Tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ tiến hành sáp nhập từ 50 đến 60 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có quy mô thôn hoạt động kém hiệu quả thành hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp quy mô lớn.
Đây là một trong những mục tiêu chính đặt ra trong Kế hoạch số 493/KH-UBND về củng cố phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 do UBND tỉnh vừa ban hành.
Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp năng động, hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Phấn đấu toàn tỉnh có trên 500 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó thành lập mới hợp tác xã trở lên, doanh thu lợi nhuận bình quân của một hợp tác xã tăng từ 7-10%/năm; 80% số hợp tác xã hoạt động kinh doanh ổn định, hiệu quả, không có đơn vị yếu kém.
Để đạt được các mục tiêu trên, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; triển khai chương trình hành động cụ thể về phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Bên cạnh đó thực hiện chuyển đổi số hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2022 – 2025. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về các quy định hỗ trợ nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của quỹ hỗ trợ hợp tác xã tỉnh, tạo điều kiện vay vốn cho các hợp tác xã để phát triển sản xuất kinh doanh. Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã theo đúng luật hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Đồng thời chú trọng việc lựa chọn người đứng đầu hợp tác xã nông nghiệp giỏi, năng động, sáng tạo, bảo đảm được lợi ích của thành viên trong hợp tác xã, vận động thành viên góp vốn, liên kết đất đai, lao động cùng nhau sản xuất kinh doanh tạo thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều thành viên mới, nâng cao tiềm lực tài chính và quy mô hợp tác xã nông nghiệp.