| Hotline: 0983.970.780

An Giang chuyển đổi cây trồng gắn với tiêu thụ

Thứ Năm 03/12/2020 , 10:42 (GMT+7)

Tỉnh An Giang đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cây ăn trái, đặc biệt chú trọng cây xoài.

Đây là loại cây dễ trồng, thích nghi với biến đổi khí hậu, giúp tăng lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Theo một số chủ vườn xoài ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới thì giá xoài hiện đạt 22.000 đồng/kg (xoài tượng da xanh loại 1), 40.000 đồng/kg (xoài cát Hòa Lộc loại 1), 25.000 đồng/kg xoài keo, 19.000 đồng/kg xoài cát Chu.

Những diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết, nông dân trên địa bàn tỉnh đang chăm sóc 16.720ha cây ăn trái, trong đó chủ lực vẫn là xoài 11.378ha, chuối 1.108 ha, nhãn 428 ha, mít 682 ha, cây có múi 1.422 ha (bưởi 494 ha, cam 365ha, quýt 180 ha...).

Các địa phương trong tỉnh đã từng bước hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như trái cây (Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…), rau màu (Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, Long Xuyên, Châu Đốc) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.

Theo ông Hiền, giai đoạn 2017-2020, ước tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt 26.000ha. Trong đó, tổng diện tích đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang rau dưa các loại 9.300 ha, chuyển đổi sang cây màu 9.262 ha, chuyển đổi sang cây ăn trái 7.054 ha.

Tính theo từng năm thì năm 2017 đã thực hiện chuyển đổi sang rau màu và cây ăn trái trên nền đất lúa kém hiệu quả được 6.520 ha, năm 2018 là 7.006 ha, năm 2019 chuyển đổi 5.714 ha. Năm 2020, kế hoạch chuyển đổi 6.096 ha. Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 5.466 ha.

Thực tế những năm qua cho thấy, các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với mô hình sản xuất các loại rau ăn lá, lợi nhuận bình quân từ 120-150 triệu đồng/ha/năm. Mô hình cây ăn trái, sau thời gian đầu tư 3-5 năm mang lại hiệu quả khá cao, từ 500-800 triệu đồng/ha/năm.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang, điều kiện đất đai, khí hậu và nguồn nước của tỉnh thuận lợi cho việc phát triển cây màu, một số loại cây ăn trái. Được sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương trong tỉnh nên mô hình chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập ổn định cho nông dân.

Các mô hình xen canh lúa – màu hạn chế sâu bệnh gây hại cho lúa vụ tiếp theo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các mô hình xen canh lúa – màu hạn chế sâu bệnh gây hại cho lúa vụ tiếp theo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cùng với cây ăn trái, việc chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang màu cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ngoài yếu tố giá cao còn góp phần giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn như: thu hái ớt, thu hoạch rau muống, sơ chế rau màu… Các mô hình xen canh lúa – màu đã hạn chế được sâu bệnh gây hại cho lúa vụ tiếp theo.

Dù thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân, HTX nhưng diện tích chưa thật sự nhiều. Phần lớn sản phẩm rau màu, trái cây của nông dân vẫn tiêu thụ qua thương lái, giá cả không ổn định. Đối với rau màu, do chưa có dự báo về nhu cầu sản phẩm (số lượng, chủng loại, giá cả, khả năng tiêu thụ trong, ngoài nước) nên khó khăn trong công tác quy hoạch, vận động nông chuyển đổi.

Cùng với đó, việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn khi trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều nhà máy chế biến và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao, cống bọng để phục vụ cho vùng màu có diện tích lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, cùng với khắc phục những khó khăn trên thì cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa nông dân với doanh nghiệp. Trên thực tế, doanh nghiệp thường đòi hỏi nông dân phải sản xuất với số lượng lớn, tuân thủ quy trình canh tác nhưng chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ. Điều này khiến nông dân chưa thật sự yên tâm sản xuất.  

Xem thêm
Có thể giảm tần suất lấy mẫu sau 2 năm xuất khẩu dừa sang Trung Quốc

Bến Tre Thông tin được ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa' sáng 13/12.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.