Bài báo ngắn này nói về vấn đề an ninh trường học, người Hoa Kỳ làm gì để bảo vệ an ninh cho học sinh, và về vị trí và vai trò của giáo viên, những người có nhiệm vụ bảo vệ học sinh và đến phiên họ, được luật pháp bảo vệ.
Khi nói đến tệ nạn và mất an ninh, thì không nơi nào là thiên đường tuyệt đối. Tuy nhiên đối với thầy cô giáo, những vấn đề tệ nạn trong tổ chức hành chính ở trường học khó xảy ra, vì giáo viên có nghiệp đoàn và luật pháp đứng sau lưng. Không ai sợ bị truy bức. Tuy có thì càng tốt nhưng họ không đặt niềm tin chính của mình vào “tình đồng nghiệp” hoặc các kêu gọi, hoạt động dân sự, mà vào luật pháp.
Xem phim ảnh, ví dụ phim dựng theo tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo, chúng ta hay thấy khi bị nhà chức trách rượt đuổi, nhân vật chạy vào những nơi tôn nghiêm như nhà thờ, là những nơi bất khả xâm phạm.
Ngoài xã hội, thì nhà trường là nơi được những nước như Hoa Kỳ chăm chút, quan tâm đặc biệt, vì ở đó là trẻ em, những người sẽ quyết định tương lai của đất nước.
Nay ở Hoa kỳ, hai nơi ấy cũng không còn an toàn nữa. Tháng 11 năm 2017 một vụ xả súng được xem là kinh khủng nhất từng xảy ra ở một nơi tôn nghiêm. Bản tin cùng ngày cho hay ít nhất 25 người đã bị bắn chết khi đang làm lễ ở một ngôi thánh đường nhỏ tại Texas. Những người bị thương được đưa đến bệnh viện San Antonio cách đó 45 phút, nơi vài tháng trước đó tôi đã đến dự một hội nghị của ngành.
Xem tin thấy như mình cũng có mặt khi vụ giết người hàng loạt này xảy ra.
Luật pháp Mỹ cho phép cha mẹ dạy con học ở nhà, bao lâu cũng được. Đến khi nào muốn con đến trường thì nhà trường kiểm tra trình độ trẻ và nhận vào lớp phù hợp để tiếp tục. Những vụ xả súng vào trường học những năm gần đây, cộng thêm nỗi lo dịch Covid khiến kỳ khai giảng năm nay nhiều phụ huynh phân vân không biết nên cho con đến trường không.
Có phải vì lo âu mà người ta không cho con họ đến trường học? Không. Vì trường học là nơi duy nhất đào tạo một cách có hệ thống các kiến thức cơ bản từ thấp đến cao; là nơi giúp trẻ xây dựng và hình thành nên một nhân cách, một bản lĩnh, một thái độ sống để chuẩn bị vào đời, trở thành một con người tự do, ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình, trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, xã hội, đất nước, và lớn hơn nữa là trách nhiệm với nhân quần.
Người Mỹ không chỉ nói, lại càng không ngồi yên than vãn. Họ hành động. Cả xã hội tham gia bằng những cách họ có thể.
Thống kê cho thấy các vụ xả súng ở nhà trường ngày càng nhiều, đại đa số sát thủ là những người vốn ưa bạo lực, hoặc có những vấn đề trong hành vi, là người phát triển chậm, hoặc do tuyệt vọng dẫn đến quẫn trí. Cả xã hội, chính quyền và ngành giáo dục họp bàn phương cách đối phó, ngăn ngừa.
Xã hội thì một mặt vận động để nhiều người đồng tình và Quốc hội thông qua luật hạn chế quyền được mua và giữ súng. Mặt khác, họ làm những việc có thể làm ngay. Chẳng hạn có những đề nghị như phát súng và huấn luyện cho thầy cô để tự vệ và bảo vệ học sinh. Nhiều người đồng tình, nhiều người phản đối. Người phản đối cho rằng họ là nhà giáo, việc của họ là dạy dỗ.
