| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 30/09/2019 , 09:27 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 09:27 - 30/09/2019

Bà cụ nhà quê và sự liêm sỉ

Mấy hôm nay, cả báo chính thống lẫn mạng xã hội đều tràn ngập lời ca ngợi, khâm phục cụ bà Đỗ Thị Mơ ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Cụ bà Đỗ Thị Mơ.

Cụ bà 83 tuổi này đã đạp xe lên UBND xã, yêu cầu xã rút tên mình khỏi danh sách hộ nghèo, vì “tôi ở một mình rất thoải mái, thích ăn gì thì ăn, thích tiêu gì thì tiêu. Ruộng của tôi rất rộng, những mấy sào, tôi cấy lúa, trồng rau, mỗi ngày cũng kiếm được năm sáu chục ngàn. Thu nhập của tôi còn cao hơn rất nhiều bà con khác. Tại sao lại bảo tôi nghèo?”.

Cái lý của cụ Mơ nghe thật chất phác, nhưng cũng thật kiên quyết, dứt khoát. Ai nghe được cũng thấy nể phục lòng tự trọng và sự liêm sỉ trong con người cụ.

Ai cũng biết, để được là hộ nghèo, là được nhà nước quan tâm, ưu tiên rất nhiều thứ như được miễn giảm tiền điện, tiền nước, được cấp sổ bảo hiểm y tế không mất tiền, được giao đất với giá ưu đãi, được vay vốn với lãi suất thấp... Vì thế, để được lọt vào danh sách hộ nghèo, phải qua sự bình chọn, xét duyệt rất nghiêm ngặt.

Và cũng vì thế, người ta tìm mọi cách để có được cái sổ hộ nghèo, dù không nghèo. Và một khi đã lọt được vào danh sách đó rồi thì nhất định không ra, dù đã thoát nghèo từ lâu, và khi “bị” đưa ra khỏi danh sách đó thì làm mình làm mẩy, kiện cáo lu bù.

Rồi rất nhiều cán bộ lãnh đạo khác đã lợi dụng chức quyền, ấn sổ hộ nghèo vào tay vợ con, họ hàng mình chỉ để được hưởng những ưu ái đó, như trường hợp lãnh đạo xã Bồ Lý, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), chẳng hạn.

Khi UBND huyện có chủ trương giao đất cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và giáo viên giảng dạy lâu năm trên địa bàn xã nhưng chưa có đất ở, mỗi hộ được giao 120m2. Xã Bồ Lý được duyệt 39 hộ. Nhưng trong số 39 hộ đó, có tới 17 suất là người nhà của lãnh đạo xã, dù họ chẳng bao giờ nghèo, có người thậm chí còn đang độ tuổi đi học, chưa lập gia đình...

Hay trường hợp ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Để được ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 0,6% đến 0,75%/năm, cán bộ xã đã khoác cái áo “hộ nghèo” lên rất nhiều hộ không nghèo, như hộ bà Đỗ Thị Kiểm (giáo viên mầm non) có chồng là cán bộ huyện đội huyện Anh Sơn, hộ bà Phạm Thị Tú, chủ tịch hội LHPN xã, chồng là phó chủ tịch UBND xã... Trong khi rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo khác trong xã, đang rất cần vốn để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, thì lại không được vay.

Thực ra, lợi dụng chức quyền để ấn sổ hộ nghèo vào tay vợ con hay người thân của mình, dù họ không nghèo, cũng là một hình thức tham nhũng, dù đó chỉ là tham nhũng vặt. Đã là tham nhũng, thì dù nhỏ hay lớn, cũng khiến nhân cách của con người bị hủy hoại, sự liêm sỉ không còn.

Không biết những người đó, khi soi vào tấm gương của cụ Đỗ Thị Mơ, có biết xấu hổ hay không?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm