Thế nhưng, những giai điệu không thể bộc lộ hết được tâm tư xa vắng mang dấu vết thân phận của hai nhân vật trong bài thơ.
Nhà thơ Thanh Tùng (1935-2017) quê gốc Nam Định nhưng sinh trưởng và gắn bó với Hải Phòng suốt 60 năm ròng rã buồn vui. Ông làm thầy giáo dạy thể dục, rồi làm công nhân ở thành phố Cảng. Ở Hải Phòng, nhà thơ Thanh Tùng đã có một thời trai trẻ sôi nổi và cũng có đã một mối duyên khắc cốt ghi tâm.
Nhà thơ Thanh Tùng |
Người phụ nữ Thanh Nhàn nổi tiếng nhan sắc ở Hải Phòng. Đã trải qua một đời chồng và đã có con riêng, nhưng Thanh Nhàn vẫn đẹp rực rỡ trong mắt những người đàn ông quen sóng quen gió trên cảng biển quê hương. Nhà thơ Thanh Tùng gặp Thanh Nhàn khi ông cũng đã qua tuổi 30. Một gã đàn ông lam lũ và chân thành, một người đàn bà đằm thắm và lãng mạn. Họ là hai thái cực, họ là hai thế giới, họ là hai mảnh rời chông chênh. Một lần hạnh ngộ đã hút họ vào nhau, như một cách Thượng Đế gắn kết và xoa dịu cho hai trái tim nhọc nhằm rung cảm.
Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bom Mỹ vẫn rình rập bắn phá ngày đêm khắp miền Bắc. Cuộc sống vừa lao động vừa chiến đấu đầy cam go, nhưng không thể nào ngăn được Thanh Tùng thể hiện cảm xúc dâng trào với Thanh Nhàn. Ông làm việc ở Hải Phòng, còn bà làm việc ở Quảng Ninh, cách nhau gần 60 cây số. Cứ tiếng kẻng tan ca ngày cuối tuần vang lên, thì Thanh Tùng lập tức lao đi tìm Thanh Nhàn. Thuở đó, giao thông đâu có thuận lợi như bây giờ.
Thanh Tùng thường mượn xe đạp của đạo diễn phim tài liệu Đào Trọng Khánh để sang Quảng Ninh thăm Thanh Nhàn. Có hôm, Thanh Tùng chậm chân, chiếc xe đạp đã bị người khác sử dụng rồi. Lẽ thường, thì ai cũng hình dung được một gã đàn ông sẽ não nề lê gót về nhà trong ngổn ngang dằn vặt. Thế nhưng, Thanh Tùng thì khác, không có xe đạp thì ông dùng… đôi chân. Thanh Tùng đã chạy bộ 60 cây số sang Quảng Ninh. Đến cổng nhà máy của Thanh Nhàn, thì nghe bảo vệ báo tin Thanh Nhàn đã đạp xe về Hải Phòng rồi. Thanh Tùng đang thở hồng hộc, lập tức quay đầu lại, tiếp tục chạy bộ về Hải Phòng. Tổng cộng, để có dịp cuối tuần gặp mặt người đàn bà mình yêu thương, Thanh Tùng đã chạy bộ đúng 120 cây số.
Cú maraton theo tiếng gọi nhân tình của nhà thơ Thanh Tùng trở thành một huyền thoại trong giới làm thơ Hải Phòng. Nhà thơ Thanh Tùng thì cười vô tư xem như một chuyện nhỏ, nhưng đạo diễn phim tài liệu Đào Trọng Khánh thì kinh hãi lắm nên chốt hạ: “Từ nay, cuối tuần tao sẽ xích xe đạp vào góc nhà, không cho ai đụng tới. Chỉ ưu tiên cho mày đi thăm Thanh Nhàn thôi. Mày đừng chạy bộ nữa, khiếp quá!”. Tuy nhiên, sau cuộc chạy bộ đáng ghi vào kỷ lục tình ái kia, nhà thơ Thanh Tùng không phải trổ tài của vận động viên điền kinh nữa, vì Thanh Nhàn đã chuyển luôn về Hải Phòng để làm vợ ông và sinh cho ông hai đứa con.
Mùa hè năm 1972, với hạnh phúc giản dị trong mái ấm nhỏ bé, Thanh Tùng đã viết bài thơ “Thời hoa đỏ” để tặng vợ mình. Những câu thơ trào ra từ rạo rực hiện tại và thổn thức quá khứ: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khoa/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng cho lòng ta yên/ Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa/ Em hát một câu thơ cũ/ Cái say mê một thời thiếu nữ/ Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ…”.
Tình yêu với Thanh Nhàn là một miền cảm xúc thiêng liêng của Thanh Tùng. Tình yêu ấy quá lớn lao đối với ông. Tình yêu ấy khiến ông thăng hoa và tình yêu ấy cũng khiến ông chới với. Thanh Tùng dâng hiến tất cả cho tình yêu ấy, nhưng ông không có cách nào níu giữ tình yêu ấy. Sự có mặt của hai đứa con Thi và Hương, cũng không thể nào giúp Thanh Tùng dùng… thơ để chống đỡ sự đổ vỡ khó lường: “Sau bài hát rồi em lặng im/ Cái lặng im rực màu hoa đỏ/ Anh hiểu mình vô nghĩa đi bên em”.
Tình yêu có lối riêng để tìm đến thì tình yêu cũng có đường riêng để ra đi. Chẳng thể rạch ròi ai có lỗi, khi mỗi người đều mang một trái tim đau khổ với những nhịp đập rối bời. Cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi như một cái chớp mắt xót xa của số phận. Chia tay Thanh Nhàn, bao nhiêu hụt hẫng và cay đắng cừ dày vò tâm hồn thi sĩ Thanh Tùng. Nghẹn ngào trong nước mắt lặng thầm và loay hoay trong men rượu u uất, Thanh Tùng vụt ra những câu thơ an ủi chính mình những ngày thất tình: “Em đã để lại trong tim tôi một mũi dao/ Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút/ Tôi mang nó suốt đời còn em thì không biết/ Những mùa thu ướt máu vẫn đi về/ Bây giờ mọi thứ thuốc đều vô hiệu/ Tôi chữa bằng rượu thôi/ Hết rượu rồi tôi uống cả mùa thu/ Cả những chiều đông lướt thướt/ Xong, lại tự nhấn sâu thêm nữa/ Mũi dao ngày xưa/ Nhưng có sao khi trái tim tôi cũng thành bình rượu/ Cả mũi dao kia cũng đã say mèm”.