Việc bảo vệ an ninh là của cảnh sát và chính quyền. Sau vụ xả súng ở trường tiểu học Robb, Texas, lãnh đạo an ninh địa phương tự rút kinh nghiệm và ân hận lực lượng cảnh sát đã không phản ứng nhanh hơn. Họ diễn tập bổ sung thêm tình huống chiến đấu trong thành phố khi trận địa có thể tán loạn đầy các em nhỏ, phòng bi kịch tái diễn.
Phân tích tình trạng không an ninh ở trường học, báo cáo năm 2019 của Sở mật vụ, Bộ an ninh quốc gia Hoa kỳ nhấn mạnh: trách nhiệm giữ an toàn cho nhà trường là của tất cả mọi người, từ nhà chức trách địa phương, cảnh sát, nhân viên nhà trường, bác sĩ và y tá ở các viện tâm thần, và của công chúng.
Trong báo cáo này, dựa trên tư liệu về các sát thủ trong những vụ đã xảy ra, họ thống kê tỉ mỉ và cụ thể những dấu hiệu về hành vi, lời nói, những hoàn cảnh học sinh ở nhà bị bạo hành, v.v, những thứ cho thấy người ấy nhiều khả năng sẽ phạm tội. Nhận ra những dấu hiệu này sớm là một cách hiệu quả để ngăn chặn trước khi nó xảy ra.
Đối với thầy cô giáo, người Mỹ không ra rả về những “quân sư phụ”, không rao giảng những “Tiên học lễ, hậu học văn”. Họ không có ngày 20 tháng 11 biết ơn thầy cô, làm lễ lạt để lãnh đạo đến nhắn nhủ, đọc diễn văn, còn các cô giáo và học sinh thì nhảy múa ca ngợi cái nghề cao quý và đọc các bài phát biểu tri ân thầy cô. Họ lại càng không làm những chuyện gởi phong bì hay quà cáp đến giáo viên trong bất kỳ dịp gì. Dù có chăng nữa, không giáo viên nào dám nhận, vì tự trọng, vì có thể bị rắc rối vào kiện tụng về sau không đáng.
Nhưng người Mỹ khi trò chuyện, biết người đối diện làm nghề dạy học, họ tỏ ngay một thái độ tôn kính pha chút mến mộ. Họ tôn trọng thầy cô giáo vì trước hết đó là những người dạy dỗ uốn nắn con cháu họ trong phần lớn thời gian khi các cháu thức. Họ biết học sinh rõ hơn cha mẹ của các em, nhất là về khả năng tư duy và tính cách.
Sau nữa, họ biết thầy cô cố luôn giữ mình, hành xử đúng mực ở vị trí người thầy. Cuối cùng, họ biết thầy cô ít nhiều cũng đại điện cho tri thức, quen thuộc với các phương tiện hiện đại, thu nhận thông tin cập nhật, có điều kiện tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, v.v.
Trong những tranh luận vấn đề xã hội, thậm chí chính trị, họ hướng đến thầy cô giáo với sự chờ đợi một chỉ dẫn, hoặc ít nhất đồng tình, vì cho rằng thầy cô là những người biết xét đoán tỉnh táo và cổ vũ cho những gì được xem là lẽ phải. Vì vậy khi đụng chuyện, phụ huynh là lực lượng quan trọng lên tiếng, đấu tranh cho thầy cô.
Còn nhiệm vụ của giáo viên là toàn tâm toàn ý vào việc giảng dạy và giúp học sinh những gì có thể, kể cả những công việc tự nguyện.
Khi được bổ nhiệm giảng dạy toàn thời gian (full time), giáo viên trung và tiểu học chỉ làm đủ 8 tiếng ở trường, không buộc phải mang việc về nhà. Nếu có làm thêm thì vào thì giờ không làm việc ở trường. Còn ở bậc đại học, thầy cô không được phép làm thêm công việc gì khác vượt quá số giờ cho phép.
