| Hotline: 0983.970.780

Bất hợp lý vụ điều tra chống bán phá giá mật ong của Hoa Kỳ

Thứ Ba 19/04/2022 , 06:31 (GMT+7)

Phương pháp Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp dụng trong điều tra chống bán phá giá đối với mật ong của Việt Nam không đảm bảo tính công bằng.

Gần đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong thô nhập khẩu từ Việt Nam và một số quốc gia như Ấn Độ, Ukranie, Argentina, Brazil. Theo đó, biên độ bán phá giá của các nhà xuất khẩu mật ong Việt Nam được xác định từ 58,74% - 61,27%. Nhân sự kiện này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT).

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT).

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT).

Mức thuế cao bất hợp lý

Ông đánh giá thế nào về kết luận gần đây của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc điều tra chống bán phá giá mật ong xuất khẩu của Việt Nam?

Ngày 8/4/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong thô nhập khẩu từ Việt Nam và một số quốc gia (Ấn Độ, Ukranie, Argentina, Brazil).

Theo đó biên độ bán phá giá của các nhà xuất khẩu mật ong Việt Nam được xác định từ 58,74 - 61,27% (Công ty Mật ong Daklak 58,74%, Công ty Ban Mê Thuột 61,27%; các công ty khác của Việt Nam 60,03%). Đây là thành công đáng kể của ngành mật ong Việt Nam để tiếp tục tiếp cận thị trường Hoa Kỳ nếu so với các kết luận trước đó của DOC.

Trước đó, ngày 18/5/2021, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với mật ong nhập khẩu từ 5 quốc gia (Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Việt Nam). Đến ngày 18/11/2021, DOC đã công bố kết luận sơ bộ vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong của Việt Nam.

Theo đó, căn cứ theo biên độ bán phá giá và kết luận thiệt hại sơ bộ của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), DOC đã ban hành lệnh áp thuế tạm thời với mức thuế lên đến 413,99%.

Nguyên nhân dẫn đến mức thuế cao bất hợp lý này là do phương pháp tính toán của DOC. Ảnh: Tùng Đinh.

Nguyên nhân dẫn đến mức thuế cao bất hợp lý này là do phương pháp tính toán của DOC. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại sao phía Hoa Kỳ lại có kết luận sơ bộ rất bất lợi như vậy cho ngành mật ong Việt Nam? Nếu áp dụng mức thuế trên 400% sẽ có tác động thế nào đến ngành mật ong Việt Nam?

Nguyên nhân dẫn đến mức thuế cao bất hợp lý này là do phương pháp tính toán của DOC khi sử dụng giá nhập khẩu mật ong thành phẩm từ mật hoa vào Ấn Độ để so sánh với giá mật ong thô từ dịch lá của Việt Nam xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Việc so sánh này không đảm bảo tính công bằng và không phù hợp với quy định tại Hiệp định Chống bán phá giá của WTO do hai sản phẩm này không phải là sản phẩm tương tự khi so sánh, tính toán.

Đây là mức thuế quá cao và quá bất hợp lý, không phản ánh đúng thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh mật ong của Việt Nam. Đây cũng là mức thuế cao nhất mà DOC áp cho sản phẩm mật ong xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Trên thực tế với mức thuế này, các doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục xuất khẩu và thị trường Hoa Kỳ xem như đã đóng cửa với sản phẩm mật ong Việt Nam.

Tại Việt Nam, ước tính có trên 1,74 triệu đàn ong với 3,5 vạn lao động nuôi ong và 31 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào Hoa Kỳ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam bộ. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 60 ngàn tấn mật ong và nhiều sản phẩm khác từ ong (như sáp ong, keo ong), trong đó khoảng 90% được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Giá xuất khẩu mật ong của Việt Nam cạnh tranh là do lợi thế về cây nguồn mật từ rừng trồng, thời tiết mùa vụ cho phép thời gian thu hoạch lên đến 7-8 tháng/năm, giống ong và kỹ thuật tốt nên chất lượng đảm bảo đáp ứng được thị hiếu của phân khúc công nghiệp chế biến thực phẩm của Hoa Kỳ.

Người dân Hoa Kỳ đã tin dùng và ủng hộ mật ong Việt Nam liên tục trong 30 năm qua. Vì vậy quyết định này của DOC sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ sản xuất và đời sống của nông dân Việt Nam, mà còn ảnh hưởng lớn đến phân khúc chế biến và người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Việt Nam ước tính có trên 1,74 triệu đàn ong với 3,5 vạn lao động nuôi ong và 31 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào Hoa Kỳ. Ảnh: Tùng Đinh.

