| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 28/09/2020 , 05:50 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:50 - 28/09/2020

Anh hùng khi đã sa cơ

Chỉ trong một tháng, hai anh hùng lần lượt tra tay vào còng số 8 khiến dư luận xã hội xôn xao.

Người thứ nhất là thiếu tướng công an, tiến sỹ luật, anh hùng LLVT, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Còn người thứ hai là một đại trí thức, trí thức toàn tập bởi có học vị cao ngất ngưởng, đó là PGS.TS, bác sỹ, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động, giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh.

Trong hai vị anh hùng vừa bị sa cơ ấy, thì việc ông Nguyễn Quốc Anh bị bắt đã gây sự bức xúc trong dư luận nhiều hơn.

Ông này bị bắt vì hành vi có dấu hiệu thông đồng với công ty BMS “thổi giá” robot Roossa từ 7 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng, nhằm chiếm đoạt tiền của người bệnh. Nói cách khác, là làm giàu trên mồ hôi nước mắt của bệnh nhân, trong đó có rất nhiều bệnh nhân nghèo.

“Lương y như từ mẫu (thầy thuốc như mẹ hiền)”, lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một thầy thuốc, giám đốc một bệnh viện lớn nhất nước, hẳn là ông Nguyễn Quốc Anh thấm thía hơn ai hết.

Thế mà trong khi rất nhiều cá nhân và tổ chức chắt chiu từng đồng để nấu những suất cơm, những bát cháo miễn phí để chia sẻ với những bệnh nhân nghèo, thì ông lại cùng với người ngoài thổi giá những thiết bị phục vụ người bệnh lên cao gấp ba, bốn lần, để bóp hầu bóp cổ người bệnh bằng cách bắt họ phải trả phí sử dụng dịch vụ của các thiết bị trên từ 4 triệu đồng lên 23 triệu đồng, chênh lệch tới 19 triệu.

Những đồng tiền ăn bẩn đó, đồng nào cũng nhớp nhúa mồ hôi của bệnh nhân. Không biết bao nhiêu người bệnh nghèo, vì không đủ 23 triệu để sử dụng những dịch vụ đó, đã phải chết tức tưởi? Chiếm đoạt tiền của người khỏe mạnh đã kinh tởm. Chiếm đoạt tiền của người bệnh, nhất là của những bệnh nhân nghèo, lại càng đáng tởm hơn.

Điều hết sức lạ lùng là trước khi tra tay vào còng số 8, ông nào bà nào cũng sang sảng rằng mình “làm đúng quy định”. Ông Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Quốc Anh, và hàng trăm ông bà khác nữa, đều răm rắp một giọng như nhau.

Ngay trước lúc tra tay vào còng số 8, ông Nguyễn Quốc Anh còn lớn tiếng khẳng định với báo chí rằng mình “thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế, không hề có lợi ích nhóm trong chuyện thổi giá thiết bị này”.

“Làm đúng quy định, không có lợi ích nhóm”. Ông nào bà nào cũng một giọng “đồng phục” như vậy. Nhưng tài khoản của ông nào bà nào cũng đầy nứt ra. Ông nào bà nào cũng nhà chục tỷ, xe chục tỷ, con cái ông nào bà nào cũng du học nước ngoài với mức học phí cả trăm ngàn “đô” mỗi năm.

Những khối tài sản khổng lồ mà nếu “làm đúng quy định, không có lợi ích nhóm”, chỉ trông vào đồng lương, thì dăm bảy trăm năm các ông các bà mới có được, với điều kiện chỉ sống bằng không khí.

Anh hùng khi đã sa cơ, mới lòi ra cả đống những đồng tiền nhơ bẩn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm