| Hotline: 0983.970.780

Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Bắc Kạn mở cửa đón 'đại bàng về làm tổ'

Thứ Sáu 21/10/2022 , 14:51 (GMT+7)

Bắc Kạn là tỉnh vùng cao, địa hình chia cắt, nhưng khó khăn lại hóa tiềm năng về du lịch và phát triển nông nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa.

Hiệu quả được đánh giá từ thực tiễn

Nhiều năm trước, Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới chủ yếu là những dự án chế biến khoáng sản. Sau một thời gian, nhiều dự án không hiệu quả gây lãng phí đất, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Điển hình là các dự án đáp chiếu, bỏ hoảng hàng chục hecta đất như: Nhà máy Sắt xốp Bắc Kạn trực thuộc Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim) có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng; Khu liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/năm và Nhà máy nung tuyển quặng sắt công suất 600.000 tấn/năm của Công ty THH Vạn Lợi, với tổng mức đầu tư là hơn 1.030 tỷ đồng.

KCN Thanh Bình (12)

Một góc khu công nghiệp Thanh Bình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tuy nhiên trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực chất đến với địa phương, chuyển hướng thu hút các dự án chế biến sản phẩm từ nông, lâm sản. Hiện đã có một số lĩnh vực đã đi vào hoạt động ổn định, trong đó chế biến gỗ là lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định nhất. Theo thống kê, có 7 dự án sản xuất ván ép công nghiệp, ván dán và ván sàn đã đăng ký đầu tư và hoạt động tại Khu công nghiệp Thanh Bình.

1

Chế biến quả mơ vàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Việt Nam Misaki. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki cho biết: Tám tháng đầu năm 2022 sản lượng chế biến của công ty đạt hơn 400 tấn, doanh thu hơn 18 tỷ đồng, xuất khẩu đạt hơn 750.000 USD. Hiện nay, công ty giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 70 lao động, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Về vùng nguyên liệu, mỗi năm có hàng nghìn hộ dân liên kết với công ty.

Chỉ tính riêng năm 2021, giá trị từ các dự án chế biến nông, lâm sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của khu công nghiệp. Về lĩnh vực chế biến gỗ dán đã đạt sản lượng là hơn 100.446m3; chế biến nông sản như mơ, gừng, kiệu, củ cải,.. đạt gần 1.100 tấn; chế biến bột đá thạch anh là 16.000 tấn,... với tổng doanh thu hơn 1.030 tỷ đồng và đạt giá trị xuất khẩu hơn 32 triệu USD, thu nộp ngân sách hơn 28 tỷ đồng.

Nhà máy chế biến nông sản của Công ty TNHH Việt Nam Misaki ở khu công nghiệp Thanh Bình là ví dụ điển hình. Từ nguồn nguyên liệu tại địa phương, sản phẩm sau chế biến từ quả mơ, mận, củ gừng, rau cải đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Đón đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và du lịch

Theo ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn: Có 2 trọng tâm trong phát triển kinh tế được Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn xác định trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường liên kết sản xuất, chế biến với tiêu thụ sản phẩm; phát triển các cụm công nghiệp với trọng tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản,...; Thứ 2 là thu hút đầu tư vào du lịch, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực và uy tín đến với tỉnh.

Ngoài ra, theo ông Tuyên thì lĩnh vực truyền thống trước đây là khai thác, chế biến khoáng sản vốn được coi là tiềm năng của địa phương, đã không được còn ưu tiên là kinh tế mũi nhọn, mà thay vào đó là hướng đi mới, mang tính bền vững và phát huy được thế mạnh của địa phương, đem lại việc làm ổn định cho người dân (các lĩnh vực như đã nói ở trên).

12

Năm 2022, Bắc Kạn tiếp tục thu hút 11 dự án trồng và chế biến nông, lâm sản. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trên cơ sở đó, tại các huyện, thành phố đã có hàng trăm cơ sở chế biến gỗ khác, đặc biệt sản phẩm đũa dùng một lần đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Hầu hết các dự án chế biến lâm sản tại Bắc Kạn hoạt động có hiệu quả, tạo nhiều việc làm, thu nhập công nhân ổn định. Ngoài ra, số lượng các nhà đầu tư đề xuất tài trợ quy hoạch, đề nghị khảo sát, nghiên cứu dự án du lịch, nhất là tại Vườn quốc gia Ba Bể và vùng lân cận tăng đột biến.

