Các nhà vận động cho biết danh tiếng của ngành nông nghiệp Anh đang bị đe dọa sau khi nước này không tuân theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) trong việc hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh ở những động vật khỏe mạnh.
Sử dụng kháng sinh là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng thuốc, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người và động vật. Giảm sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi được coi là rất quan trọng, với khoảng 2/3 số lượng thuốc kháng sinh trên toàn cầu được sử dụng cho động vật.
Kể từ ngày 28/1, lệnh cấm sử dụng thuốc kháng sinh đối với các nhóm động vật khỏe mạnh có hiệu lực trên toàn EU. Do đó, nông dân châu Âu sẽ chỉ có thể sử dụng kháng sinh như một biện pháp phòng ngừa trong những trường hợp ngoại lệ khi có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao, và cũng chỉ được sử dụng với từng cá thể động vật.
Các bộ trưởng của Vương quốc Anh trước đây đã từ chối cam kết cấm hoàn toàn việc sử dụng phòng ngừa - còn được gọi là “sử dụng dự phòng”. Lần từ chối gần nhất của Vương quốc Anh là vào năm 2018, khi Bộ trưởng Nông nghiệp George Eustice nói với các nghị sĩ rằng Vương quốc Anh dự định "thực hiện các hạn chế đối với việc sử dụng thuốc kháng sinh theo cách phòng ngừa".
Đáp lại yêu cầu bình luận, người phát ngôn của Cục Thuốc thú y của chính phủ cho biết họ sẽ đưa ra các thay đổi quy định được đề xuất như một phần của cuộc tham vấn cộng đồng trong năm 2022. Đại diện chính phủ Anh không trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có đề xuất lệnh cấm hay không.
“Chúng tôi cam kết giảm việc sử dụng kháng sinh không cần thiết ở động vật và chúng tôi vẫn có ý định tăng cường luật pháp quốc gia trong lĩnh vực này”.
Phần lớn thuốc kháng sinh trong nông nghiệp ở Anh được sử dụng trong lĩnh vực chăn nuôi lợn và gia cầm, và việc sử dụng thuốc kháng sinh trong cả hai lĩnh vực nà đều đã giảm đáng kể , với tổng lượng sử dụng kháng sinh trên tất cả các trang trại giảm 52% từ năm 2014 đến năm 2020.
Nhưng các nhà vận động cho biết có thể đạt được mức giảm sử dụng thuốc kháng sinh nhiều hơn nếu các phương pháp điều trị theo nhóm phòng ngừa bị cấm.
“Nông dân Anh đã đạt được tiến bộ tốt trong việc cắt giảm việc sử dụng kháng sinh của họ", Cóilín Nunan, từ Liên minh Cứu trợ Thuốc kháng sinh của chúng ta (Alliance to Save Our Antibiotics) cho biết , “nhưng việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn ở Anh vẫn cao hơn 2,5 lần so với ở Đan Mạch và ở Hà Lan.
“Chính phủ không thể tuyên bố mình là người dẫn đầu thế giới khi Vương quốc Anh là một trong những quốc gia duy nhất ở Tây Âu cho phép hợp pháp sử dụng thuốc kháng sinh thường xuyên trong điều trị hàng loạt cho vật nuôi”, Nunan khẳng định.
Richard Griffiths, Giám đốc điều hành của Hội đồng Gia cầm Anh, cho biết cách tiếp cận tự nguyện hiện tại đã đưa Vương quốc Anh vượt lên trên hầu hết các nước EU.
“Chúng tôi được công nhận là quốc gia đề xuất hàng đầu về việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, vì vậy tôi không nghĩ rằng chúng tôi có nguy cơ bị tụt lại phía sau bất kỳ quốc gia nào", ông nói.
“Một phần lớn thành công của chúng tôi là dựa vào sự tin tưởng của các đồng nghiệp thú y để đưa ra các đánh giá chuyên môn cho từng trường hợp cụ thể và sau đó tổng hợp những gì đã biết được. Các kiểm soát bắt buộc là không cần thiết vào thời điểm này và sẽ là một công cụ quá cùn cho một chủ đề cực kỳ phức tạp”, Griffiths bổ sung.
Cat McLaughlin, Chủ tịch của Liên minh sử dụng thuốc có trách nhiệm trong nông nghiệp (Responsible Use of Medicines in Agriculture (Ruma) Allianc), cho biết “sẽ luôn xuất hiện một số trường hợp và điều kiện không thể tránh khỏi việc điều trị các nhóm động vật để giúp bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của chúng".
“Liên minh sử dụng thuốc có trách nhiệm trong nông nghiệp tin rằng điều quan trọng là các bác sĩ thú y phải có sẵn các loại thuốc để giải quyết bệnh tật và đảm bảo sức khỏe và phúc lợi cho động vật, tuân theo các nguyên tắc sử dụng có trách nhiệm: càng ít càng tốt, nhưng nếu cần càng nhiều càng tốt, vào đúng thời điểm và trong tình huống phù hợp”, McLaughlin phát biểu.