Việt Nam ước tính có trên 1,74 triệu đàn ong với 3,5 vạn lao động nuôi ong và 31 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào Hoa Kỳ. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngành mật ong có đóng góp quan trọng để bảo vệ môi trường sinh thái và sinh kế của người nghèo. Sự thụ phấn của ong có khả năng góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển đa dạng của các loài thực vật, giúp cải thiện chất lượng không khí và tăng khả năng phục hồi cây trồng sau khai thác.

Ngược lại, sức khỏe của ong và bầy của chúng đạt mức độ tốt nhất ở các khu vườn và rừng đa dạng sinh học. Hơn thế nữa, nếu DOC áp dụng mức áp thuế chống phá giá trên 400%, đồng nghĩa với việc ngành ong mật Việt Nam phải tạm thời ngưng sản xuất do mất đi thị trường chủ đạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người nuôi ong gắn liền với tài nguyên rừng tại các vùng khó khăn.

Điều này đi ngược với chủ trương và cam kết bảo vệ môi trường và công bằng xã hội toàn cầu mà phía Hoa Kỳ và Việt Nam đã tích cực ủng hộ trong thời gian qua. Hàng trăm kênh truyền thông quốc tế đã lên tiếng phản ánh sự bất hợp lý trong các quyết định của DOC.

Làm gì để bảo vệ người nuôi ong?

Kể từ khi phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá với mật ong xuất khẩu của Việt Nam, Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đã có những hoạt động gì để bảo vệ, hỗ trợ người nuôi ong?

Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố khởi xướng điều tra vào tháng 5/2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ nêu quan ngại, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ xem xét lại mức thuế chống bán phá giá khi ra kết luận chính thức.

Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan để bàn bạc các giải pháp bảo vệ và hỗ trợ người nuôi ong và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mật ong của Việt Nam.

Hiệp hội Mật ong Việt Nam đã tích cực vào cuộc, phối hợp với các doanh nghiệp hoàn tất câu hỏi điều tra, tham dự các phiên điều trần, làm việc với luật sư để xây dựng phương án đấu tranh với DOC thay đổi cách tính giá thành sản phẩm trên cơ sở giá tham chiếu của Ấn Độ, cung cấp bổ sung thông tin cho DOC.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan để bàn bạc các giải pháp bảo vệ và hỗ trợ người nuôi ong và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan để bàn bạc các giải pháp bảo vệ và hỗ trợ người nuôi ong và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục triển khai công việc gì để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và thúc đẩy phát triển ngành mật ong bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân?

Dự kiến, ngày 23/5/2022, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) sẽ có kết luận về việc sản phẩm mật ong nhập khẩu bán phá giá có gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước hay không.

Nếu USITC khẳng định là có, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế với mức thuế tương đương biên độ phá giá đã kết luận (58,74 - 61,27%). Mặc dù mức thuế suất này đã giảm rất nhiều so với mức sơ bộ được đưa ra nhưng vẫn còn cao so với mức áp thuế của Hoa Kỳ cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Ấn Độ, Ukranie, Argentina, Brazil. Chúng ta vẫn cần tiếp tục tích cực đàm phán và chuẩn bị sẵn các phương án để xử lý vấn đề này.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được cho tới nay, ngành mật ong rất cần lưu ý một số việc sau đây:

- Nghiên cứu bài bản về chi phí sản xuất, phát triển chuỗi giá trị ngành ong để đảm bảo nguồn số liệu tin cậy, sẵn sàng cho kỳ đánh giá của DOC trong các bước tiếp theo.

- Phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu phía Hoa Kỳ để tìm hiểu chặt chẽ luật pháp, chính sách, quy định và các rủi ro có thể xảy ra khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng vệ thương mại khi có biến cố xảy ra. Các Bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mật ong để có cơ chế tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người sản xuất và doanh nghiệp nhỏ khi đàm phán, xử lý tranh chấp quốc tế.

- Đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chính sách đầu tư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi đến năm 2030, bao gồm ngành sản xuất ong mật và các biện pháp hỗ trợ phát triển ngành ong trong thời gian tới; xây dựng chiến lược phát triển ngành ong của Việt Nam, tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm và thị trường.

- Thúc đẩy xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm mật ong, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường.

Theo tôi, đây cũng là kinh nghiệm rất đáng học hỏi cho các ngành hàng nông sản khác của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.