Lập các chốt kiểm soát Covid-19
Năm 2021, khí hậu được đánh giá là thuận lợi cho sản xuất vải thiều tại Bắc Giang, dự kiến cả năng suất, sản lượng và chất lượng sẽ tăng cao. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tiêu thụ nông sản này.
Trước tình hình đó, ngày 13/5, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch sản xuất vải thiều đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19 nhằm giúp các vùng sản xuất tập trung loại nông sản này như: Lục Ngạn, Tân Yên sạch bệnh Covid-19, đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu, các ngành chức năng liên quan và một số địa phương có vải thiều lập chốt chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất tập trung, bao gồm các công đoạn như: Kiểm tra, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện ra vào vùng trồng vải thiều.
Mặt khác, tiến hành việc lập danh sách và kiểm tra y tế đối với tất cả các mã số vùng trồng vải, các trang trại, các tổ hợp tác, các hợp tác xã trồng vải và lập danh sách và kiểm tra y tế đối với các cơ sở đóng gói, sơ chế vải thiều trên địa bàn đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.
Đối với các lái xe và phương tiện tham gia vận chuyển tiêu thụ vải thiều trên địa bàn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19, lái xe phải được lấy mẫu xét nghiệm, khi có kết quả âm tính với Covid-19 và được cấp giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền và cho lưu hành.
Với các nhân công lao động từ các địa phương khác đến tham gia thu hái vải thiều, đóng gói, vận chuyển vải thiều phải được lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, ngành y tế và các địa phương phải đảm bảo không có trường hợp F1 tại vùng vải thiều tập trung Lục Ngạn.
Đẩy mạnh chỉ đạo sản xuất vải thiều đảm bảo chất lượng
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu các cơ quan đơn vị và địa phương liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các mã số vùng trồng, các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng vải trên địa bàn các biện pháp phòng dịch bệnh và sản xuất vải an toàn.
Chỉ đạo sản xuất vải thiều đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu mới như Nhật Bản, Mỹ, EU. Trong đó, đối với thị trường Nhật Bản: 30 mã số vùng trồng với diện tích 219 ha; thị trường EU và Mỹ: 18 mã số vùng trồng với diện tích 218 ha; thị trường Trung Quốc 149 mã số vùng trồng với diện tích 15.800 ha.
Mặt khác, nhanh chóng tiến hành giám sát chặt chẽ vùng sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón đảm bảo theo yêu cầu của các thị trường và phân tích dư lượng thuốc BVTV trước khi xuất khẩu, nhằm đảm bảo tất các lô quả vải xuất khẩu đều đảm bảo dư lượng thuốc BVTV theo quy định.
“Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, trong đó quan tâm các điều kiện để xuất khẩu vải thiều như: Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, cơ sở sơ chế, xông hơi khử trùng, tem nhãn, bao bì sản phẩm, công tác kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp, thương nhân vào liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vải thiều, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai sản xuất và tiêu thụ vải thiều”- Văn bản của UBND tỉnh Bắc Giang nêu.
Lập hồ sơ xác nhận sản xuất an toàn dịch Covid-19
Để chứng minh các lô vải thiều xuất đi các thị trường trong và ngoài nước đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các mã vùng sản xuất vải, người sản xuất, người thu hái, cơ sở đóng gói, người và phương tiện vận chuyển phải được được kiểm soát đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, đối với các mã số vùng trồng, trang trại, hộ sản xuất vải thiều phải có xác nhận của huyện về diện tích vải sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ... Với các mã vùng trồng được xác nhận thu hoạch từ các vùng an toàn dịch bệnh.
Đối với các cơ sở đóng gói trên địa bàn phải có xác nhận cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quả vải đưa vào sơ chế, đóng gói phải có xác nhận vải an toàn, có nguồn gốc được thu hái từ các mã số vùng trồng, phải có xác nhận cơ sở an toàn đối với dịch bệnh Covid-19.
Đối với các phương tiện tham gia vận chuyển quả vải thiều đi tiêu thụ phải có xác nhận người và phương tiện đã được kiểm tra an toàn dịch bệnh, phương tiện và hàng hóa đi từ vùng an toàn dịch bệnh, toàn bộ phương tiện và hàng hóa đã được phun khử khuẩn theo quy định.
“Các đơn vị và địa phương liên quan, ứng phó nhanh với các tình huống, quảng bá được thương hiệu các vùng vải tập trung như vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Tân Yên về chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng, không gây phiền hà, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, người lao động, các doanh nghiệp, thương lái, các phương tiện và dịch vụ để sản xuất và tiêu thụ vải thiều” – UBND tỉnh Bắc Giang Yêu cầu.
Năm 2021, diện tích vải đạt hơn 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.200 ha, sản lượng ước đạt 125.000 tấn; vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều xuất sang thị trường Nhật Bản đạt 219,45 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Vụ vải thiều năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, loại trái cây đặc sản này tại Bắc Giang vẫn được tiêu thụ tốt với mức giá ổn định, đem lại doanh thu gần 7.000 tỷ đồng.