Năm 2022, Bắc Kạn tiếp tục thu hút 11 dự án trồng và chế biến nông, lâm sản, chiếm hơn một nửa trong tổng số những dự án thu hút đầu tư của tỉnh. Đáng chú ý một số dự án quy mô lớn như: Dự án nhà máy chế biến, bảo quản các sản phẩm từ hoa quả có múi; Dự án trồng, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ tre, nứa, vầu…

Empty

Hồ Ba Bể, bức tranh "sơn thủy hữu tình" giữa đại ngàn Việt Bắc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xây dựng hạ tầng đón nhà đầu tư

Để “đại bàng về làm tổ”, tỉnh Bắc Kạn tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các tuyến đường để thu hút đầu tư. Sau khi tuyến Quốc lộ 3 mới từ Thái Nguyên đến Khu công nghiệp Thanh Bình đã đi vào hoạt động, đoạn còn lại từ huyện Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn đang chuẩn bị được đầu tư. Sau khi hoàn thiện, thời gian từ thủ đô Hà Nội đến thành phố Bắc Kạn sẽ được rút ngắn chỉ còn khoảng 2 tiếng.

Ngoài ra, tuyến đường trọng điểm từ đường du lịch thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể cũng đã khởi công, dự kiến hoàn thành trước năm 2024; hạ tầng giao thông quanh hồ Ba Bể; cùng nhiều dự án giao thông khác tạo thuận lợi liên kết Bắc Kạn với các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn và giao thông liên huyện, liên xã được nâng cấp, đầu tư.

cbc475820b5acc04954b

Đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể đang được khẩn trương thi công, là tiền đề để tỉnh Bắc Kạn đón các nhà đầu tư và du khách đến với hồ Ba Bể. Ảnh: Toán Nguyễn.

Năm 2022, tỉnh đầu tư cho 7 huyện, mỗi huyện khoảng 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, du lịch. Theo lộ trình, đến năm 2025, Bắc Kạn sẽ hoàn thành cơ bản hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm, khu du lịch tiềm năng, trọng tâm là hồ Ba Bể. Trong danh mục 67 dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025, hầu hết là các dự án cụm công nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, du lịch,... chỉ còn lại 2 dự án thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: Ngoài tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, tỉnh đang thu hút đầu tư đầu tư 7 cụm công nghiệp ở các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn. Riêng cụm công nghiệp ở thành phố Bắc Kạn cơ bản đã hoàn thành, đang mời gọi các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh. Đây là cơ sở để tỉnh thu hút các nhà đầu tư, phương châm là ưu tiên chế biến sâu nông, lâm sản, gia tăng giá trị, hạn chế thấp nhất bán nông, lâm sản dạng thô ra thị trường.

Về du lịch: Bắc Kạn có hồ Ba Bể là hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam và tốp 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Hồ nằm giữa Vườn Quốc gia Ba Bể, cảnh quan tuyệt đẹp nên thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hồ Ba Bể có giá trị rất lớn về du lịch, nhưng hiện tại chưa được đầu tư xứng tầm. Ngoài ra, Bắc Kạn có nhiều thắng cảnh quan đẹp khác và các khu di tích lịch sử, nên có tiềm năng phát triển du lịch là rất lớn.

Về phát triển nông nghiệp: Bắc Kan có trên 410.000 ha đất nông, lâm nghiệp, sản lượng gỗ khai thác hàng năm trên 63.000 m3. Diện tích cây cam, quýt hơn 2000 ha; Hồng không hạt khoảng 1000 ha; Diện tích trồng cây quế khoảng 5000 ha; Khoảng 6000 ha cây Hồi; Gần 1000 ha cây dong riềng/vụ… Đây là những vùng nguyên liệu chủ lực để tỉnh thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.