Nữ Anh hùng quân đội đầu tiên, bà Nguyễn Thị Chiên đã bước sang tuổi 87. Nhiều năm rồi, tôi mới lại đến thăm bà tại nhà riêng trong con ngõ nhỏ thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội).
Tuổi mỗi ngày một cao, lại thêm hậu quả từ những trận tra tấn của thực dân Pháp để lại trên cơ thể khiến bà yếu dần. Và mới đây, khi người bạn đời của bà, Đại tá Vũ Anh Tài ra đi ở tuổi 94 càng khiến bà suy sụp.
Anh hùng tuổi 22
Theo hồ sơ, anh hùng Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930, tại xóm Trại Đồng, xã Tân Tiến (nay là thị trấn Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), nhưng bà cho tôi biết, năm sinh này không biết đúng hay sai vì lý lịch của bà do anh em công tác khai hộ. Ngay cả cái tên Nguyễn Thị Chiên cũng là do anh em du kích đặt cho bà sau này, chứ cha mẹ bà chỉ gọi là Tý con.
Nhà bà có 5 anh chị em, bà là út. Gia cảnh khốn khó, sinh bà hôm trước, hôm sau người mẹ đã phải ủ con trong gio cho nóng để đi làm thuê, làm mướn lần hồi kiếm miếng ăn. Bà mới sinh được mấy ngày, bố không có tiền nộp thuế thân thì trốn đi mỏ Vàng Danh (Quảng Ninh) không có ngày về. Mẹ đi xin ăn bên đường rồi chết. Từ nhỏ, bà không biết bố mẹ như thế nào, lớn lên cũng không thể nào hình dung nổi bố mẹ ra sao. Mới lớn, Nguyễn Thị Chiên đã phải đi ở đợ, bế con cho nhà người khác.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, từ năm 16 tuổi Nguyễn Thị Chiên tự nguyện đến với cách mạng, bà được các anh chị du kích giao nhiệm vụ rải truyền đơn, kết hợp với bảo vệ vòng ngoài cho các cơ sở bí mật của cách mạng, đồng thời phát hiện nơi ém quân của địch.
Bà không thể quên được những lần chặt chuối làm phao kẹp vào nách bơi vượt sông Thái Bình đi quấy nhiễu đồn bốt của thực dân Pháp. Lúc đi đạn bắn dữ dội, lúc về xe lội nước địch ào ào đuổi đằng sau. Nhưng những chuyến đi, về đều an toàn và những đợt tập kích địch đã làm vững vàng thêm bản lĩnh và nối dài công trạng của nữ du kích Nguyễn Thị Chiên.
Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Bắc (1/5/1952), Nguyễn Thị Chiên được phong tặng danh hiệu anh hùng ở tuổi 22, cùng anh hùng La Văn Cầu, anh hùng Trần Đại Nghĩa, anh hùng Ngô Gia Khảm...
Căn phòng truyền lửa ấm
Trong gian phòng khách nhỏ, ông bà treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở những vị trí trang trọng nhất. Tương lai, đây sẽ được con cháu ông bà dùng làm nơi trưng bày và lưu niệm kỷ vật đời thường của người anh hùng, trong đó có giá sách nhỏ gồm những đầu sách ông bà từng đọc, sẽ truyền lửa ấm đến thế hệ kế tiếp.
Từ gian phòng này, tôi đã được nghe ông bà kể nhiều chuyện về cuộc đời mình, cùng với đó là tình cảm đồng chí, đồng đội của những bậc khai quốc công thần sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu…
Về mối lương duyên, bà Chiên kể lại, trong công tác, bà gặp ông Vũ Anh Tài, cán bộ Sư đoàn 320. Bà và ông đã nên duyên, rồi sinh được một người con gái và đây cũng là người con duy nhất của họ.
“Lấy ông ấy sợ chết đi được vì ông ấy cấp to. Tôi bảo tôi lấy cái người trung đội trưởng thôi, vì tôi trung đội trưởng mà”, bà Chiên cười hồn hậu. Ông Vũ Anh Tài cùng góp vui: “Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua, tôi phụ trách thi đua quân đội, là trợ lí chuyên về thi đua khen thưởng của Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị. Vì công việc mà phải đi theo, vì thế mới nên nghĩa vợ chồng. Thủ trưởng Tổng cục Lê Liêm cũng se vào, chứ không làm sao bà nhà tôi quê ở Thái Bình, còn tôi quê ở Hải Dương gặp nhau được”.
Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đi biền biệt, bà ở lại vừa công tác vừa nuôi con. Sau nhiều năm công tác tại Tổng cục Chính trị, Quân khu Thủ đô, bà Nguyễn Thị Chiên về hưu với quân hàm Trung tá (1984) và thương tật hạng 4/4.
Nhắc nhớ kỷ niệm, ông bà luôn kể đầu năm ông đèo xe đạp đưa bà đi chúc Tết. Bao giờ cũng đến chúc tết đồng chí Hoàng Quốc Việt trước, vì đó là người thủ trưởng cao tuổi nhất.
