| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi gia cầm EU trước nguy cơ gãy đổ

Thứ Hai 09/01/2023 , 10:21 (GMT+7)

Sản xuất gia cầm tại châu Âu đã giảm gần 1% trong năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục âm 0,4% trong năm nay do chi phí tăng cao và dịch cúm hoành hành.

Việc sử dụng ánh sáng đèn LED có thể tiết giảm nhu cầu sử dụng điện, nhưng nó không hề dễ lắp đặt trong hệ thống chuồng trại hiện nay. Ảnh: Bert Jansen

Việc sử dụng ánh sáng đèn LED có thể tiết giảm nhu cầu sử dụng điện, nhưng nó không hề dễ lắp đặt trong hệ thống chuồng trại hiện nay. Ảnh: Bert Jansen

Báo cáo Triển vọng ngắn hạn của Ủy ban châu Âu vừa công bố cho biết thông tin ảm đạm này, bất chấp ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm trong khu vực nhận được hỗ trợ tương đối so với các loại thịt khác. Đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát tăng cao và việc nới lỏng các biện pháp giới hạn, liên quan đến đại dịch Covid-19, cùng với xu hướng cởi trói nhu cầu của các dịch vụ thực phẩm. Điều này đã giúp các nước sản xuất gia cầm lớn như Ba Lan, Tây Ban Nha và Đức trong suốt nửa đầu năm 2022.

Tuy nhiên, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao cộng với những ảnh hưởng tàn phá của dịch cúm gia cầm lây lan mạnh và hoành hành tại nhiều nơi trong suốt năm ngoái đã gây ra những vấn đề thực sự ở nhiều quốc gia châu Âu (EU), trong đó đáng chú ý là Italia, Pháp và Hungary, những nơi sản xuất gia cầm đã sụt giảm tới 11%.

Mặc dù vậy báo cáo cho biết, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm trong nội khối dự kiến ​​sẽ vẫn ổn định trong năm 2023, trung bình dao động trong khoảng 23,3 kg trên đầu người.

Bên trong một trang trại sản xuất gia cầm ở Hà Lan. Ảnh: Hans Princes

Bên trong một trang trại sản xuất gia cầm ở Hà Lan. Ảnh: Hans Princes

Báo cáo cho biết, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm đang phụ thuộc nhiều vào ngô như một nguồn thức ăn chăn nuôi chính, trong khi vụ thu hoạch kém của năm 2022 và nguồn cung bấp bênh từ vựa ngũ cốc đang khủng hoảng Ukraine đã dẫn đến sự gia tăng chi phí.

Sự kết hợp giữa nhu cầu mạnh, nguồn cung khan hiếm, chi phí đầu vào tăng cao trong bối cảnh lạm phát chung đã dẫn đến giá gia cầm tăng cao đột biến, cao hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2017-2021 (+38% từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái).

Xuất khẩu gia cầm của các quốc gia châu Âu sang Vương quốc Anh được thống kê tăng 20% ​​vào năm 2022, tuy nhiên giá thành sản xuất của khối này cao hơn đã giúp các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như Brazil, giành được một số thị phần của EU ở những nơi khác, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á.

Các con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, Brazil ​​đã lấn sân thị phần xuất khẩu thêm khoảng 35% lĩnh vực gia cầm sang EU trong năm 2022, trong khi Ukraine, được hưởng lợi từ việc đình chỉ áp thuế do chiến tranh đang diễn ra với Nga, cũng đã xuất khẩu sang EU với khối lượng cao hơn so với năm 2021. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023.

Những lo ngại về sự gián đoạn sản xuất có thể kéo dài trong ngành chăn nuôi gia cầm đang được nông dân và các nhà phân tích trên khắp châu Âu lên tiếng. “Toàn bộ ngành công nghiệp của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí nguyên vật liệu và năng lượng tăng cao. Nếu tiếp tục tắc nghẽn dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị thì nguy cơ mất khả năng cung cấp đủ thịt gia cầm cho người dân, hoặc chỉ ở một mức độ rất hạn chế”, ông Michael Steinhauser, người đứng đầu bộ phận truyền thông ngành chăn nuôi Đức cảnh báo.

Mariusz Szymyślik, nhà phân tích cấp cao về gia cầm và thức ăn chăn nuôi tại Ba Lan cũng than thở về sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng gà đẻ trong nước vào cuối năm 2022, với lý do số lượng gà con một ngày tuổi được sản xuất thấp hơn bất thường trong vài tháng qua. Ông Szymyslik cho rằng, điều này cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng thiếu trứng trên thị trường.

“Các nhà chăn nuôi của chúng tôi đã báo hiệu rằng việc sản xuất có thể bị đóng cửa vào mùa đông. Điều này áp dụng cho cả trại giống và trang trại sản xuất trứng cũng như gà thịt”, Anna Zubków, phát ngôn viên Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Ba Lan cho biết.

Tại Cộng hòa Séc, theo báo cáo của Gabriela Dlouhá, chủ tịch hội đồng của Liên minh Gia cầm Séc-Moravian, giá năng lượng trung bình tại các trang trại gia cầm đã tăng 250% kể từ đầu năm 2022. Trong tình hình hiện tại, các nhà cung cấp năng lượng đang tiếp tục hạn chế ký hợp đồng dài hạn với nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm- điều này làm tăng thêm sự không chắc chắn và khiến người chăn nuôi gia cầm nản lòng.

Ông Dlouhá dẫn số liệu một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, 52% người chăn nuôi gia cầm đang có kế hoạch thu hẹp quy mô sản xuất và 6% sẽ ngừng hoạt động trong vòng vài tháng tới.

(Poultryworld)

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.