| Hotline: 0983.970.780

Áp thuế chống bán phá giá 42,99% với đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN

Thứ Ba 02/08/2022 , 10:35 (GMT+7)

Các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar có nguồn nguyên liệu từ Thái Lan sẽ bị áp mức thuế 42,99%, theo Bộ Công thương.

Đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar sẽ bị áp thuế chống bán phá giá.

Đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar sẽ bị áp thuế chống bán phá giá.

Ngày 1/8, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.

Theo đó, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar, nếu sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan, sẽ bị áp cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan.

Tổng mức thuế áp dụng là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. 

Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia kể trên, nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia sở tại, sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.

Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày Quyết định được ban hành cho đến ngày 15 tháng 6 năm 2026, trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo các quyết định khác.

"Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được ban hành trên cơ sở quá trình điều tra được thực hiện một cách khách quan, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế", Bộ Công thương thông tin.

Cũng theo Bộ Công thương, các nội dung của kết luận điều tra đã được gửi trước đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng như nhiều doanh nghiệp để tham gia ý kiến. Biện pháp này nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía.

Thời gian tới, Bộ Công thương cam kết phối hợp Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và các cơ quan hữu quan để theo dõi, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả... của các sản phẩm đường. Từ đó, tiếp tục triển khai công cụ quản lý phù hợp nhằm hài hòa lợi ích giữa người dân trồng mía, doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ đường, cũng như người tiêu dùng.

Trước khi ban hành Quyết định số 1514, Bộ Công thương đã 2 lần gia hạn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ sản phẩm đường mía của Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Lần một diễn ra hồi tháng 3/2022 và kết thúc vào ngày 21/5. Lần hai kết thúc điều tra vào ngày 21/7.

Trên cơ sở thu thập, tổng hợp thông tin và ý kiến do các bên liên quan cung cấp, Bộ Công thương kết luận việc sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm đường mía sang Việt Nam của các doanh nghiệp từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng nhập khẩu đường được khai báo có xuất xứ từ 5 nước ASEAN nói trên trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan (từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 09 tháng trước đó.

Cụ thể, lượng nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) và các đơn vị liên quan đã chủ động vào cuộc. Trên cơ sở tham vấn, hỗ trợ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng như ngành sản xuất đường mía trong nước, Bộ Công thương triển khai thu thập thông tin, số liệu, xây dựng hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, trước khi ban hành Quyết định.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất