| Hotline: 0983.970.780

'Thâm cung bí sử' của Indevco và cú 'ngã ngựa' ở vùng than

[Bài 2] Nhà máy xử lý rác nghìn tỷ, doanh thu... 0 đồng

Thứ Sáu 02/07/2021 , 10:29 (GMT+7)

Bỏ cả nghìn tỷ làm nhà máy xử lý rác theo chủ trương của tỉnh nhưng hơn 4 năm qua, Indevco chưa nhận được đồng phí nào. Vì sao có chuyện oái oăm như vậy?

Cuối năm 2016, các bãi rác Đèo Sen, Hà Khẩu của Hạ Long, Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) bị quá tải, do ô nhiễm nên người dân ở đó phản đối, không cho đổ nữa. Trước tình thế cấp bách vì rác ứ đọng khắp nơi, tỉnh yêu cầu các công ty thu gom rác đổ tạm vào đất của Indevco - gần nghĩa trang An Lạc (Hoành Bồ, nay là TP Hạ Long), đồng thời động viên lãnh đạo Tập đoàn Indevco làm Dự án nhà máy xử lý rác (CTR).

"Chọn mặt gửi vàng"

Lý do tỉnh chọn Indevco làm nhà máy xử lý rác mà không phải doanh nghiệp khác? Theo ông Đỗ Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Indevco, nếu lập một dự án khu xử lý rác, cần phải đảm bảo các vành đai cách ly như trong bán kính 500m từ nơi xử lý rác không được phép có công trình xây dựng khác, trong vòng 1.000m không được có người dân sinh sống.

Nếu làm ở những khu vực khác rất khó đạt được các tiêu chí này, hoặc chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất lớn, chưa kể việc vận động số đông người dân đồng thuận để di dời sẽ là bài toán nan giải, như bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) chẳng hạn.

Trong khi đó khu An Lạc Viên của Tập đoàn Indevco khá xa khu dân cư, đường lớn đi lại không qua các khu dân cư khác, có sẵn diện tích lớn và Công ty đã triển khai giải phóng mặt bằng tương đối hoàn thiện.

Ông Dũng cho rằng việc giải phóng mặt bằng (bao gồm cả vành đai ranh giới 1.000m) là việc mà các địa phương thường chủ động làm để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải sinh hoạt vì đây là việc nhà nước khuyến khích, nhưng Indevco đã chủ động tự ứng tiền ra làm, thể hiện tinh thần đồng hành với tỉnh và nhân dân trong việc giải quyết các nhu cầu an sinh xã hội.

Ông Đỗ Tiến Dũng - Tổng giám đốc Tập đoàn Indevco

Ông Đỗ Tiến Dũng - Tổng giám đốc Tập đoàn Indevco

Về quy định, dự án xử lý rác thải phải qua các bước lập quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập đánh giá tác động môi trường, thiết kế xây dựng, …, giao đất cho nhà đầu tư tiến hành xây dựng; sau khi xây xong phải xin cấp phép để chạy thử, đạt các chỉ tiêu về môi trường mới được nghiệm thu, được phép đi vào hoạt động. Từ đó dự án mới được tiếp nhận rác vào xử lý và tính tiền.

Nhưng tháng 11/2016, để đóng cửa các bãi rác Đèo Sen, Hà Khẩu nên UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Indevco khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tiếp nhận và lưu giữ rác của các địa phương vào khu vực dự án. Đến năm 2017 dự án mới được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, năm 2018 cơ bản xây xong nhà máy và đến tận tháng 03/2019 tỉnh Quảng Ninh mới có quyết định bàn giao đất cho Indevco làm Dự án CTR.

"Nhìn chung, tính pháp lý của dự án rõ ràng có vấn đề nhưng chúng ta cũng thông cảm cho địa phương và doanh nghiệp bởi trong tình thế cấp bách. Đổ rác là việc hàng ngày nên quy trình thủ tục có ra sao thì giải quyết nhu cầu vệ sinh môi trường của người dân cũng là việc cần thiết", ông Dũng nói.

Nhưng rác đổ vào dự án từ hơn 2 năm rưỡi trước khi dự án được giao đất để được phép khởi công xây dựng theo Luật Xây Dựng thì xử lý làm sao? Câu trả lời của lãnh đạo Indevco là "lưu chứa tạm chờ đốt", hay nói nôm na là chôn tạm.

"Một mớ bòng bong"…

Như đã viết ở trên, để một nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động đúng quy định thì thủ tục pháp lý xây nhà máy phải theo trình tự, được kiểm tra nghiệm thu đạt chất lượng rồi mới được nhận rác và tính tiền.

Nhưng so với tình hình thực tế thì chuyện này hoàn toàn không thể làm được vì lúc bắt đầu tiếp nhận rác của các địa phương, thủ tục của dự án còn chưa đủ điều kiện để bắt đầu xây dựng chứ nói gì đến việc được phép đốt. Mà có xây dựng xong rồi nhưng chưa đủ thủ tục để xin phép chạy thử thì có cố tình đốt rác vẫn là sai quy định, không thể thu tiền. Mà cái khó ở chỗ hàng ngày dân vẫn phải đổ rác, đâu có dừng lại được. "Vậy con gà hay quả trứng có trước?", ông Dũng ví von.

Khu cảnh hệ thống lò xử lý rác bằng công nghệ đốt, chạy thử trước khi được tỉnh giao đất vào tháng 3/2019

Khu cảnh hệ thống lò xử lý rác bằng công nghệ đốt, chạy thử trước khi được tỉnh giao đất vào tháng 3/2019

Để tạo điều kiện cho Indevco tiếp nhận rác, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các thành phố tạm ứng cho Indevco theo 70% đơn giá xử lý bằng phương pháp đốt (410.000 đồng/tấn) từ tháng 11/2016 cho đến hết tháng 10/2017.

Theo giải thích của lãnh đạo Indevco, việc tạm ứng này là sai vì rác mới chỉ tập kết chờ xử lý chứ chưa được đốt nên không thể chuyển tiền cho Indevco với giá tiền đốt rác được, bởi giá chôn và đốt chênh nhau rất nhiều lần. Mà nếu trả tiền chôn cho Indevco cũng không đúng, vì đây không phải là dự án chôn lấp rác.

Hiện trạng trong nhà chứa rác R7, R8 CTR

Hiện trạng trong nhà chứa rác R7, R8 CTR

Điều này dẫn đến việc Kiểm toán nhà nước kiểm tra và yêu cầu UBND TP Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên phải thu hồi số tiền thanh toán tạm ứng hơn 61 tỷ đồng cho Indevco. Theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ninh, tháng 04/2021, Tập đoàn Indevco đã hoàn trả toàn bộ số tiền này cho Ban công ích TP Hạ Long, Cẩm Phả và TX Quảng Yên.

Giọt nước tràn ly

Ông Đỗ Tiến Dũng cho biết, theo chủ trương đầu tư của dự án, tổng vốn đầu tư là 2.048 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của Indevco là 512,2 tỷ đồng (25%), vốn huy động (đi vay ngân hàng) là 1.536 tỷ đồng (75%). Nhưng do dự án thiếu sót nhiều thủ tục nên Indevco không thể làm hồ sơ vay vốn của bất kì ngân hàng hay tổ chức tài chính nào.

"Cho nên Indevco vừa phải bỏ tiền ra làm dự án, vừa tiếp nhận rác của các địa phương, thực hiện việc trông coi, lưu giữ, đảm bảo vệ sinh cho toàn bộ lượng rác của 4 năm rưỡi qua (tính đến 30/04/2021 là 858.364,84 tấn) mà không nhận được bất kỳ một đồng chi phí nào", ông Dũng cho hay.

Một phần của 860.000 tấn rác từ Hạ Long, Cẩm Phả đổ vào Dự án, từ tháng 11/2016 đến 30/4/2021. Hiện Indevco vẫn đang lưu trữ mà chưa nhận được đồng nào. Nếu thực hiện đúng theo ĐTM thì đống rác này phải đưa ra khỏi dự án. 

Một phần của 860.000 tấn rác từ Hạ Long, Cẩm Phả đổ vào Dự án, từ tháng 11/2016 đến 30/4/2021. Hiện Indevco vẫn đang lưu trữ mà chưa nhận được đồng nào. Nếu thực hiện đúng theo ĐTM thì đống rác này phải đưa ra khỏi dự án. 

Thiệt đơn thiệt kép là vậy nhưng theo văn bản báo cáo của Indevco, khi họp với liên ngành gồm các Sở, ngành thì Indevco có đề nghị xem xét hỗ trợ chi phí lưu chứa rác suốt 4 năm qua (tính đến thời điểm họp vào tháng 10/2020). Số tiền đã lên đến hơn 115 tỷ đồng nhưng Indevco không biết hạch toán vào đâu vì dự án không sinh ra để làm việc này, sau này Indevco cũng không tính chung vào chi phí xử lý rác bằng phương pháp đốt cho các địa phương được.

Nhưng liên ngành thống nhất là đề xuất đó của Indevco "không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nên không có cơ sở để xem xét hỗ trợ".

Thông báo trên như "giọt nước tràn ly" dẫn đến việc Indevco thông báo ngừng nhận rác từ 01/11/2020. Sau đó tỉnh phải triệu tập khẩn cuộc họp với Indevco và các Sở ngành, thành phố vào ngày 02/11/2020. Trong cuộc họp đã đề nghị Indevco tiếp tục nhận rác theo phương án cấp bách để tìm hướng tháo gỡ việc lưu chứa rác 4 năm qua. Và Indevco đã xây dựng phương án để lưu chứa đủ tiêu chuẩn trong 01 năm tính từ 01/11/2020 để tỉnh có thời gian cùng doanh nghiệp tìm ra hướng giải quyết.

Hiện trạng bãi rác tạm của 2 thành phố là Hạ Long và Cẩm Phả trong khu đất Indevco cho mượn để chờ thi công hố rác cấp bách.

Hiện trạng bãi rác tạm của 2 thành phố là Hạ Long và Cẩm Phả trong khu đất Indevco cho mượn để chờ thi công hố rác cấp bách.

Tuy nhiên, do dịch Covid ngay dịp Tết và một số lý do nên việc duyệt hồ sơ cho phương án cấp bách bị kéo dài đến tháng 03/2021. Và chi phí được phê duyệt chỉ bằng 1/3 so với phương án của Indevco, trong khi theo ông Dũng thì phương án này chỉ tính tiền xây dựng, vận hành, chưa tính đến các chi phí khảo sát, thiết kế và các hạ tầng sẵn có mà Indevco đã đầu tư. Thêm nữa, các giải pháp lâu dài cho dự án cũng như phương án xử lý cho lượng rác gần 860 nghìn tấn đã lưu chứa hơn 04 năm chưa thấy đâu.

Tháng 04/2021, "cực chẳng đã" Indevco đã phải ra quyết định bất đắc dĩ: Chính thức ngừng hẳn việc tiếp nhận rác từ 01/05/2021 và bàn giao lại hồ sơ thực hiện phương án cấp bách để tỉnh giao cho đơn vị khác làm.

Quyết định trên của Indevco khiến cho hai địa phương là Hạ Long và Cẩm Phả rơi vào thế bí tìm nơi chứa rác. Song, Indevco cũng không phải là doanh nghiệp "cạn tàu ráo máng" vì vẫn cho tỉnh mượn đất và sử dụng hạ tầng giao thông trong dự án làm phương án chứa rác cấp bách cho Cẩm Phả, Hạ Long. Các chi phí đã bỏ ra để nghiên cứu trước đó, Indevco tặng lại cho tỉnh để tiết kiệm thời gian và chi phí triển khai.

Hiện tại, rác thải sinh hoạt hàng ngày của nhân dân hai TP Hạ Long và Cẩm Phả đang được đổ tạm vào đây, trên đất và hạ tầng giao thông mà Indevco đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng giải phóng mặt bằng, san lấp.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.