| Hotline: 0983.970.780

Bắc Ninh: Chỉ đạo phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội

Chủ Nhật 14/04/2019 , 09:40 (GMT+7)

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa

Theo đó, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước, trong đó có tỉnh Bắc Ninh liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi, số tiền thiệt hại rất lớn, do các đối tượng là người Việt Nam và người nước ngoài thực hiện với phương thức: Giả danh là kỹ sư, bác sỹ, quân nhân người nước ngoài… đưa các hình ảnh giới thiệu là thương gia đang sinh sống tại Anh, Mỹ hoặc quân nhân đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria,… trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Whatsapp, Skype, Tagged.com… để làm quen, kết bạn, hứa kết hôn và bảo lãnh đi nước ngoài, gửi quà tặng có giá trị lớn, trong đó có nhiều tiền, vàng để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện hoặc đưa ra nhiều lý do như người thân bị nạn cần giúp đỡ hoặc vay mượn tiền của bị hại để đầu tư kinh doanh...

Giả danh là nhân viên giao nhận hàng, hải quan, thuế vụ… thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị yêu cầu phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót.

Giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... thông báo nạn nhân liên quan đến một vụ rửa tiền hoặc vụ án ma túy mà cơ quan chức năng đang điều tra. Sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do băng nhóm lừa đảo chỉ định để xác minh nguồn gốc tiền rồi rút ra chiếm đoạt.

Lập trang web giả với nội dung cho vay tiền hoặc cho trả góp với thủ tục nhanh chóng. Sau khi nạn nhân liên lạc, đối tượng yêu cầu cung cấp CMND/hộ khẩu qua Zalo/Viber/Facebook kèm theo thông tin thu nhập hàng tháng để làm hồ sơ vay. Bằng các thủ đoạn tẩy xóa công nghệ cao, những thông tin này sẽ được đối tượng lưu về và lập hồ sơ giả mang đi vay tại các tổ chức tín dụng.

Giả mạo là nhân viên thu nợ đe dọa các chủ doanh nghiệp phải trả tiền của công nhân đã vay các tổ chức tín dụng nếu không sẽ khủng bố điện thoại, đe dọa tính mạng; lấy cắp thông tin số điện thoại, địa chỉ nhà, địa chỉ email… rồi điện thoại, gửi mail mạo danh là nhân viên của tổ chức tài chính đi thu nợ, yêu cầu chuyển nộp kinh phí xử lý hồ sơ và các loại phí khác vào các tài khoản giả mạo đứng tên công ty tài chính; yêu cầu đăng ký các tài khoản thanh toán điện tử như thẻ MasterCard trên ứng dụng ViettelPay, ví Momo… nộp tiền vào tài khoản để chứng minh thu nhập và cung cấp thông tin số thẻ, số tài khoản và mã xác thực OTP rồi thực hiện chiếm đoạt.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường phổ biến, tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động trên của tội phạm để nhân dân biết, nêu cao cảnh giác; không tin tưởng và liên lạc, giao tiếp, chuyển tiền cho các tổ chức, cá nhân không quen biết.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.