| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng miền biên viễn

[Bài 1]: Kéo cây cao su lên cổng trời Tây Bắc

Thứ Ba 04/04/2023 , 08:33 (GMT+7)

‘Ngày ấy lên đây rặt những quả đồi trọc, nhưng giờ đâu đâu cũng phủ bóng cao su’, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu 2 Nguyễn Hữu Phước cười nói.

9568e4eb697eb420ed6f

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Phước cùng công nhân Công ty CP Cao su Lai Châu 2 thăm vườn cây cao su. Ảnh: Đinh Tùng

Nhớ ngày lội suối, tắm tiên

Đường tới "vùng đất khó" Sìn Hồ giờ được trải một lớp nhựa đẹp đẽ, phẳng lì, bề rộng đủ để hai đầu kéo tránh nhau. Thảng hoặc, những xe cỡ nhỏ như Kia Morning, i10 lượn qua lại, như một lời cam kết của tỉnh Lai Châu về phát triển cơ sở hạ tầng ở miền biên viễn.

“Duy những khúc cua thì vẫn còn đó”, Phó tổng Phước vừa thao thao bất tuyệt, bỗng trầm lại, ánh mắt hướng về phía rặng núi nối đuôi nhau chạy tít về đầu nguồn dòng Nậm Na. Mất đến mấy phút, như sực nhớ ra điều gì, anh cặn kẽ hỏi mọi người trong đoàn có ai bị say xe không. Chừng biết chắc câu trả lời, anh mới mở lại dòng hồi tưởng về những ngày đầu lên “cổng trời” Tây Bắc.

Mười mấy năm trước, Nguyễn Hữu Phước còn là một chàng sinh viên vừa ra trường. Lai Châu trong anh là miền đất vừa mơ hồ, vừa đầy cám dỗ với một người tính cách ào ào, giọng nói lúc nào cũng chực phát ra lửa. Đổi mấy chuyến xe, chòng chành một ngày đường với núi, với mây, Phước mới đến được Sìn Hồ. Đón anh chẳng có “lô cao su xanh cây” hay “tiếng vọng người xưa” nào như trong bài hát truyền thống ngành, chỉ thấy con đường đất ngoằn ngoèo không thấy điểm cuối đang mờ dần trên nền trời tối thẫm.

Qua từng ngày, niềm háo hức trong Phước càng lớn thêm. Dưới xuôi, anh hầu như chẳng biết lội suối, tắm tiên là gì, thì giờ mỗi lần cùng anh em ra “sinh hoạt cộng đồng” bên dòng nước mát, tiếng nói, tiếng cười, tình thắm thiết lại như một chất keo giữ chân những thanh niên tuổi đôi mươi trụ vững ở nơi không điện, không sóng điện thoại, nhà cửa đa phần chỉ là lán dựng tạm.

a1cc5944d4d1098f50c0

Chị Điêu Thị Hoài, một công nhân người Thái ở bản Chiềng Chăn cho biết, thời gian làm việc mỗi ngày ở công ty khoảng 4 tiếng. Còn lại, chị có điều kiện để tăng gia sản xuất. Ảnh: Đinh Tùng

Khi được hỏi điều gì giúp Phó tổng trẻ nhất Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) vượt qua khỏi những lo toan thường nhặt, gan lì bám trụ Tây Bắc, anh cười và chỉ ra những khúc cua lẫn vào trong mây. Nguyễn Hữu Phước nói, “không có gan đổ đèo một ngày nữa để về xuôi” và “hết gà thiết đãi bà con hàng xóm rồi”.

Nhưng nhìn sang bên cạnh, bắt gặp ánh mắt ngời sáng của anh Long, chị Mai, chị Tình - những công nhân nông trường cao su Chăn Nưa và cùng đến từ khúc ruột miền Trung như anh Phước – nguyên nhân có lẽ là thế này: chỉ có những con người nơi ấy, vốn quá quen với vất vả gian nan mới có thể đồng hành và kéo được cây cao su lên cổng trời Tây Bắc.

Một ngày của anh Phước, thời làm công nhân, gần như chỉ quanh quẩn với núi đồi Chăn Nưa. Mỗi tổ, nhóm có khoảng chục người, hì hục đi phát thực bì, đào hố, vận chuyển nguyên vật liệu, phân bón. Những điểm trồng xa quá, anh cùng đồng nghiệp thậm chí dựng lều ở giữa rừng. Gặp hôm mưa rừng hay sạt lở đất, cả đội chen chân trong khoảng không chật hẹp chỉ vừa đủ kê được một chiếc giường đôi.

