Cạm bẫy đất, cạm bẫy người
Năm 2005, xã Cư Elang tách ra từ xã Ea Ô và nhanh chóng trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện Ea Kar (Đăk Lăk). Người Ê đê bản địa, người di cư tự do từ miền Bắc, miền Trung vào xây dựng kinh tế mới, một cuộc trường chinh của sức người, sức của đổ xuống, biến Cư Elang thành nơi bạt ngàn cà phê, cao su, cây ăn quả, cây lâm nghiệp…
Như một quy luật tất yếu, có cầu ắt sẽ có cung, các đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ồ ạt mọc lên ở vùng kinh tế mới Cư Elang. Với mô hình đầu tư phân thuốc, giống má, thậm chí là nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, có thể nói rằng những ông chủ đại lý đã làm giàu ngay chính trên những tấm lưng của dân nghèo.
Vật tư đầu vào vãi xuống Cư Elang càng lớn thì các đại lý càng phất lên nhanh chóng, chỉ có đất đai là chết dần chết mòn, bao nhiêu hệ lụy người nông dân gánh hết.
Đi dọc những quả đồi trồng cà phê, cao su, những quả đồi trồng cây ăn quả ở Cư Elang, vốn là đất đỏ bazan mà bây giờ bạc phếch, chai cứng như là đá. Cây cối èo uột, khô cằn, chết cháy, cỏ cũng không mọc nổi. Không ít những chủ vườn bỏ đi đâu không ai rõ, nhà cửa quanh năm phủ bụi, những ngôi nhà, những khu vườn hoang.
Chủ tịch xã Cư Elang Trần Văn Thanh nói, đó là hậu quả của rất nhiều năm người nông dân có thói quen canh tác lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ quá nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, khô cằn, còn cây cối, hoa màu liên tục bị sâu bệnh, chết yểu hoặc không thể nào phát triển bình thường được.
Ví dụ trước đây Cư Elang là vùng trồng cam quýt lớn của cả huyện Ea Kar, nhiều gia đình giàu có từ các mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi. Nhưng chỉ được một hai mùa vụ, sau vài ba năm trồng thì cây bắt đầu thối rễ, vàng lá và chết rất nhanh.
Chỉ trong vòng có một năm mà 200ha cây ăn quả của xã bị xóa sổ. Cà phê cũng vậy, các loại cây trồng khác cũng vậy, cứ trồng lại chết mà không chết thì cũng èo uột, chả ra làm sao. Bản thân gia đình ông chủ tịch xã cũng canh tác đủ loại trên diện tích vài ha nhưng rồi phải bỏ hoang đất từ mấy năm nay. Cũng vì đất thoái hóa quá nhanh mà xã Cư Elang có hơn 2.000 hộ dân nhưng vẫn còn tới hơn một nghìn hộ thuộc diện nghèo.
Buôn trưởng Y Tim Êban của buôn Ea Rơk dẫn chúng tôi lên rẫy cà phê rộng chừng 2ha của gia đình. Cũng như đa phần nông dân khác ở xã Cư Elang, thói quen canh tác của gia đình Y Tim Êban là dùng rất nhiều thuốc trừ cỏ. Đầy rẫy chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng ở trong vườn cà phê. Tất cả đều là thuốc hóa học độc hại.
Thậm chí có những loại như thuốc trừ cỏ Kanup 480Sl của Tập đoàn Read Sun, HAIHA DUP, Kop Sky của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Việt Nông… những loại thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate bị loại bỏ khỏi danh mục, cấm sử dụng ở Việt Nam nhưng vẫn nằm vương vãi trong vườn cà phê ông buôn trưởng.
Ở các ruông lúa cũng vậy. Chỉ có thuốc BVTV hóa học, loại nào cũng siêu, cũng nhanh, cũng độ độc cao, có loại còn không có bao bì, nhãn mác gì. Y Tim Êban nói, mấy loại này dùng khá hiệu quả, phun một phát là cỏ chết cháy rất nhanh, nhiều khi còn chết luôn cả cây trồng, không cây con gì có thể sống sót.
“Biết là dùng phân bón, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc BVTV hóa học là độc hại ghê gớm lắm. Độc hại cho đất, độc hại cho người, độc hại cho cả môi trường sống, nhưng giờ cỏ, sâu bệnh nhiều quá, không dùng thuốc thì biết dùng cái gì? Lúa không lên cũng phải phun thuốc, sợ cỏ mọc cũng phải phun thuốc, sợ cà phê, chanh leo sâu bệnh cũng phải phun thuốc.
Mà dân ở đây không có tiền mua phân mua thuốc đâu. Toàn phải vay mượn ở các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cả đấy. Cho vay nhiều nhất là các đại lý Nga Xuyến, Phú Lương, Thu Lai… Toàn chỉ viết tay hoặc ký nợ với nhau. Phân, giống, thuốc đại lý đưa cho loại nào thì dân dùng loại đó, cuối vụ thu hoạch tính toán rồi trả bằng cà phê, bằng lúa, bằng ngô cho người ta”, trưởng buôn Ea Rơk nói bằng giọng rất tâm tư.
Gia đình buôn trưởng Y Tim Êban cũng phải trồng lúa, cà phê theo hình thức hợp tác liên kết với các nhà đầu tư như thế. Bình quân mỗi vụ gia đình ông buôn trưởng phải bón khoảng 1 tấn phân cho 2ha rẫy. Cộng với tiền thuốc, tiền giống, tiền thuê nhân công và ti tỉ khoản đầu tư khác khiến nhiều mùa vụ làm bục mặt ra mà chẳng được ăn. Như năm nay giá phân bón lên đến gần 2 triệu đồng/tạ, chỉ nghĩ đến thôi đã thấy hãi, nhất là khi số tiền đi vay từ đại lý Nga Xuyến để đầu tư của gia đình ông buôn trưởng đang bị tính lãi suất mức 25 nghìn đồng/một triệu đồng/một tháng.
“Đất đai ngày một cằn cỗi, cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh, bị chết trong khi giá vật tư đầu vào cứ liên tục tăng như thế này bảo sao dân trong buôn phải gán nhà, gán rẫy, bỏ buôn làng đi tha phương, cầu thực”, Y Tim Êban vừa nói giọng đầy bế tắc rồi dẫn chúng tôi đi một vòng trong buôn và chỉ: Kia là nhà Y Kro, Y Phin không còn đất sản xuất. Kia là nhà Y Kro phải gán nhà, gán rẫy bỏ xứ đi đâu không ai biết. Đất đai vốn rộng lớn là như thế mà nhiều gia đình không có nổi một tấc cắm dùi.
Bước đường cùng
Đất đai ngày một thoái hóa đến mức ngay cả những gia đình có sức vóc, chịu thương chịu khó ở Cư Elang hay nhiều vùng đất khác ở Tây Nguyên cũng không thoát khỏi những thảm cảnh. Cạm bẫy đất, những cạm bẫy người là một phần, còn hệ lụy từ thực trạng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV bát nháo, lạm dụng phân thuốc hóa học quá nhiều đang đẩy nông dân đến bước đường cùng.
Như vợ chồng ông Ngụy Văn Bắc (60 tuổi) quê ở Bắc Giang vào Ea Kar từ năm 1995 chẳng hạn. Hai vợ chồng, 4 người con, lao động quần quật quanh năm, hết rẫy rồi lại ruộng, hết trồng mía, trồng cao su, cà phê lại đến đến chanh leo, lúa má. Như ông Bắc nói là “không cho đất nghỉ không ngừng tay ta”, vậy mà cuối cùng cũng lâm cảnh phải gán nhà, gán rẫy cho đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp Trung Liên.