“Chúc sức khỏe anh Hoàng Quốc Việt xong thì đi cổng sau sang anh Trường Chinh. Cả hai vợ chồng anh Trường Chinh cùng tiếp hai vợ chồng tôi. Tiếp xong, lại tiễn chân nữa, rất bình đẳng. Trong khi nói chuyện thì đời sống xã hội có cái gì đều nói cho anh nghe. Anh lắng nghe và tìm hiểu mọi chuyện. Anh Võ Nguyên Giáp cũng thế”.
Thiếu thời, ông Tài học trường Thăng Long, “cái lò Việt Minh”, là học trò của thầy Võ Nguyên Giáp (dạy Lịch sử), thầy Bùi Kỷ (dạy tiếng Việt). Vào quân đội, ông trở thành người lính cấp dưới của Người Anh Cả. Ngoài 90 tuổi, ông vẫn kính trọng thủ trưởng của mình. Ngày Anh Văn về cõi vĩnh hằng, không quản tuổi cao sức yếu, ông bà dìu nhau đến viếng tại nhà riêng.
Anh hùng Nguyễn Thị Chiên và Đại tá Vũ Anh Tài (Tết 2016)
“Lên thăm anh Văn, chị Hà, vợ chồng tôi cũng biết anh nhiều việc. Trông thấy anh chị khỏe là mừng rồi. Vợ chồng tôi ra về luôn. Kể cả đến anh Trường Chinh cũng thế, không lạm dụng đâu, anh ạ. Ngồi lâu thì anh chị phải tiếp, mà anh chị bao nhiêu việc”.
Anh hùng đi bán xổ số
Thời kỳ đầu 1980, cả nước gặp khó khăn, cuộc sống người dân vất vả thiếu thốn, tem phiếu mấy thước vải, vài cân gạo. Để trang trải cuộc sống, anh hùng Nguyễn Thị Chiên đi bán thêm vé xổ số. Ông Vũ Anh Tài kể: “Mùa rét, tôi mặc trong là quần áo dạ, ngoài phủ áo mưa kín mít, ngồi bán sổ xố. Trưa thì nhà tôi chạy đi bán rong. Khách mua vé số họ biết đây là anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên, người ta cho thêm dăm ba hào không dám nhận đâu”.
Thế rồi, báo chí đăng chuyện anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên phải đi bán sổ xố. Đọc được trên báo, vị Đại tướng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị xuống nhà.
“Sáng tôi dậy tập thể dục, ông Tài nhớ lại, chạy đi để sổ xố ở 53 Hàng Bài, xong tôi chạy về. Thấy anh ấy mắng vợ tôi: Tại sao đi bán vé số mà không nói với tôi, mà nhà cửa để bừa bộn như thế này?
Tôi mới bảo: Thôi, anh đừng mắng nhà tôi như thế. Tôi là đảng viên thường nhưng tôi vẫn phải bới bèo mà sống. Làm một người đảng viên nhỏ, làm một người công dân nhỏ, xưa nay nhà tôi có xin Nhà nước cái gì đâu. Làm thêm là bình thường thôi chứ có gì”.
Khi ông Tài vào tuổi 90, bà Chiên cũng ngoài 80, thứ hai hàng tuần ông bà vẫn từ Long Biên sang dự sinh hoạt Câu lạc bộ Thăng Long (91 Trần Hưng Đạo). Bà đi ô tô bus. Ông đi xe đạp luyện chân. Tuổi cao, nhờ tự rèn luyện, ông bà vượt qua được nhiều bệnh.
Có nhiều ưu tiên, nhưng trong cuộc sống anh hùng Nguyễn Thị Chiên đều tự lực. Ít ai ngờ rằng, dù bị địch bắt tù đày, tra tấn chết đi sống lại nhưng bà cũng không kê khai làm chế độ, vì bà nghĩ rằng, sự quan tâm của Nhà nước với bà như vậy là đủ. Tiêu chuẩn đó, có thể dành cho người khác gặp khó khăn hơn.
Khi còn khỏe mạnh, người nữ anh hùng quân đội đầu tiên không quản ngại nắng mưa, đêm hôm vất vả, đi dạy bình dân học vụ ở bãi giữa sông Hồng. Bà tự nhận mình là người ít chữ nhưng có thể san sẻ được với những người chưa có chữ. Nhìn tấm gương những trí thức lớn giàu chữ như Tiến sĩ - Luật gia Hồ Đắc Điềm, Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Mạnh Tường mà bà từng được gần gũi trong các đợt công tác, bà lại càng nỗ lực làm việc. “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu phẩm tự cao”, đến nay anh hùng Nguyễn Thị Chiên vẫn sống giản dị như vậy.
Hồ sơ lưu tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có viết: Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Chiên, trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1952, tham gia xây dựng cơ sở kháng chiến ở 5 thôn, xây dựng và chỉ huy Đội du kích xã Tán Thuật (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đánh địch chống càn, phá giao thông đường 39, phá tề, diệt và bắt nhiều địch. Đặc biệt nhất là lần phối hợp với Đại đội 44 Tiểu đoàn 680, Đại đoàn 320 tiêu diệt lính Âu Phi trên Đường 39. Chính ở trận này, tay không mà bà đã bắt được tên quan hai Pháp. Danh hiệu "tay không bắt giặc" cũng theo bà Nguyễn Thị Chiên từ đó. |