| Hotline: 0983.970.780

ASF - Đại dịch chăn nuôi xuyên thế kỷ

Thứ Hai 24/06/2019 , 13:10 (GMT+7)

Xuất hiện cách đây gần 100 năm, virus dịch tả lợn Châu Phi - ASF là nỗi kinh hoàng với những người chăn nuôi lợn do không có cách phòng ngừa tỷ lệ tử vong là 100% khi nhiễm bệnh.

Lịch sử ngành chăn nuôi thế giới từng trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm như đại dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc hay bệnh bò điên… Tuy nhiên, với đại dịch tả lợn châu Phi (ASF) thì con virus này đã tồn tại xuyên thế kỷ, khi lần đầu xuất hiện vào năm 1921 và hiện vẫn đang hoành hành ở hầu khắp các châu lục gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp chăn nuôi.

Với mong muốn có một cái nhìn tổng thể và có hệ thống về lịch sử hình thành, tồn tại, cơ chế lây lan cũng như các giải pháp đối phó ASF ở nhiều quốc gia, nongnghiep.vn xin khởi đăng loạt bài tư liệu dài kỳ “ASF- Đại dịch chăn nuôi xuyên thế kỷ”, nhằm xâu chuỗi các diễn biến chính của đại dịch nguy hiểm này.

 

 

Virus ASF gây tỷ lệ chết lên tới 100% đối với lợn

Phần I: Truy nguyên bệnh dịch

Bài 1: ASF là gì?

 

Virus cực độc và sống dai

Theo Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Virus gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, có khả năng chịu được nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút, 70 độ C trong 20 phút, 100 độ C trong 1 phút. Ngoài ra, lợn khỏi bệnh có khả năng mang virus trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời.

Người dân Trung Quốc đưa lợn chết do dịch tả đi xử lý.

Hóa chất để diệt virus dịch tả lợn châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng Sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2.3% hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.

Về cơ chế lây lan, ASF có thể truyền trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn lành do quá trình tiếp xúc hoặc một số vật trung gian như lợn rừng hoặc một số côn trùng. Ngoài ra, virus ASF có thể tồn tại hàng tháng trong thịt chế biến và lên đến hàng năm trong thịt đông lạnh nên các loại thịt thành phẩm cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm lây lan giữa các quốc gia.

Theo The Guardian, những trường hợp lây lan đầu tiên được cho là do mang mẫu thịt lợn nhiễm bệnh từ Đông Phi đến Georgia. Tương tự, nhiều trường hợp lây lan giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng do các sản phẩm được làm từ thịt lợn bệnh.

Lợn bệnh ở thể cấp tính thường có những dấu hiệu như sốt cao, bỏ ăn, nằm nghiêng, tăng tần số hô hấp, nôn và chảy nước mắt, nước mũi. Lợn xuất hiện những đám hoặc nốt xuất huyết ở tai, bụng, bẹn, đuôi và chân sau đó là các triệu chứng liên quan tiêu hóa.

Mặc dù không lây qua người nhưng virus ASF nguy hiểm bởi sau gần 100 năm xuất hiện, đến nay vẫn chưa có vacxin phòng ngừa và tỷ lệ lợn chết sau khi nhiễm bệnh là 100%, gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Ngoài ra, theo bác sỹ  Gennady Onishchenko, lãnh đạo Cơ quan dịch tễ Nga, sinh lý của người có nhiều nét tương đồng với sinh lý lợn nên vẫn phải đề phòng các biến thể của ASF có thể gây bệnh cho người.
 

Đối phó ASF thế nào?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc - FAO, người nuôi lợn phải khai báo bất kỳ trường hợp đáng ngờ nào (lợn chết hoặc còn sống) cho cơ quan thú y vì đặc điểm của dịch là không chết cả đàn, mà chết từ từ. Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi và tại các chợ như thường xuyên.

Nhân viên y tế Trung Quốc xử lý lợn chết do ASF.

Ngoài ra, không cho khách tới thăm khu nuôi, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với đàn lợn. Không tặng hoặc bán lợn chết cho người khác và không dùng lợn bệnh làm thức ăn cho động vật. Không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn nhà hoặc lợn rừng (sản phẩm làm tại nhà) ra, vào vùng có dịch.

Khi lợn nhiễm bệnh ASF, cần tổ chức tiêu hủy bằng phương pháp chôn đúng kỹ thuật và cách ly chuồng trại, tạm ngưng tái đàn, tổ chức khử trùng tiêu độc thường xuyên nhằm chuẩn bị tốt nhất khi được phép tái đàn. Đồng thời, cần thay đổi thói quen sử dụng thức ăn dư thừa từ các cơ sở sản xuất - chế biến, chợ và quán ăn cho lợn ăn trực tiếp…

Đối với người tiêu dùng, FAO cho rằng, cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn; không tới thăm khu chăn nuôi lợn đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng. Khi thấy lợn chết, phải báo cáo cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương. Không mang lợn hoặc các sản phẩm thịt lợn ra nước ngoài, nếu đưa hãy khai báo hoặc hỏi các cơ quan chức năng trước để trách bị phạt.

Trong khi đó, để nhận biết thịt lợn nhiễm tả, Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế cho biết, lợn có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ ra, lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.