đai, nguồn lực sẵn có của địa phương, đời sống một bộ phận dân cư còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm”, Chủ tịch UBND huyện An Biên nhận xét.
 

Phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất

Thấy được những hạn chế, cũng như ý thức xuất phát điểm thấp, An Biên đã tập trung nguồn lực ưu tiên cho phát triển hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM cho đến nay, huyện An Biên đã huy động từ nhiều nguồn được 941 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp gần 32 tỷ đồng, vận động tài trợ hơn 98 tỷ đồng.

Ông Phan Công Rô, Trưởng phòng NN-PTNT, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM huyện An Biên cho biết: Về đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, huyện ưu tiên đầu tư các công trình thật sự bức xúc, các công trình có tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của dân.

Trong đó, phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu quan trọng, đáp ứng yêu cầu bức xúc của người dân và được chú trọng đầu tư. Riêng trục xã, ấp và ngõ xóm đã xây mới và nâng cấp được hơn 236 km, với tổng vốn đầu tư trên 184 tỷ đồng.

Về thủy lợi, đã thi công thực hiện được 228 công trình, huyện cũng đầu tư 27 trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu cho hơn 2.500 ha. Trong đầu tư xây dựng thủy lợi, đã gắn kết việc nạo vét kênh mương với xây dựng đê bao, làm nền hạ xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ đó, đã đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai.

Song song với đó là hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người dân nông thôn. Huyện đã và đang triển khai các chương trình, dự án lồng ghép xây dựng NTM trên địa bàn xã.

Cụ thể như chương trình đào tạo nghề nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tổ chức các cuộc tập huấn, tọa đàm, hội thảo nhằm nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện từ năm 2016 nay được 13 cánh đồng, với tổng diện tích 1.640 ha.

Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp ký hợp đồng bao nhiêu trên 2.100 ha. Tổ chức sản xuất và cấp giấy chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP được 240 ha. Các mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản xuất lúa trên địa bàn huyện, nâng cao đời sống cho người dân.

Đến nay, huyện đã thành lập được 19 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó có 7 HTX tổ chức sản xuất theo mô hình tôm - lúa, còn lại sản xuất lúa 2 vụ lúa/năm. Các HTX đang hoạt động ổn định, tổ chức liên kết với các công ty bao tiêu sản phẩm cho các xã viên. Hiện 8/8 xã trên địa bàn huyện đều đạt về tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên từ 90% trở lên so với tổng dân số trong độ tuổi lao động.

15-48-24_3cc_di_bieu_thm_qun_mo_hinh_nuoi_ghep_tom_cng_xnh_tom_su_ti_huyen_n_bien
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi ghép tôm càng xanh, tôm sú tại huyện An Biên.

Thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng nhanh qua từng năm. Nếu như thời điểm xuất phát (năm 2011) bình quân chỉ đạt chưa tới 16 triệu đồng thì đến năm 2016 đã tăng lên 32 triệu và hiện nay là 45 triệu đồng/người/năm. Các cấp chính quyền đã tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống người nghèo được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 16,55% (năm 2016) xuống còn 8,64% (năm 2018), trong đó có 2 xã đạt tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn mới là Tây Yên A ( còn 3,82%) và Đông Yên (còn 3,92%).
 

Phấn đấu năm 2023 thành huyện NTM

Từ những kết quả đã đạt được trong gần 10 năm thực hiện chương trình đã tạo niềm tin, sự phấn khởi cho người dân và tạo đà để An Biên trở thành huyện NTM trong giai đoạn tiếp theo. Ông Phan Công Rô cho biết, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, toàn huyện có 5 xã đạt tiêu chí NTM, gồm Đông Yên, Đông Thái, Nam Yên, Nam Thái và Tây Yên, các xã còn lại đạt trên 80% số tiêu chí.

Đối với xã NTM Tây Yên A, tiếp tục triển khai thực hiện nâng chất 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí nâng cao. Đối với các xã chưa đạt chuẩn, mà có những tiêu chí đã hoàn thành thì hoàn thiện hồ sơ chứng minh, những tiêu chí đạt chưa cao xây dựng kế hoạch để nâng cao chất lượng. Những tiêu chí chưa đạt thì phối hợp với các ban, ngành huyện được phân công phụ trách tiêu chí rà soát lại hiện trạng, phân kỳ theo kế hoạch để thực hiện.

An Biên phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu về sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn. Bảo vệ tốt môi trường nông thôn, tập trung giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất, xây dựng cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM. Đến năm 2022, 2 xã còn lại của huyện là Hưng Yên và Nam Thái A đạt chuẩn, hoàn thành 8/8 xã NTM, đạt 100%. Phấn đấu đến năm 2023, có 3 xã đạt bộ tiêu chí NTM nâng cao và An Biên đạt chuẩn huyện NTM. Dự kiến nguồn kinh phí huy động cho giai đoạn này là 1.100 tỷ đồng, trong đó vốn lồng ghép là 920 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.

“Xây dựng NTM trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về chương trình. Phải làm cho người dân xác định họ chính là chủ thể xây dựng NTM thì chương trình mới thật sự thành công.

Cần xác định những công trình, công việc, địa bàn trọng tâm và tập trung thực hiện tốt, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM.

Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng NTM phải đảm bảo thật sự dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng dân cư để đảm bảo công khai, minh bạch”, ông Trần Hoàng Mẫm, Chủ tịch UBND huyện An Biên.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.