Các nguồn thạo tin cho biết, với nguồn ngân sách chính phủ trợ cấp phân bón cho niên vụ 2021/2022, trị giá hơn 1,55 nghìn tỷ rupee, gần 21 tỷ USD - con số này gần như gấp đôi cho năm tài chính sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 3.
Ấn Độ hiện là nhà nhập khẩu phân urê hàng đầu, đồng thời là khách hàng mua số lượng lớn đối với diammonium phosphate (phân DAP) - nguồn dinh dưỡng cho cây trồng cần thiết ở quốc gia trên 1,3 tỷ dân. Quốc gia Nam Á hiện có nền nông nghiệp sử dụng khoảng 60% lực lượng lao động của đất nước và chiếm 15% quy mô nền kinh tế, trị giá 2,7 nghìn tỷ USD.
Theo đó, chính phủ đang lên kế hoạch hỗ trợ ngân khố bằng nguồn tài chính cho các công ty sản xuất phân bón trong nước như National Fertilizer Ltd (NAFT.NS), Madras Fertilizer Ltd (MDFT.NS), Rashtriya Chemical & Fertilizers Ltd (RSTC.NS), Chamabal Fertilsers & Chemicals Ltd (CHMB.NS) nhằm bình ổn giá và cung cấp sản phẩm phân bón cho nông dân trong nước với giá thấp hơn thị trường.
Giá phân bón thế giới mấy tháng gần đây đã tăng đột biến lên tới 200% so với năm ngoái, sau khi giá hai loại năng lượng chính - than và khí đốt tự nhiên - được sử dụng để sản xuất chất phân bón cùng với các biện pháp hạn chế, thắt chặt xuất khẩu phân bón của Trung Quốc và Nga.
Trong năm tài chính này, New Delhi đã hai lần tăng trợ cấp phân bón, lần lượt là 835,48 tỷ rupee và 434,30 tỷ rupee.
Một quan chức Ấn Độ cho biết: “Năm nay sẽ là một trong những năm chính phủ phải bơm tiền trợ cấp phân bón nhiều nhất cho nông dân vì giá cả trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh do nhiều nguyên nhân khác nhau”.
Ngành nông nghiệp Ấn Độ thường phải nhập khẩu trung bình 60% nhu cầu phân bón DAP, trong tổng số khoảng 10-12 triệu tấn tiêu thụ hàng năm. Trong số này có trên dưới 40% nguồn hàng đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên năm nay nhiều bản hợp đồng nhập khẩu phân DAP từ Trung Quốc đã bị trì hoãn do các lệnh hạn chế xuất khẩu. Để tránh tình trạng thiếu hụt, chính phủ nước này đã quyết định tăng cường hỗ trợ bồi thường nhiều hơn cho các công ty nhập khẩu phân DAP nhằm chủ động hơn nguồn hàng.
"Chúng tôi đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón NPK, bao gồm đạm, lân và kali chuyển sang sản xuất phân DAP", một nguồn tin cấp cao tiết lộ, đồng thời cho biết thêm đã tăng cường nguồn cung cho các khu vực có lượng tồn kho thấp trên cơ sở ưu tiên.
"Trước đó, chúng tôi đã sử dụng 15 chuyến tàu để cung cấp phân bón cho nông dân trong nước nhưng kể từ tháng 10, chúng tôi đã tăng gấp đôi số chuyến tàu tiếp tế phân bón", nguồn tin này cho biết. Tuy nhiên, nông dân Ấn Độ vẫn liên tục phàn nàn về những khó khăn trong việc tiếp nhận phân DAP do nhu cầu về phân bón tăng cao trong tháng 10 và tháng 11, mùa cao điểm xuống giống các loại cây trồng vụ đông như lúa mì.
Ravindra Kajal, một người trồng lúa mì tại bang Haryana, cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc mua phân DAP và giá cũng rất cao”.
Theo dữ liệu của chính phủ, giá phân urê đã tăng 144% hàng năm trong tháng 10 lên 690 USD/tấn, trong khi giá phân DAP cũng tăng 84,3% lên 682 USD/tấn. Mặc dù chính phủ Ấn Độ không kiểm soát giá phân DAP nhưng vẫn tăng trợ cấp nhằm để kiểm soát gián tiếp giá bán lẻ.
Một nguồn tin khác cho biết, giá bán lẻ một tấn phân DAP ở Ấn Độ hiện dao động quanh mức 25.000 rupee (332,85 USD), trong khi giá toàn cầu đã tăng lên khoảng 750 USD. Hiện tỷ giá 1 USD ngang bằng 75.1080 rupee Ấn Độ.
Trong nhiều niên vụ sản xuất vừa qua, Ấn Độ đã giới hạn giá phân urê ở mức 5.360 rupee (71,36 USD)/tấn chưa bao gồm thuế, trong khi giá phân bón trên thị trường thế giới đã tăng lên khoảng 990 USD/tấn. Hiện Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu khoảng 30% trong tổng số khoảng 35 triệu tấn urê tiêu thụ trung bình hàng năm