Vụ tai nạn giao thông gây ra cái chết ở tuổi 52 cho ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vào sáng 29/3, càng khiến nhiều người thêm âu lo về chất lượng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Thông xe từ năm 2010 với kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau một giai đoạn ngắn sử dụng đã xuất hiện rất nhiều ổ voi, ổ gà. Việc quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương càng lộ rõ bất cập khi đơn vị mua lại quyền thu phí là Công ty Yên Khánh đánh tráo phần mềm thu phí để gian lận 725 tỷ đồng, dẫn đến khởi tố vụ án chiếm đoạt tài sản Nhà nước.
Từ năm 2018 đến nay, đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương tạm ngừng thu phí, và Trung tâm Giám sát với các thiết bị thông minh gồm phần cứng, phầm mềm từng được trang bị ước tính 38 triệu USD cũng liên tục hỏng hóc. Chỉ tính riêng 2 năm 2020 và 2021, ngân sách đã phải chi 127 tỷ đồng để sửa chữa và bảo dưỡng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Thế nhưng, chất lượng thực sự của tuyến cao tốc này vẫn là ẩn số đáng băn khoăn.
Vụ tai nạn giao thông khiến ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tử vong, được xác định là do xe bị nổ lốp sau. Xe chở lãnh đạo đô thị lớn, chắc chắn được kiểm định thường xuyên, không thể di chuyển bằng vỏ lốp cũ mòn. Cho nên, một nguyên nhân phải được tính đến, chính là mặt đường xấu đã tác động vào vỏ lốp. Dĩ nhiên, tốc độ của chiếc xe khi chạy trên cao tốc cũng là một yếu tố cộng hưởng cho kết cục đau lòng.
Trường hợp thương tâm của ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM không phải ngoại lệ tiếc nuối trong thời gian gần đây. Bộ Giao thông và Vận tải từng thống kê, sau hai năm ngừng thu phí, lượng xe đổ vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tăng hơn 31%, xảy ra 273 vụ tai nạn làm 16 người chết, 68 người bị thương. Vậy thì, tại sao không sớm có biện pháp hữu hiệu hơn để giải quyết bài toán an toàn của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương?
Chất lượng đường cao tốc không chỉ trông cậy duy nhất vào sự tồn tại hoặc không tồn tại trạm thu phí. Cơ chế vận hành cần phải đảm bảo từ quá trình thi công cho đến công tác duy tu và giám sát. Xe siêu trường siêu trọng lấn làn trên đường cao tốc, hoặc xe biển xanh chạy bạt mạng trên đường cao tốc, không thể chờ “phạt nguội” mà cần xử lý dứt khoát kịp thời qua hệ thống camera theo dõi, trước khi tạo hậu quả tàn khốc.
Đã có nhiều lời ca thán đối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhưng vẫn chưa thấy động thái mạnh mẽ tích cực từ các cơ quan có trách nhiệm. Nếu không sớm chấn chỉnh chất lượng, thì sự kết nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ có nhiều trở ngại cho cơ hội giao thương thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bởi lẽ, trong dịp tết Nhâm Dần vừa qua, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoạt động tạm thời cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như biển báo rối rắm, không có làn dừng khẩn cấp và tốc độ tối đa chỉ cho phép 80km/h.