| Hotline: 0983.970.780

Bình Dương: Xử lý vi phạm công trình thủy lợi

Thứ Tư 02/11/2016 , 14:05 (GMT+7)

Qua kiểm tra việc thực hiện quy định bảo vệ công trình thủy lợi của 8 công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, kết quả cho thấy, không ít trường hợp vi phạm. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, nguyên nhân thì có nhiều và xử lý cũng không dễ.

Nhiều công trình vi phạm

Đa số các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi để làm nhà, lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng.

10-50-04_nh-1-nhieu-tuyen-kenh-bi-ln-chiem-hnh-lng-lm-nh-leu-qun-ln-bi-tp-ket-vt-lieu-xy-dung
Nhiều tuyến kênh bị lấn chiếm hành lang làm nhà, lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng
 

Cụ thể, tại tuyến đê bao Tân An - Chánh Mỹ - TP Thủ Dầu Một, qua kiểm tra tại tuyến Tân An có 2 hộ có mái che, tường rào xây bằng gạch kiên cố, dài 70m nằm sát chân đê. Tại vị trí K0+100 có mái che bằng tôn, nền xi măng (6m x 12m) nằm cách chân đê 1,5m.

Đối chiếu với Khoản 5, Điều 7 Luật Đê điều thì 2 hộ dân này thuộc diện nằm trong hành lang bảo vệ đê điều ngăn cấm xây dựng công trình. Tuy nhiên, công trình của 2 hộ gia đình này đều được xây dựng trước năm 2005, chưa được đền bù khi xây dựng công trình đê bao, không gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình.

Tuyến Chánh Mỹ phát hiện 10 hộ có công trình nhà ở và công trình phụ nằm trong hành lang bảo vệ công trình. Trong đó, 6 hộ có nhà kiên cố nằm sát chân đê (rạch Đáy 4 hộ, rạch Bà Cô 1 hộ, rạch Cụt 1 hộ) xây dựng trước năm 2005, chưa được đền bù khi xây dựng đê bao.

Các hộ này đã được UBND TP Thủ Dầu Một cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2 hộ xây dựng nhà năm 2013 (rạch Nhà Thờ). 2 hộ có ao nuôi ba ba và chuồng heo, xây dựng năm 2008.

Tại công trình hồ Dốc Nhàn, xã An Lạc (huyện Bắc Tân Uyên), qua kiểm tra có 10 hộ có tràm, cao su đang khai thác. Đây là phần diện tích đất thuộc lòng hồ nhưng không bị ngập nước thường xuyên, đã được đền bù khi xây dựng công trình hồ chứa.

Đối chiếu với các quy định hiện nay thì 10 hộ trồng cao su, tràm nằm trong phạm vị bảo vệ công trình thủy lợi chưa được UBND tỉnh cấp phép là trái với quy định của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và Nghị định 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra hộ ông Trần Đình Bộ đang nuôi cá trong lòng hồ chuẩn bị thu hoạch cũng chưa được cấp thẩm quyền cấp phép.

10-50-04_nh-2-vuon-cy-co-truoc-2005-khong-nh-huong-n-ton-cong-trinh-thi-duoc-tiep-tuc-khi-thc
Các công trình rừng cao su, tràm đã có trước năm 2005
 

Tại hồ Cần Nôm xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng) hiện có 165 trường hợp có nhà ở, công trình phụ, nhà xưởng và cao su với tổng diện tích 478.459m2 nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa. Các hộ này có mặt ở đây trước khi chủ đập cắm mốc hành lang bảo vệ công trình và chưa được đền bù khi xây dựng công trình hồ chứa. Hầu hết diện tích đất này đã được UBND huyện Dầu Tiếng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Tại hồ Từ Vân I và Từ Vân II (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng), có 10 hộ xây dựng nhà ở, nhà trọ, trại heo và cao su đang khai thác (cây lâu năm có rễ ăn sâu 1,5m) nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa. Các hộ này ở tại đây trước khi chủ đập cắm mốc hành lang bảo vệ công trình và chưa được đền bù khi xây dựng công trình hồ chứa…
 

Linh động xử lý các sai phạm

Theo ông Nguyễn Khánh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có 35 công trình vừa và nhỏ với tổng năng lực thiết kế tưới 3.898ha; tiêu thoát nước 10.063ha, bao gồm: 5 hồ chứa, 9 đập cản dâng nước, 11 trạm bơm tưới; 5 hệ thống kênh tưới, tiêu; 3 hệ thống đê bao, 1 hệ thống tiêu nước và 1 công trình kè.

Trong đó, Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn thuộc Chi cục Thủy lợi quản lý là 11 công trình gồm 3 hồ chứa, 4 hệ thống kênh tưới, tiêu, 3 đê bao và 1 công trình kè. Cấp huyện, thị, thành phố quản lý 24 công trình tiểu thủy nông, trạm bơm tưới.

10-50-04_nh-3-he-thong-kenh-thuy-loi-ho-cn-nom-don-x-thnh-n-bi-nhieu-ho-dn-ln-chiem-hnh-lng
Hệ thống kênh thủy lợi Hồ Cần Nôm đoạn xã Thanh An bị nhiều hộ dân lấn chiếm hành lang
 

Qua kiểm tra, tại 8 công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh đều phát hiện các trường hợp vi phạm hành lang, bảo về an toàn đê điều. Tuy nhiên, việc xử lý các sai phạm không đơn giản. Bởi đa số các công trình xây dựng trước năm 2005 (trước khi UBND tỉnh ban hành quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi); đa số diện tích vi phạm hiện nay đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ... nên rất khó xử lý.

Chẳng hạn, trường hợp ông Lê Văn Sang (ấp An Hòa, xã An Sơn, TX Thuận An) tự đổ mặt bằng sân, lấn chiếm rạch, kích thước 15 x 5m2 tại bờ tả rạch Cầu Quay. Đây là trường hợp thuộc diện nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đê bao, nghiêm cấm các hoạt động làm thay đổi dòng chảy và thoát lũ, do đó ngành chức năng đã tiến hành lập biên bản, đình chỉ và yêu cầu hộ sai phạm khôi phục hiện trạng ban đầu công trình.

Đối với các công trình xây nhà tạm, được cấp phép có thời hạn sử dụng tại tuyến rạch Bà Lụa, ngành chức năng tiến hành lập biên bản, các hộ dân ký cam kết không thay đổi hiện trạng, hết thời hạn cấp phép phải tiến hành tháo dỡ.

Đối với các công trình nhà ở, rừng cao su, tràm đã có trước năm 2005, chưa được đền bù và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ; nếu các công trình này không ảnh hưởng đến trực tiếp đến an toàn công trình thì đề nghị cho phép giữ nguyên hiện trạng, tiếp tục sử dụng. Các hoạt động mới phát sinh phải được sự đồng ý bằng văn bản của của đơn vị quản lý hồ chứa…

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.