| Hotline: 0983.970.780

Ấn Độ tăng tốc chuyển đổi sang canh tác tự nhiên

Thứ Năm 30/12/2021 , 08:53 (GMT+7)

New Delhi đã xác nhận một phương thức canh tác được gọi là canh tác tự nhiên với ngân sách bằng 0 (zero budget natural farming - ZBNF)...

Bên cạnh giảm phụ thuộc vào thủy lợi, giúp giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và nước, canh tác tự nhiên cũng loại bỏ phân bón, một động thái cần thiết để cắt giảm lượng khí thải. Ảnh minh họa: Better India.

Bên cạnh giảm phụ thuộc vào thủy lợi, giúp giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và nước, canh tác tự nhiên cũng loại bỏ phân bón, một động thái cần thiết để cắt giảm lượng khí thải. Ảnh minh họa: Better India.

Ấn Độ đang tăng cường thúc đẩy canh tác tự nhiên. Nguyên nhân bắt đầu từ thị trường sản phẩm hữu cơ đang phát triển mạnh và nhu cầu cắt giảm lượng khí thải liên quan đến nông nghiệp trước mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2070.

"Chúng ta phải đưa nền nông nghiệp của mình ra khỏi phòng thí nghiệm hóa học và kết nối nó với phòng thí nghiệm tự nhiên", Thủ tướng Narendra Modi phát biểu tại một buổi họp kín quốc gia về canh tác tự nhiên ngày 16/12. Ông cũng đưa ra lời kêu gọi làm cho Ấn Độ "không còn hóa chất, phân bón và thuốc trừ sâu”.

Nhận xét của ông báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách nông nghiệp vốn đang sử dụng quy mô lớn thuốc trừ sâu và phân bón tổng hợp - điều đã thúc đẩy cuộc Cách mạng Xanh của nước này vào những năm 1970.

Mặc dù giúp Ấn Độ đạt được sự gia tăng đáng kể trong sản xuất ngũ cốc lương thực nhưng thành tựu này đã phải trả giá rất lớn về mặt sinh thái. Bao gồm suy thoái đất và ô nhiễm mực nước ngầm do sử dụng hóa chất.

Tiến sĩ GV Ramanjaneyulu, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nông nghiệp Bền vững (Centre for Sustainable Agriculture), một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ nông dân áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững, cho biết: “Việc Thủ tướng công bố sự thay đổi như vậy tại một cuộc họp đặc biệt là một thông điệp rõ ràng gửi tới các tổ chức nông nghiệp của Ấn Độ".

New Delhi đã xác nhận một phương thức canh tác được gọi là canh tác tự nhiên với ngân sách bằng 0 (zero budget natural farming - ZBNF), được xây dựng xung quanh việc bao phủ đất bằng chất hữu cơ và sự thông khí của đất. Bên cạnh đó là sử dụng các nguyên liệu đầu vào chi phí thấp như phân bò và nước tiểu, đường thốt nốt, bột đậu và bột trái cây.

Phương thức canh tác này đã được phổ biến bởi nhà nông nghiệp Subhash Palekar, người nhận một trong những danh hiệu dân sự cao hàng đầu của Ấn Độ. ZBNF cũng được coi như một cách để tránh sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón - điều không chỉ gây ra suy thoái sinh thái mà còn góp phần vào việc nông dân mắc nợ và tự tử lan rộng.

Năm ngoái, Delhi đã bắt đầu một chương trình hỗ trợ các phương thức canh tác tự nhiên, bao gồm cả ZBNF. Chính phủ đã thông báo tại buổi họp kín rằng Amul, một tổ chức hợp tác hàng đầu về sữa, sẽ hỗ trợ việc tiếp thị các sản phẩm hữu cơ. Hơn 650.000 ha ở 11 bang đang được canh tác tự nhiên dưới nhiều hình thức khác nhau và con số này có thể tăng lên hai triệu ha vào năm 2025.

Trong số những lý do chính khiến chính phủ quan tâm đến việc canh tác tự nhiên ngày càng tăng là chi phí trợ cấp phân bón tăng cao. Theo cơ quan xếp hạng Crisil, số tiền trợ cấp phân bón trong năm tài chính này của Ấn Độ dự kiến tới hơn 1,55 nghìn tỷ rupee (gần 21 tỷ USD).

Bên cạnh việc giảm sự phụ thuộc vào thủy lợi, giúp giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và nước, canh tác tự nhiên cũng loại bỏ phân bón, một động thái cần thiết để cắt giảm lượng khí thải.

Khoa học ước tính rằng cứ 100kg nitơ đầu vào thông qua phân bón thì 1,2kg nitơ ở dạng nitơ oxit (N2O) được thải ra từ đất. N2O có tác dụng làm ấm hành tinh mạnh hơn gần 300 lần so với carbon dioxide, thúc đẩy ngày càng nhiều người kêu gọi giảm sử dụng phân bón có chứa nitơ.

Nhưng việc chuyển sang canh tác tự nhiên sẽ đòi hỏi Delhi phải chuyển sang hỗ trợ một thiết lập thể chế đã duy trì nền nông nghiệp thông thường dựa vào năng suất trong vài thập kỷ. Bao gồm thông qua hàng tỷ rupee trợ cấp, ngân hàng các dịch vụ tư vấn và nghiên cứu mở rộng, cũng như thu mua quy mô cây trồng như gạo và lúa mì.

Tiến sĩ Ramanjaneyulu nói với The Straits Times. "Những gì chính phủ chi cho nông nghiệp hữu cơ chưa đến 1% tổng ngân sách dành cho nông nghiệp. Làm thế nào để hiện nay họ tạo ra hệ thống hỗ trợ cho những người nông dân áp dụng các phương pháp tự nhiên, đó sẽ là chìa khóa."

Việc chuyển đổi sang canh tác tự nhiên cũng gặp nhiều khó khăn do các nhà khoa học nông nghiệp luôn phản đối các phương pháp này.

Một bài báo chính sách tháng 11/2019 có tiêu đề "Canh tác tự nhiên với ngân sách bằng 0 - Chuyện hoang đường hay thực tế?" từ Học viện Khoa học Nông nghiệp Quốc gia cho biết các tuyên bố liên kết với ZBNF là "đáng nghi vấn và cần xác nhận khoa học".

Đề cập đến các nghiên cứu chỉ ra năng suất "giảm đáng kể" bằng cách sử dụng các phương pháp của ZBNF, bài báo nói thêm: "Do đó, sẽ là quá sớm để khuyến nghị áp dụng rộng rãi phương thức canh tác tự nhiên vì việc này có thể dẫn đến thiệt hại lớn đối với tri ​​thức khó khăn mới thu được và lợi ích của nghiên cứu & phát triển nông nghiệp trong 70 năm qua".

Năm nay, một nỗ lực của Sri Lanka để trở thành quốc gia nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ đầu tiên trên thế giới đã thất bại, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Hòn đảo đã từ bỏ nhiệm vụ này vào tháng trước và hủy bỏ lệnh cấm nhập khẩu thuốc trừ sâu và các nguyên liệu đầu vào vô cơ khác.

Tiến sĩ Ramanjaneyulu cho biết, một quá trình chuyển đổi sẽ đòi hỏi phải tạo không gian cho các trường phái canh tác tự nhiên khác nhau, chứ không phải là cách tiếp cận một giải pháp phù hợp với tất cả. "Đó cũng là việc tạo ra tư duy cần thiết, cung cấp đầu tư và nâng cao năng lực. Nó không thể đạt được trong một sớm một chiều", Ramanjaneyulu kết luận.

(Theo Straits Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.