Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (GRDP) tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng gần 9%, dịch vụ tăng 16,5%.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch, trong đó công nghiệp, xây dựng chiếm 76%; dịch vụ chiếm trên 17%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,4%.
Các chính sách hỗ trợ của Bắc Ninh tiếp tục phát huy hiệu quả lớn trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 11,75%, chỉ số sử dụng lao động tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 61.800 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ đạt khoảng 48.500 tỷ đồng, tăng 42%, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống ước đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 29,5%.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu, 9 tháng đầu năm ước đạt 65 tỷ USD, tăng 1,1%, trong đó xuất khẩu hàng hóa ước đạt 35 tỷ USD, tăng 4% so cùng kỳ năm 2021.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh được dự báo còn nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát tăng cao cùng với chi phí đầu vào tăng, thị trường xuất nhập khẩu đang có biến động lớn,...
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nêu rõ, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới, Bắc Ninh cần tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và giá trị gia tăng; thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi.