| Hotline: 0983.970.780

Rừng Bắc Kạn - 'thỏi nam châm' thu hút đầu tư

Thứ Ba 06/09/2022 , 08:25 (GMT+7)

Với nguyên liệu dồi dào từ hơn 102.000ha rừng trồng, làn sóng đầu tư vào chế biến gỗ của Bắc Kạn ngày càng sôi động và trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Lá phổi xanh của miền Bắc

Toàn tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích tự nhiên khoảng 4.860km2, với 100% là đất đồi núi, trong đó diện tích đất rừng chiếm 86%. Do vậy, phát triển kinh tế rừng được tỉnh Bắc Kạn xác định xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng phát triển kinh tế bền vững cho nhân dân. Nếu như trồng rừng sản xuất trước năm 2000 chủ yếu phụ thuộc vào các dự án như 327 và 661, nhưng nay đã thành phong trào phát triển rộng lớn trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ dân chủ động chuyển từ sản xuất nương rẫy sang trồng rừng.

gỗ 5

Trồng rừng đã đem lại thu nhập trung bình mỗi hộ dân ở nhiều địa phương của tỉnh Bắc Kạn từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Các cơ quan chuyên môn, các cấp cơ sở của tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều mô hình canh tác bền vững, hiệu quả; đưa các loài cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, chu kỳ sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái để có hiệu quả cao nhất. Chính vì thế, công tác trồng rừng trong những năm qua trên địa bàn tỉnh luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng năm 2021, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng được 5.156ha rừng, mục tiêu năm 2022 là 4.000ha, nâng tổng diện tích rừng trồng sản xuất trên toàn tỉnh Bắc Kạn đạt hơn 102.000ha.

Tổng sản lượng khai thác rừng trong giai đoạn 2016 – 2020 của Bắc Kạn là 724.203m3, sản lượng trung bình hàng năm 144.840m3. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, trồng rừng rất phù hợp với hộ nghèo, chỉ phải trồng năm đầu và mất ít ngày chăm sóc vào năm thứ 2, sau 6 – 10 năm cho thu hoạch từ 100 – 300 triệu đồng/ha tùy theo loại cây.

Từ năm 2020 đến nay, tổng sản lượng khai thác gỗ trung bình hàng năm của tỉnh Bắc Kạn đạt khoảng 260.000m3, giá bán bình quân 800.000 đồng/m3 trở lên. Như vậy, tổng giá trị thu từ khai thác lâm sản đạt hơn 200 tỷ đồng/năm. Kim ngạch xuất khẩu ván ép, ván thanh năm 2021 lên tới hơn 900 tỷ đồng. Sản phẩm gỗ rừng trồng được chế biến để xuất khẩu, nâng cao giá trị gỗ rừng.

Những cánh rừng được phủ xanh, tỉnh Bắc Kạn như "lá phổi xanh" tự nhiên của miền Bắc, giữ gìn nguồn nước, đảm bảo ổn định sản xuất cho những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Nngay tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trồng rừng đã đem lại thu nhập cao cho người dân vùng cao, đẩy lùi những tháng ngày đói nghèo lại phía sau.

gỗ 3

Hiện nay tỉnh Bắc Kạn có hơn 102.000ha rừng trồng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thu tiền tỉ nhờ rừng không còn hiếm

Đa phần người dân ở tỉnh Bắc Kạn cứ có đất là trồng rừng, nhiều nơi đã trồng tới chu kỳ rừng thứ ba, thứ tư và có thu nhập cao. Điển hình như ở huyện Chợ Mới, số hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/chu kỳ rừng nhiều không đếm xuể (một chu kỳ thường 7 – 8 năm), còn các gia đình nông thôn có thu nhập tiền tỷ từ rừng không còn là chuyện hiếm những năm gần đây.

Tại huyện Chợ Mới, có nhiều thôn, bản làng trước đây nghe qua đã thấy xa xôi, hẻo lánh và nghèo khó, nhưng đến nay đã thay đổi hoàn toàn. Khuôn Bang, một thôn vùng cao ở xã Như Cố (huyện Chợ Mới) là một điển hình như vậy. Cả thôn có 61 hộ dân, với hơn 95% là người dân tộc thiểu số, ngoài 4 hộ nghèo với lý do bất khả kháng (là bệnh tật, già cả và không có người lao động) thì 57 hộ dân còn lại của thôn đều là có kinh tế khá giả. Những căn nhà lụp, xiêu vẹo ở Khuôn Bang những năm trước 2010 giờ đây đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây to đẹp, những căn biệt thự hoành tráng nằm dựa vào những cánh rừng xanh bạt ngàn.

