Trong phiên tòa chiều 17/9, trước cáo buộc lợi dụng mối quan hệ tình cảm với bị cáo Nguyễn Thành Tài, khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP, để trục lợi, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (nguyên Chủ tịch 2 công ty là Hoa Tháng Năm và Lavenue) trình bày: “Tôi tham gia dự án có sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền. Chúng tôi đã bỏ hàng trăm tỉ đồng vào dự án. Tôi là nhà đầu tư do Công ty Quản lý nhà mời hợp tác, ông Tài không cho tôi bất kỳ thứ gì cả”.
Về quá trình hợp tác với Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP, bị cáo Thúy khai, được bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty quản lý kinh doanh nhà (hiện đang bỏ trốn, Bộ Công an đã phát lệnh truy nã) là người cung cấp thông tin về chủ trương xây dựng khách sạn 5 sao trên khu đất này.
Sau khi gặp gỡ, bà Thủy ký nhiều công văn có nội dung trình UBND TP xem xét chấp thuận việc doanh nghiệp do bị cáo làm chủ hợp tác, đầu tư dự án tại số 8-12 Lê Duẩn.
Trước nhiều câu hỏi của luật sư về quá trình xây dựng dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn, bị cáo Thúy trình bày, công ty Hoa Tháng Năm đủ khả năng đầu tư dự án dù mới thành lập. Bị cáo tự tin vào khả năng tài chính của công ty và năng lực bản thân tại thời điểm tham gia dự án; đã có kinh nghiệm điều hành khu nghỉ dưỡng, khách sạn của gia đình ở TP.Hội An.
Đồng thời, bà chủ công ty Hoa Tháng Năm nói về kế hoạch xây dựng dự án khách sạn 5 sao và cho biết sẽ mời chuyên gia nước ngoài thiết kế, tư vấn…Tuy nhiên, bị cáo Thuý cho rằng đầu tư dự án 8-12 Lê Duẩn là việc làm mạo hiểm.
Trước đó, trong phiên tòa sáng 17/9, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài) hỏi đại diện Ban Chỉ đạo 09 (Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại TPHCM) về chủ trương liên quan đến khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn.
Đại diện Ban chỉ đạo trả lời, khu đất 8-12 Lê Duẩn được giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM thực hiện dự án, tìm kiếm đối tác hợp tác. Việc định giá vận hành theo đúng quy trình pháp luật thời điểm đó và dựa trên cơ sở kết cấu đầu vào và quy định pháp luật.
Ban Chỉ đạo 09 cho biết thêm, Bộ Công thương từng có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ đối với 4 doanh nghiệp trực thuộc Bộ này, để có thể mua chỉ định hoặc thuê dài hạn khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Văn bản này là cơ sở để UBND TP chấp thuận chỉ định Công ty CP Hòn Ngọc Viễn Đông làm nhà đầu tư dự án, trên cơ sở liên doanh với các công ty khác.
Trình bày trước tòa về quy trình thực hiện giao, cho thuê khu đất, bị cáo Nguyễn Thành Tài khẳng định bản thân không chịu sức ép từ chủ trương. “Mục đích chính mà bị cáo hướng tới trong suốt quá trình chỉ đạo liên quan đến khu đất 8-12 Lê Duẩn là làm sao đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân cho rằng làm đúng chủ trương của thành phố”, bị cáo Tài nói.
Nói về việc Kết luận điều tra thống kê nhà nước thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng sau khi dự án số 8-12 Lê Duẩn được giao cho tư nhân, bị cáo Tài cho rằng việc đánh giá thiệt hại của kết luận điều tra chưa chuẩn, và không có thiệt hại. Bởi khu đất 8-12 Lê Duẩn chỉ cho thuê trong thời gian 50 năm nên Nhà nước không mất quyền sở hữu. Thời điểm giao đất, công ty Lavenue đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, mặc dù chưa được khai thác. "Trong quá trình thực hiện dự án, tôi không nhận được tham mưu về việc quyết định của mình là sai. Tất cả quyết định của tôi đều báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch UBND TP, Thường trực UBND TP và các sở ban ngành có liên quan. Tôi làm mọi việc vì lợi ích chung, không chịu áp lực từ chủ trương”, bị cáo Tài nói.
Đến cuối phiên xét xử buổi sáng, sức khỏe ông Tài không đảm bảo, nên trong phiên xử buổi chiều, ông Tài được tòa sắp xếp cho phép ngồi ở phía ngoài để theo dõi phiên tòa.
Chiều 17/9, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa đã trình bày phần luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Thành Tài bị đề nghị mức án từ 8 đến 9 năm tù; Lê Thị Thanh Thúy từ 7 đến 8 năm tù; Đào Anh Kiệt từ 6 đến 7 năm tù, tổng hợp với bản án trước là từ 12 năm 6 tháng đến 13 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoài Nam từ 5 đến 6 năm tù; Trương Văn Út từ 3 đến 4 năm tù, tổng hợp với bản án trước là từ 8 đến 9 năm tù.