Sáng 3/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew về tình hình hợp tác và thương mại nông nghiệp giữa hai nước cũng như cơ hội sắp tới cho hai bên.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, Vương quốc Anh là đối tác quan trọng của Việt Nam. Điểm lại một số thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, năm 2023 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 12,07 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng xuất siêu của cả nền kinh tế.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, nông sản Việt Nam có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu trong đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực thế giới.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,01 tỷ USD, lâm nghiệp đạt 14,31 tỷ USD. Tuy nhiên, sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế, trong đó xuất khẩu thức ăn chăn nuôi đạt 1,4 tỷ USD. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng con số này sẽ tăng lên khi hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh được thắt chặt hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, phía Việt Nam mong muốn hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp với Anh, đặc biệt học tập mô hình đại trang trại của Anh để xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến trong hệ sinh thái tuần hoàn. Phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là mối quan tâm và yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, phối hợp về công tác thú y, đặc biệt là nghiên cứu vacxin và khoa học công nghệ nông nghiệp cũng là nhu cầu lớn từ phía Việt Nam.
Về phía Anh, Đại sứ Iain Frew bày tỏ ấn tượng với những con số xuất khẩu và phát triển thị trường nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua. Trong quá trình Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhận được sự ủng hộ của Việt Nam, việc gia nhập CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho hợp tác giữa hai nước trong việc tiếp cận thị trường nông sản.
Ông Frew cho rằng đã có nhiều kết quả rõ ràng trong hợp tác và thương mại song phương, các con số liên quan đến giá trị thương mại dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Sản lượng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam sang Anh đạt khoảng hơn nửa tỷ USD, trong khi con số xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam còn hạn chế, chỉ bằng ¼. Đại sứ Anh mong muốn con số này có thể được nâng cao hơn nữa.
“Những Hiệp định thương mại tự do mang đến tác động rất tốt, đặc biệt với người tiêu dùng. Sản phẩm nông sản Việt Nam hiện diện và tiếp cận dễ dàng với người tiêu dùng Anh. Đây là kết quả tích cực trong việc thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước", ông Frew cho biết.
Để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, từ cuối tháng 4, Việt Nam sẽ là một trong 20 nước có hàng nông sản xuất khẩu sang Anh được áp dụng cơ chế kiểm tra dễ dàng hơn, đặc biệt số lượng yêu cầu kiểm tra qua cửa khẩu sẽ giảm đi rất nhiều so với trước đây. Điều này dựa vào tình hình xuất khẩu khả quan của nông sản Việt Nam sang Anh và sự chia sẻ thông tin cũng như hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong thời gian qua.
Đại sứ Iain Frew cũng đề cập đến việc mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt gà và thịt lợn của Anh, ông đề nghị phía Việt Nam nhanh chóng phê duyệt các kho lạnh đi kèm cơ sở đăng ký xuất khẩu hai sản phẩm này để tạo điều kiện cho thịt gà và thịt lợn Anh nhập khẩu vào Việt Nam theo đúng tiến độ thỏa thuận.
Phía Anh đánh giá Việt Nam đang làm tốt trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh động vật và mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và thú y, nhất là nội dung kháng kháng sinh.
Phản hồi ý kiến của Đại sứ Anh tại Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định Việt Nam ủng hộ Anh tham gia CPTPP. Nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Anh khá đa dạng và với quy mô tương đối, nhờ sự hoạt động tích cực của hai bên, doanh số thương mại của nông sản Việt Nam sang Anh rất cao.
“Việc Việt Nam được Anh xếp vào số 20 quốc gia được áp dụng cắt giảm thủ tục hành chính về kiểm dịch sẽ giúp mục tiêu xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Anh đạt trên 1 tỷ USD trong thời gian ngắn nhất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Về hệ thống kho lạnh đi kèm các cơ sở đăng ký xuất khẩu thịt gà và thịt lợn sang Việt Nam, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đề nghị phía Anh bổ sung thông tin trong hồ sơ và gửi đơn vị xem xét phê duyệt để tạo điều kiện nhập khẩu sớm nhất.
Với sản phẩm thịt bò và thịt cừu của Anh, Cục Thú y đề nghị cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của phía Việt Nam để có cơ sở xử lý. Với sản phẩm bột đạm động vật, Cục Thú y sẽ xem xét hồ sơ sau khi ban hành thông tư mới về kiểm dịch.
Về vấn đề phòng, chống kháng thuốc, tháng 5/2023, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ NN-PTNT được giao xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện chiến lược này. Ông Long đề nghị phía Anh hỗ trợ để triển khai có hiệu quả chiến lược này.