Ông Vũ Sơn Hà, Trưởng thôn Khuôn Bang chia sẻ: Phong trào trồng rừng ở Khuôn Bang khởi nguồn từ năm 1995, khi cán bộ đến vận đồng nhân dân trồng rừng theo Chương trình 327, được hỗ trợ cây giống và công chăm sóc, lúc đó chỉ có 10 hộ trồng theo. Đến năm 1996, thấy việc trồng rừng phát triển tốt nên cơ bản các hộ trong thôn cũng trồng theo. Đến nay, 100% người dân trong thôn trồng rừng và đã thu hoạch nhiều lần. Trung bình các hộ dân có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm là chuyện bình thường ở Khuôn Bang, một số hộ đã có thu nhập tiền tỷ sau một vụ thu hoạch.

DJI_0194

Những ngôi nhà xây to đẹp được xây dựng thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp trước năm 2010 ở thôn Khuôn Bang nhờ nguồn thu từ rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khe Lắc, một bản người dân tộc Dao của xã Thanh Thịnh (huyện Chợ Mới) cũng trở thành điểm sáng của tỉnh Bắc Kạn mà người dân làm giàu từ trồng rừng. Hơn 20 năm trước, dân bản còn phải chạy ăn từng bữa, nhưng từ khi có các dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc và các dự án trồng rừng sản xuất, đã làm thay đổi đời sống người dân.

Mới đầu, người dân bản Khe Lắc vẫn chưa tin những cánh rừng trồng có thể mang lại ấm no, nên chỉ có một số gia đình mạnh dạn trồng thử vài ha... Sau chu kỳ khai thác rừng trồng đầu tiên, có hộ dân đã có thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng, số tiền mà người dân Khe Lắc có nằm mơ cũng không tới. Đó là khởi đầu cho phong trào trồng rừng phát triển mạnh ở bản người Dao này.

Ông Đặng Nguyên Hồng, Bí thư Chi bộ thôn Khe Lắc chia sẻ, hiện nay hộ dân nào trong bản cũng trồng rừng, hộ ít thì vài ha, nhiều thì vài chục ha. Với giá gỗ keo hiện tại, dân bản có thể thu lãi từ 70 - 100 triệu đồng/chu kỳ khai thác mà không phải lo lắng đến đầu ra. Nhờ vậy, bản Khe Lắc phần lớn người dân đã có cơ ngơi tiền tỷ.

Chế biến gỗ, ngành công nghiệp chủ lực của Bắc Kạn

Với hơn 102.000ha rừng trồng, tỉnh Bắc Kạn đang trở thành "thỏi nam châm" hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, các xưởng, nhà máy chế biến gỗ ngày càng nở rộ. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 329 cơ sở chế biến gỗ, với 38 doanh nghiệp, hợp tác xã và 291 cơ sở hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh. Sản phẩm chủ lực là ván bóc, dăm, đũa gỗ, ván cốt phá, thanh chi tiết, sản xuất đồ mộc…

12

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh Bắc Kạn có 329 cơ sở chế biến gỗ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hiện Bắc Kạn đã có 10 nhà máy sản xuất, chế biến gỗ có quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Một số dự án nổi bật như: Nhà máy chế biến gỗ Bắc Kạn, công suất 120.000 m3/năm ván dán các loại của Công ty Cổ phần Đầu tư Govina; nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, công suất 30.000 m3/năm với sản phẩm ván dán, 200.000 m3/năm với sản phẩm ván sàn; dự án đầu tư sản xuất chế biến gỗ công suất 12.000 m3/năm sản phẩm ván dán, 3.000 m3/năm sản phẩm ván ghép thanh của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc; nhà máy gỗ xuất khẩu của Công ty Cổ phần Kẻ Gỗ...

Nhờ nguồn gỗ nguyên liệu rất dồi dào nên hiện nay các nhà máy đang hoạt động ổn định, sản phẩm cung cấp cho các thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia, Trung Quốc... Chế biến gỗ nhờ đó hiện đã chiếm tới gần 40% tỷ trọng sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh: Địa phương xác định lĩnh vực công nghiệp của tỉnh trong 5 năm từ 2021 - 2025 sẽ ưu tiên phát triển ngành chế biến nông, lâm sản.Theo đó, Bắc Kạn đã hình thành vùng nguyên liệu rất lớn và trồng rừng đã trở thành phong trào trong nhân dân. Việc chế biến gỗ hiện nay đã đem lại kết quả bước đầu, tuy nhiên quy mô sản xuất vẫn chưa đáp ứng được hết nguồn nguyên liệu gỗ của người dân, gỗ nguyên liệu của Bắc Kạn hiện vẫn phải bán ra ngoài tỉnh dưới dạng nguyên liệu thô với tỷ lệ khá lớn.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm