| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP nâng tầm nông nghiệp Hà Tĩnh

[Bài 1]: Tăng doanh số gần 40%

Thứ Tư 09/11/2022 , 06:19 (GMT+7)

Từ những sản phẩm “vô danh”, sau khi tham gia chương trình OCOP, hàng trăm sản phẩm nông sản của Hà Tĩnh đã xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường.

Sản phẩm chủ lực lên sàn thương mại điện tử

Cách đây hơn 4 năm, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Tĩnh như lúa, cam, bưởi; lợn, hươu, trâu bò; nước mắm; kẹo cu đơ… mặc dù cho sản lượng lớn nhưng thị trường tiêu thụ hạn chế, hiệu quả kinh tế chưa cao, nếu không muốn nói đầu ra chỉ nằm trong “ao làng”.

140d2174639t85451l0

Năm 2021, 2022 huyện Hương Khê đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến tiêu thụ bưởi Phúc Trạch. Ảnh: TL.

Sau khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào năm 2018, làn gió mới đã thay đổi hoàn toàn từ cách tiếp cận, tổ chức sản xuất đến bán hàng cho cả cơ quan quản lý nhà nước và chính người nông dân.

Trong gần 5 năm đó, thời gian dù chưa dài nhưng cũng đủ để khẳng định Chương trình OCOP đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo của chủ cơ sở, hộ sản xuất, đồng thời làm nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM một cách hiệu quả, bền vững.

Đến nay, Hà Tĩnh có 249 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 14 sản phẩm 4 sao, 235 sản phẩm 3 sao. Hầu hết sản phẩm tham gia OCOP đều tăng về doanh số bán hàng: bình quân tăng gần 40% so với trước khi tham gia chương trình, có sản phẩm tăng hơn 2 lần, cá biệt có sản phẩm tăng 4 - 5 lần.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường bán lẻ truyền thống gần như “đóng băng” nhưng Hà Tĩnh vẫn tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch (Hương Khê).

Sau khi xây dựng cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn, tạo app “Bưởi Phúc Trạch”, đã tiến hành số hóa thông tin 899ha của 2.609 hộ sản xuất thuộc 2 doanh nghiệp, 6 HTX, 128 tổ hợp tác và 13 vùng hộ sản xuất. Qua thời gian ngắn vừa thông tin, tuyên truyền vừa triển khai thực hiện, kết quả đã có trên 180 tấn bưởi Phúc Trạch được tiêu thụ và đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử, trong đó: Sàn Postmart.vn 45 tấn, đang đặt hàng 100 tấn; sàn Voso.vn 15 tấn; sàn Hatiplaza.vn trên 5 tấn và các sàn Shopee.vn, Lazada.vn, Sendo.vn trên 15 tấn.

Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Vinmart tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đã ký hợp đồng tiêu thụ bưởi Phúc Trạch với số lượng hơn 240 tấn/tháng.

Ông Lê Văn Dũng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh cho biết, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung, chương trình OCOP nói riêng, thời gian qua, Hà Tĩnh đã thử nghiệm xây dựng hệ thống quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc trên một số sản phẩm OCOP như: nhung hươu, nước mắm, bưởi Phúc Trạch, cam Vũ Quang… Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (2 sàn của tỉnh và 2 sàn Voso.vn, Postmart.vn).

phuc trach

Sản phẩm bưởi Phúc Trạch nay đã đủ điều kiện vươn ra thị trường quốc tế. Ảnh: TL.

Thời gian tới, toàn ngành sẽ xây dựng, phát triển hạ tầng số, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp, trong đó có sản phẩm OCOP. Năm 2022, phấn đấu có trên 20% sản phẩm nông nghiệp chủ lực truy xuất được nguồn gốc, kiểm soát được về quy trình sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm... bằng công nghệ số; tối thiểu 30% sản phẩm nông nghiệp chủ lực được giới thiệu, quảng bá và bán trên các sàn thương mại điện tử.

Gia tăng hiệu quả kinh tế

Kênh bán hàng được mở rộng, hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá cập nhật đến tận người tiêu dùng, từ đó tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh. Ở huyện miền núi Hương Sơn, đặc sản nhung hươu trở thành “từ khóa” nhận diện. Cùng với “làn gió” OCOP, những năm gần đây, người chăn nuôi đã hiện thực hóa giấc mơ làm giàu từ sản phẩm đặc sản, từng bước tham gia vào chuỗi chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng lớn.

Empty

Các sản phẩm chế biến từ nhung hươu gia tăng hiệu quả kinh doanh từ 30 - 40% so với trước khi tham gia chương trình OCOP. Ảnh: TN.

Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, chương trình OCOP đã giúp các cơ sở kinh doanh, hộ sản xuất có sự liên kết chặt chẽ với nhau để cùng chế biến sâu, đưa sản phẩm nhung hươu ra thị trường với giá tốt nhất, số lượng ổn định nhất. Nhờ thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nên giá thành và thời gian bảo quản, tiêu thụ sản phẩm chủ động hơn trước, không lo “được mùa, mất giá”. Mặc dù mùa vụ nhung hươu 2022 chưa kết thúc nhưng theo thống kê bước đầu, sản lượng nhung toàn huyện ước đạt hơn 16 tấn, doanh thu 170 tỷ đồng.

Empty

Mật ong Cường Nga, huyện Hương Sơn là một trong những sản phẩm OCOP thuộc top đầu của tỉnh Hà Tĩnh về quy mô, chất lượng, hiệu quả kinh tế và tính bền vững. Ảnh: TL.

Tổng doanh số bán hàng của các cơ sở OCOP trong toàn tỉnh trước khi tham gia chương trình là 335 tỷ đồng thì đến cuối năm 2021 là 569 tỷ đồng. Tổng số lao động sử dụng tại các cơ sở tham gia OCOP hiện nay là 2.017 người, chưa kể hàng nghìn lao động gián tiếp. Thu nhập bình quân người lao động làm việc trong các cơ sở này từ 3,87 triệu đồng/tháng tăng lên 5,1 triệu đồng/tháng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.