“Một phần là do nhận thức của người dân quá lạm dụng thuốc trừ cỏ, thuốc sâu, phân bón hóa học khiến đất đai ngày càng bạc màu, cằn cỗi, cây trồng ngày càng nhiều sâu bệnh. Nhưng một phần khác là do chất lượng vật tư đầu vào không đảm bảo. Phân bón giả, thuốc giả, thuốc nhái, phân thuốc kém chất lượng nhan nhản, toàn là những loại độc hại không chỉ khiến những vùng đất màu mỡ trước đây thành đất chết mà còn đẩy người nông dân chúng tôi đến bước đường cùng”, ông Bắc ngán ngẩm.
Gia đình ông Bắc từng có 4ha rẫy trồng mía và cà phê. Không công to việc lớn gì, chỉ độc vay các đại lý đầu tư vào sản xuất nhưng lần lượt phải bán bán nhà, bán một phần rẫy vẫn không thể trả hết nợ.
“Gia đình tôi thuộc diện siêng năng, chịu khó chứ có lười nhác gì đâu. Khổ cái là trồng sắn mất, trồng mía mất, trồng cà phê, chanh dây cũng không khá hơn được mấy. Đất đai trước đây màu mỡ nhưng bây giờ cằn cỗi quá. Đất trồng cây mà cứ đanh như đá, không thứ gì mọc nổi.
Càng cằn cỗi lại càng phải bón, phải tưới, càng phải dùng thuốc BVTV, càng phải vay mượn để hi vọng phục hồi, vớt vát. Mỗi một ha trước đây chỉ vài ba chục triệu tiền phân, tiền thuốc còn bây giờ năm nào cũng phải mất hàng trăm triệu đồng. Vậy mà cây trồng vẫn cứ sâu bệnh, vẫn cứ chết, vẫn cứ mất mùa. Dân ở đây khổ lắm, cứ rơi vào vòng luẩn quẩn không có cách gì có thể thoát ra được”, ông Bắc nói.
Không chỉ riêng Cư Elang mà rất nhiều vùng đất khác ở khu vực Tây Nguyên đang chết dần, chết mòn bởi vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Nông dân quay quắt chuyển đổi hết các loại cây trồng nhưng đều không thể nào cứu vãn. Từ vùng sầu riêng, hồ tiêu, cam quýt, đến những vùng cà phê, chanh leo, ở một số nơi dường như đã không một loại cây trồng nào còn phù hợp bởi đất đai đã ngộ độc quá rồi. Nhiều nhất là Ea Hleo, Krông Pắk, Cư’Mga, Ea Kar (Đăk Lăk) rồi Đắk Song (Đắk Nông), Chư Sê (Gia Lai)…
Trên diện tích đất khai hoang ở huyện Ea Kar, một nhóm nông dân quê ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang trồng chanh leo, loại cây trồng được nông dân Tây Nguyên ưa chuộng. Nhìn những quả chanh leo đang khô héo mà không biết bệnh gì, nông dân Nguyễn Văn Thuyết (51 tuổi) nói giọng xót xa: "Nhà tôi trước làm 1,3ha cao su, sau chuyển sang cà phê, cam quýt, chanh leo, không biết sắp tới chuyển sang cây gì đây nữa.
Làm chủ yếu để nuôi các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp thôi chú. Vay để đầu tư thì họ tính lãi 2 phẩy. Mua phân mua thuốc thì nhiều khi họ tính giá gấp đôi, chất lượng như thế nào dân cũng không biết được. Nhiều khi họ bán cho phân thuốc giả, kém chất lượng về phun bón cho cây, cây chết cũng cắn răng mà chịu chứ biết kêu ai. Ngày trước đất vùng này tốt lắm, vậy mà bây giờ trồng ngô có khi còn chẳng được ăn, như thế là chú biết đất đai ở đây ngộ độc đến mức nào rồi. Người dân bị dồn đến bước đường cùng rồi".
Để rõ hơn về thực trạng người dân gán đất, bỏ làng ở Cư Elang, chúng tôi tìm đến cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Nga Xuyến. Trong ngôi nhà khang trang ở ngay trung tâm xã, bà chủ cửa hàng nói: Tôi cũng mắc kẹt vì đầu tư tiền tỉ trong dân giờ họ bỏ đi hết rồi không biết kêu ai đây.