Khó là thế nhưng cứ nghĩ về thế hệ đi trước của ông Phan Văn Lợi, Lê Tiến Tình…họ lại như được tiếp thêm sức mạnh. Để rồi thiên nhiên, đất trời cũng phải chiều lòng những con người quả cảm. Đến hết năm 2022, 4 nông trường Chăn Nưa, Nậm Na, Pú Đao, Nậm Nhùn và đội sản xuất Nậm Khao của Công ty CP Cao su Lai Châu 2 đã “kéo” được 3.300 ha cao su lên đồi, đồng thời khai thác được hơn 3.200 tấn mủ, vượt chỉ tiêu tập đoàn giao.

beb2794df4d8298670c9

Những ngày cuối tháng 3, công nhân cao su tất bật chuẩn bị cho mùa cạo mủ mới. Ảnh: Đinh Tùng

Gắn chặt lợi ích bà con trên từng tấc đất

Để cao su xanh tươi ở đất Lai Châu, những người trồng cao su từ dưới xuôi lên không đi một mình. Nhìn những vườn cao su mọc thẳng tắp khắp bản làng xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, Chủ tịch UBND xã Phàn A Lỵ không khỏi bồi hồi nhớ lại: “Trước đây bà con đồng bào còn giữ thói quen du canh du cư. Mỗi mùa khô hanh, mùa đốt nương của người dân, Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy rừng lại phải hợp lực cùng công ty cao su để xác định các điểm nguy cơ cháy cao”.

Trời mùa hè trên Lai Châu, nắng như đổ lửa. Nhiệt độ nhiều ngày vượt ngưỡng 30 độ C. Ấy vậy mà lực lượng tuần tra, kiểm soát gần như không ngơi nghỉ giờ phút nào. Dưới sự hợp tác chặt chẽ của địa phương và doanh nghiệp, các đội được bố trí xen kẽ, nhằm đảm bảo canh gác 24/24 giờ và giữ liên lạc định kỳ với nhau để trao đổi thông tin tình hình. Với phương châm phòng là chính, từ những năm 2015 trở lại đây những vườn cây cao su luôn yên bình trước hỏa hoạn.

Ngoài nỗi lo về cháy, chính quyền xã và thanh tra bảo vệ nông trường còn tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp phá hoại vườn cây, trộm cắp tài sản vật tư…Lực lượng công an, dân quân tự vệ kết hợp vận động, tuyên truyền cho bà con về lợi ích của cây cao su – loài cây hứa hẹn giúp bà con Tây Bắc “xóa đói giảm nghèo”. Khi nhận thức được nâng lên một bước, người lao động được hướng dẫn ký hợp đồng giao khoán vườn, giúp đề cao tinh thần trách nhiệm từ bản thân mỗi người.

“Khi bà con hiểu rồi, thì mọi thứ đơn giản lắm”, ông Phàn A Lỵ hồ hởi. Không những cùng chăm sóc, bảo vệ vườn cây, chính quyền địa phương và cán bộ kỹ thuật còn xuống tận nhà bà con để tập huấn. Ông A Lỵ vẫn nhớ như in hồi năm 2016, khi bản làng rộn rang đón mùa "vàng trắng" đầu tiên. Lúc đó, người dân được cầm tay chỉ việc từng bước, trong đó có việc đo vanh (đo chu vi) thân cây như nào để xác định cây cao su đủ tiêu chuẩn khai thác hay không.

Dù thời gian đã phủ một lớp bụi mờ vào tâm trí, vị Chủ tịch xã vẫn không quên: Điểm đo cần cách mặt đất 1m và vòng vanh phải đạt từ 50cm trở lên (khoảng 2 gang tay rưỡi người lớn). Ông bảo, nhà nào có từ 80% số cây đạt chuẩn trong vườn – đủ điều kiện để công ty đồng ý cho khai thác - là tối “giết gà mời hàng xóm” ngay.

6e7632e4bf71622f3b60

Cây cao su thực sự giúp đồng bào các dân tộc tại tỉnh Lai Châu đổi đời. Ảnh: Đinh Tùng

Bảy năm đã qua, giờ thì hiếm người Sìn Hồ làm cơm trước mỗi vụ cạo mủ nhưng niềm vui thì vẫn cứ nhân lên. Trong năm 2022 vừa qua, Công ty CP Cao su Lai Châu 2 đã tiến hành thi công nhiều hạng mục công trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh như: sữa chữa đường lô, liên lô, xây dựng nhà kho chứa mủ phục vụ công tác khai thác sản xuất tại các nông trường, đơn vị.

Tính đến trước Tết nguyên đán Quý Mão vừa rồi, 95 km đường mới, trị giá khoảng 215 triệu đồng đã được hoàn thành. Cùng với đó là hơn 21km đường zíc zắc nội vùng.

Lúc xuân về trên những đồi cao su, cũng là thời điểm công ty Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đồng ý chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ công suất 5.000 tấn/năm ngay trên địa phận bản Huổi Sáng, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn. Những năm tiếp theo, khi nhà máy được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và đặc biệt sẽ tạo sự liên hoàn hơn nữa trong việc trồng, chăm sóc, chế biến mủ cao su của tỉnh Lai Châu.

Xuyên suốt quá trình đưa cây cao su lên Lai Châu, UBND tỉnh cùng các Sở, ban, ngành và UBND các huyện đã kiên trì cùng Công ty CP Cao su Lai Châu 2 tuyên truyền sâu rộng đến mọi hộ dân, đồng thời giải thích kỹ lưỡng về phần thu nhập của họ dựa trên diện tích góp đất và năng suất bình quân của toàn công ty.

Sau khi hết chu kỳ kinh doanh khoảng 20 năm, vườn cây thanh lý, các hộ góp đất cũng được tỷ lệ như hình thức chia sản phẩm. Do đó, đại bộ phận người dân đều hiểu rằng nếu không giữ gìn vườn cây, thu nhập của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.