| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Ấn Độ cắn răng mua phân bón 'chợ đen'

Thứ Ba 30/11/2021 , 08:52 (GMT+7)

Nông dân Ấn Độ đứng trước hai lựa chọn: cắt giảm phân bón và chấp nhận giảm sản lượng, hoặc chuyển sang thị trường 'chợ đen' và chịu mức giá cắt cổ.

Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng phân bón trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: BCCL.

Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng phân bón trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: BCCL.

Sự thiếu hụt phân bón đã dẫn đến một thị trường chợ đen phát triển mạnh, nơi các loại phân bón cho cây trồng được trợ giá bị bán bất hợp pháp với mức cao hơn nhiều so với mức quy định của chính phủ. Các đại lý kinh doanh mờ ám đang bận rộn xử lý các yêu cầu mua hàng từ những người nông dân cầu xin mua hàng trong tuyệt vọng.

Với mùa gieo trồng quan trọng đang diễn ra đối với hàng triệu hộ gia đình sống phụ thuộc vào nông nghiệp của Ấn Độ, những người nông dân cho biết họ không có nhiều sự lựa chọn.

Dilip Patidar, một người trồng lúa mì và hành ở bang Madhya Pradesh, cho biết những nông dân Ấn Độ phải cắt giảm việc sử dụng phân bón và có nguy cơ giảm sản lượng, hoặc phải trả giá cao ngất ngưởng để mua phân bón trên thị trường chợ đen.

Cả hai lựa chọn đều không tốt đẹp gì. Năng suất cây trồng giảm có thể khiến giá lương thực tăng cao, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở một quốc gia có 15% dân số phải đối mặt với nạn đói. Việc trả giá cao trên thị trường chợ đen sẽ làm tổn hại đến thu nhập của những người nông dân nhỏ và cận nghèo, vốn chiếm hơn 80% ngành nông nghiệp của Ấn Độ.

Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng phân bón trên toàn thế giới. Giá các loại phân bón cho cây trồng đã tăng vọt do nguồn cung cấp than và khí đốt tự nhiên bị thắt chặt buộc một số nhà máy phân bón ở châu Âu phải đóng cửa. Trung Quốc và Nga cũng đã hạn chế xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung trong nước. Những rào cản này sẽ khiến giá phân bón tăng cao trong nửa đầu năm 2022, theo Gro Intelligence.

Theo Alexis Maxwell, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, Ấn Độ sẽ là quốc gia đầu tiên cảm thấy khó khăn vì nhu cầu phân bón của nước này có xu hướng đạt đỉnh trong quý 4 năm nay đến quý 1 năm sau. "Việc hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, một trong những nhà cung cấp hàng đầu của Ấn Độ, khiến quốc gia Nam Á này có rất ít lựa chọn về nguồn cung phân bón", bà nói.

Nhập khẩu sụt giảm

Ấn Độ nhập khẩu tới một phần ba lượng phân bón của mình và là quốc gia mua phân urê và phân bón DAP lớn nhất thế giới. Tình trạng khan hiếm nguồn cung có thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất các loại cây trồng chủ lực như lúa mì, hạt cải dầu và hạt đậu được trồng trong vụ đông.

Garima Kapoor, nhà kinh tế tại công ty Elara Securities Pvt Ltd. (Ấn Độ) ở Mumbai  cho biết: “Tình trạng thiếu phân bón diễn ra vào thời điểm giá các nguyên liệu đầu vào khác như dầu diesel cũng tăng cao và một số nông dân bị thiệt hại do lượng mưa thất thường. Những điều này có thể hạn chế sự phục hồi của nhu cầu ở nông thôn".

Theo những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, Ấn Độ đang tăng cường sản xuất phân bón và tìm kiếm các thỏa thuận dài hạn với các nhà cung cấp để hạn chế phân bón tăng giá. Các khoản trợ cấp hiện tại dành cho các công ty phân bón là tạm đủ nhưng nếu cần nhiều hơn, chính phủ sẽ cấp thêm, những người yêu cầu giấu tên cho biết vì họ không được phép thảo luận công khai.

Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu phân bổ phân bón hàng tuần cho các quận dựa trên nhu cầu nhằm ngăn chặn việc tích trữ phân bón của các nhà bán lẻ và nông dân trong bối cảnh nguồn dự trữ thấp, một người dân cho biết. Người này cũng cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra với các quốc gia như Oman, Jordan, Morocco và Nga để đảm bảo có nguồn cung cấp lâu dài.

Bộ trưởng Kinh tế Ấn Độ Ajay Seth từ chối bình luận về việc liệu chính phủ có tăng cường trợ cấp phân bón thêm nữa hay không. Người phát ngôn của Bộ Phân bón Ấn Độ không có bình luận nào.

Trên thị trường chợ đen, một bao phân DAP nặng 45 kg đang được bán với giá 1.500 rupee (20 USD), cao hơn giá bán lẻ tối đa 1.200 rupee, nông dân Patidar cho biết. Một bao phân urê có giá tới 400 rupee so với giá thông thường là 266 rupee.

Patidar đang đợi kho phân bón của mình được chuyển đến. “Nếu tôi không có đủ nguồn cung cấp đúng hạn, sản lượng canh tác của tôi sẽ giảm", Patidar chán nản.

Một nông dân khác ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với thảm họa về phân bón. Sukram Pal cho biết ông đã cố gắng gieo sạ lúa mì bằng cách sử dụng một nửa lượng phân DAP thông thường, nhưng hiện tại nhu cầu phân urê đang thiếu hụt.

“Sản lượng chắc chắn sẽ giảm trong năm nay", ông khẳng định.

(Theo Bloomberg)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.