Lý do là để bảo đảm thầy cô dốc hết thời gian và tâm sức lo tròn trách nhiệm của họ (sinh viên sau đại học cũng thế, chỉ được phép làm thêm mỗi tuần một số giờ quy định để không ảnh hưởng đến việc học). Lương giáo viên không cao, nhưng đủ cho các nhu cầu bình thường mà không phải lo ngày mai sẽ ăn gì, hoặc kiếm đâu ra tiền mua quần áo cho con. Làm giáo viên thì hiếm khi sợ mất việc, vì xã hội lúc nào cũng rất cần.
Trong trường, thầy cô có nghiệp đoàn của họ. Nghiệp đoàn mỗi tiểu bang là một phần của Nghiệp đoàn giáo chức quốc gia. Những việc khuất tất xảy ra nếu bị tố cáo, các cấp có trách nhiệm phải điều tra rõ ràng và tùy tính chất mà xử nội bộ hoặc đưa sang bên hình sự. Không việc gì có thể ém nhẹm.
Vì có nghiệp đoàn và luật pháp bảo vệ, thầy cô không phải nịnh nọt bợ đỡ các cấp quản lý của họ, hay hối lộ để mua chức mua lợi lộc, hoặc thậm chí chỉ để yên thân. Không có những chuyện ức hiếp trong trường, càng không có những chuyện phải chịu đựng trong một thời gian dài.
Cũng như ở những giới khác, chuyện giáo viên tự vẫn ở Hoa Kỳ không thiếu, nhưng thường là về những vấn đề riêng, hoặc xấu hổ vì bị tố cáo, bị ra tòa vì sách nhiễu tình dục học sinh.
Khi bị quẫn vì lý do gì đó, bao giờ cũng có nơi để người ta tìm đến. Một thầy giáo ở California tự tử trong khuôn viên trường hồi đầu năm nay, cơ quan điều tra vẫn chưa tìm ra lý do. Nhưng khi tờ New York Post đưa tin này, họ cẩn thận đăng kèm cuối bài báo thông tin về đường dây nóng bảo mật của New York, nơi giúp đỡ những người có ý định tự vẫn vì bất cứ lý do gì.
Những lý do đó có thể là hội chứng sau khi giải ngũ, việc bị kỳ thị là dân thiểu số hoặc đồng tính, những khủng hoảng của lứa tuổi thanh thiếu niên, hoặc tuyệt vọng vì mất người thân, hoặc chấn thương tâm lý sau một thiên tai, hoặc nghi là mình bị bệnh tâm thần... Đường dây nóng số 988 dùng cho toàn liên bang Hoa Kỳ. Ngoài ra còn trang mạng quốc gia để gọi số nào tùy vào các vấn đề đang làm họ giận dữ, tuyệt vọng, chán đời.
Nói được ra với người nào đó, trong đa số trường hợp, tránh được chuyện tự tử. Nhưng quan trọng là vì có những nơi để người ta có thể thổ lộ những chuyện trầm cảm uất ức này nên các việc áp bức, trù dập khó lòng bưng bít được. Khi đã bị moi ra thì không còn thoát được can thiệp của luật pháp.
Những trường hợp đau lòng như cô giáo trẻ ở Quy Nhơn vừa quyên sinh vì những chuyện áp bức kinh khủng nào đó ở trường đến nỗi cô phải mang theo xuống tuyền đài, là chuyện hiếm thấy ở Mỹ.
Tình trạng giáo viên tự tử ở Việt Nam những năm gần đây dường như không ít. Nạn bạo động trong học đường ngày càng xuất hiện nhiều hơn và ở mức độ tàn nhẫn hơn. Không biết ở Việt Nam đã có những nghiên cứu, thống kê nào của các Bộ ngành xã hội, tương tự báo cáo của Bộ An ninh quốc gia Hoa Kỳ năm 2019 nói ở trên chưa? Những việc này có được chính quyền, Quốc hội, ngành giáo dục họp hành bàn bạc tìm nguyên nhân và phương cách ngăn ngừa không? Hay những trường hợp như của cô giáo đơn độc ở Quy Nhơn chỉ được phản ánh qua những tiếng nói bất bình, kêu gọi, thương cảm trên mạng xã hội?