| Hotline: 0983.970.780

Bắc Ninh: Tập trung hỗ trợ người chấm dứt hợp đồng, nghỉ việc không lương

Thứ Hai 18/05/2020 , 06:10 (GMT+7)

Tỉnh Bắc Ninh đang rà soát, chi trả hỗ trợ nhóm hộ kinh doanh cá thể, người bị chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động khó vay vốn…

Cán bộ phường tới thăm hỏi và chi trả tận nhà tiền hỗ trợ cho những người không tới nhận được. Ảnh: Hưng Giang.

Cán bộ phường tới thăm hỏi và chi trả tận nhà tiền hỗ trợ cho những người không tới nhận được. Ảnh: Hưng Giang.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành rà soát các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, người có công, người lao động có hoàn cảnh khó khăn,… để tiến hành hỗ trợ ngay.

Ông Đinh Văn Duân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh cho biết: Để kịp thời cấp kinh phí cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chi trả hỗ trợ, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện nội dung trên, xin ý kiến đóng góp các Sở, ngành, địa phương, đơn vị; đề nghị Sở Tài chính trình UBND tỉnh cấp kinh phí về huyện để tổ chức chi trả cho các đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn sớm nhất, giúp người dân giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19.

Qua rà soát, toàn tỉnh Bắc Ninh có 15.281 người có công, 39.827 đối tượng bảo trợ xã hội, 12.350 người hộ nghèo, 23.304 người thuộc hộ cận nghèo.

Với thời gian hỗ trợ 3 tháng, mỗi tháng 500 nghìn đồng cho một người có công và đối tượng bảo trợ xã hội, mỗi tháng 250 nghìn đồng cho người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ là 109,95 tỷ đồng.

Cùng đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý trên 300.000 công nhân, viên chức, lao động; trong đó có trên 276.000 người đang làm việc ở các khu công nghiệp.

Qua nắm bắt tình hình, đối tượng ảnh hưởng nặng nhất là các ngành nghề vận tải, hộ kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống, giáo dục ngoài công lập…

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 1.000 doanh nghiệp phải ngừng việc, 1.279 người chấm dứt hợp đồng lao động, trên 1.000 người nghỉ việc không lương, 506 lao động phải làm việc luân phiên…

Là tỉnh công nghiệp phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm, Bắc Ninh quan tâm đặc biệt đến các đối tượng là lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương và lao động phải làm việc luân phiên, các nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động để hỗ trợ kịp thời, giúp nhà máy, xí nghiệp sớm hoạt động trở lại, lao động sớm trở lại làm việc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong khẳng định: "Bắc Ninh đã đẩy mạnh, đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với những đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tỉnh thống nhất chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng làm hai đợt.

Đợt 1 đã thực hiện vào dịp 30/4 và 1/5. Ở lần chi trả đầu tiên, tỉnh sẽ chi trả đối với 4 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Đợt 2 sẽ tập trung chi trả tiền hỗ trợ với các đối tượng còn lại là hộ kinh doanh cá thể, lao động chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động vay vốn…".

Để công tác chi trả đợt 2 diễn ra thuận lợi, hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các đơn vị trong quá trình chi trả bảo đảm công khai minh bạch, đúng đối tượng. Đối tượng thuộc 2 chế độ sẽ chọn một chế độ cao hơn để không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ khác làm chậm tiến độ chi trả.

Các địa phương công khai danh sách đối tượng được chi trả hỗ trợ ở nơi công cộng, nhà văn hóa khu phố, thôn làng, UBND xã và trên phương tiện truyền thông. Công tác truyền thông cần đẩy mạnh để những người hưởng hỗ trợ nắm chủ trương của Đảng, Nhà nước, từ đó cùng tham gia công tác giám sát chi trả hỗ trợ.

Anh Ngô Văn Bắc, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn chia sẻ: Hiện tôi đang bị mắc căn bệnh quái ác là sán não nên cơ thể rất yếu. Nhiều lúc chóng mặt, đau đầu gần như chẳng làm được gì. Nguồn thu chủ yếu của gia đình phụ thuộc vào vợ, cô ấy đi làm thuê đóng gói cho một gia đình trong phường. Mỗi tháng cũng chỉ được loanh quanh 4 triệu đồng.

Nhưng nay công việc lúc có, lúc không do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Trong khi đó cứ 3 tháng tôi lại phải vào viện khám và điều trị 1 lần, tốn ít cũng 3-4 triệu. Cộng thêm gia đình phải nuôi 3 đứa con nên điều kiện kinh tế càng khó khăn hơn.

Gia đình anh Bắc là một trong những hộ thuộc diện cận nghèo, gặp nhiều khó khăn do căn bệnh sán não. Ảnh: Hưng Giang.

Gia đình anh Bắc là một trong những hộ thuộc diện cận nghèo, gặp nhiều khó khăn do căn bệnh sán não. Ảnh: Hưng Giang.

Anh Bắc xúc động nói: “Tôi vô cùng phấn khởi khi được nhận khoản tiền hỗ trợ này. Tuy số tiền có thể là nhỏ so với những người khác nhưng đối với gia đình tôi vô cùng quý báu cả về giá trị vật chất và tinh thần. Qua đó, cho thấy Chính phủ và các ban ngành rất quan tâm đến người dân, đặc biệt là những hộ khó khăn”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nhanh là một hộ kinh doanh ở phường Đình Bảng cho biết, từ khi có dịch Covid – 19, cửa hàng bán vật liệu của anh giảm doanh thu nghiêm trọng, tiền nợ không thu được, vốn vay cũng cạn dần. Anh Nhanh cho hay: “Nhưng đến nay, khi dịch được khống chế, việc bán hàng đã bắt đầu trở lại, Bên cạnh đó, Chính phủ lại có chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh, chúng tôi tin tưởng sẽ vượt qua được khó khăn”.

Bắc Ninh cũng xem xét đối với những đối tượng khác không nằm trong Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg như giáo viên hợp đồng, từ đó có hướng hỗ trợ theo các chính sách riêng của địa phương.

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.