-----------------
Nhiều người nói, mấy năm gần đây thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV ở Tây Nguyên có nhiều cải thiện, tuy nhiên trong chuyến điền dã thực tế của PV Báo NNVN ở nhiều trong vùng, tình hình vẫn hết sức báo động, cho thấy mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp xanh, trách nhiệm, bền vững vẫn còn khá xa.
------------------
Biết là độc hại lắm nhưng không phun không được
Theo thống kê tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 12.000 ha sầu riêng, trong đó huyện Krông Pắk là vùng sản xuất, thu mua chế biến trọng điểm của cả khu vực Tây Nguyên với khoảng hơn 3.800 ha, sản lượng hơn 50.000 tấn/năm.
Cách đây chừng hai tuần lễ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức trao chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Krong Pac Durian - Sầu riêng Krông Pắk”. Cùng với hơn 600 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP và hơn 730 ha được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp và người trồng sầu riêng ở Đắk Lắk kỳ vọng sầu riêng Krông Pắk không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà sẽ sớm có mặt ở những thị trường xuất khẩu khó tính nhất.
Nhưng tham vọng đó sẽ rất khó thành hiện thực nếu không thay đổi về những gì đang xảy ra ở những vườn sầu riêng đang vào độ ra hoa, đậu trái ở mảnh đất này.
Vùng trồng sầu riêng xã Ea Yông được hình thành trên dải đất đỏ bazan màu mỡ thuộc Công ty cà phê Phước An ngày trước. Vợ chồng ông nông dân Nguyễn Phi Hồng lái chiếc máy cày Yanmar YM2000 chở theo thùng nhựa đại lớn loại 1.000 lít chứa đầy thuốc trừ sâu hóa học để phun cho vườn sầu riêng đang độ ra hoa, đậu quả.
Dùng nguồn điện từ chính máy cày, chỉ trong một buổi sáng, vòi phun thuốc dài mấy chục mét của ông Hồng đã tưới ướt đẫm vườn sầu riêng rộng gần 1 ha. Thuốc sâu loại BOXING knock out sâu rầy rệp phun mù mịt cả một vùng trời, đứng hàng trăm mét ngửi phải mùi đã nghe váng vất. Người ông Hồng ướt đẫm mồ hôi lẫn với thuốc trừ sâu ngược gió táp vào quần áo.
Dù đã bít khẩu trang, bao tay, áo quần bảo hộ nhưng mỗi lần phun thuốc xong ông đều thấy trong người rất mệt. Tuổi 50 mà tóc ông Hồng bạc trắng. Ông nói, cứ phun thuốc thế này không bạc sao được, ảnh hưởng sức khỏe ghê gớm lắm, chắc là cũng chết sớm thôi, nhưng không phun làm gì có cách nào khác.
Đây là lần thứ ba trong năm nay gia đình ông Hồng phun thuốc trừ sâu cho sầu riêng còn mỗi năm phun bao nhiêu lần thì vợ chồng ông không nhớ. Ở đây gia đình nào trồng sầu riêng cũng đều như vậy. Khu vườn nào cũng có một bình nhựa khổng lồ để chứa thuốc trừ sâu và chi chít những thùng các tông, bao tải đựng vỏ thuốc BVTV và bao bì phân bón.
Sầu riêng trên đất Tây Nguyên đang mang lại giá trị kinh tế lớn nhưng cũng là loại cây trồng nhiều sâu bệnh. Thuốc này không trừ được thì chuyển sang thuốc khác, đa phần người dân quen sử dụng thuốc BVTV hóa học. Hai đợt phun nhiều nhất là lúc ra hoa, đậu trái và lúc gần thu hoạch.
Ngoài thuốc trừ sâu là đủ loại thuốc BVTV, phân bón khác. Hết thuốc trừ sâu bệnh lại đến thuốc kích thích ra bông, phân bón rễ, bón lá kích thích tăng trưởng... Áp lực năng suất, sản lượng khiến người ta bất chấp tất cả để phun, để tưới thậm chí là tiêm thuốc. Đi dọc các khu vườn chúng tôi bắt gặp rất nhiều cảnh những cây sầu riêng cắm chi chít kim tiêm. Người trồng sầu riêng nói rằng đó là những loại thuốc trị bệnh cây chảy nhựa, xì mủ, phải tiêm trực tiếp vào như thế, mỗi năm hai lần thì mới hiệu quả.
“Tất cả đều là thuốc hóa học”, cậu thanh niên trẻ Nguyễn Văn Tùng, người trồng hơn một ha sầu riêng ở xã Ea Yông khẳng định. Tính sơ bộ mỗi ha đất trồng sầu riêng ở Ea Yông qua một vụ sầu riêng phải hứng chịu hàng chục nghìn lít dung dịch thuốc trừ sâu, hàng chục tấn phân bón hóa học đổ xuống. Cả một vùng sầu riêng rộng gần 4.000 ha hứng hàng triệu lít thuốc.
Dù liên tục tiêu hủy chai lọ, vỏ bao bì sau mỗi đợt phun, đợt bón nhưng khu chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật trong vườn sầu riêng của Nguyễn Văn Tùng mới nửa tháng đổ lại đây đã chất đầy ứ cả một thùng các tông, vương vãi ra khắp vườn. Thôi thì đủ loại: thuốc trừ sâu FOR TOX 50EC chết ngay, thuốc trừ sâu Calicydan 150 EW vị độc thấm sâu nhanh khó bị rửa trôi, thuốc quét sạch nhện, thuốc trừ sâu Imiprid 10WP kết hợp hai hoạt chất cực mạnh diệt sạch rầy, thuốc điều hòa sinh trưởng, thuốc kích thích ra bông, thuốc làm mát lá, thuốc trị xì mủ... Nhiều đến mức Tùng không phân biệt nổi loại nào với loại nào.
Năm nay phun mấy lượt rồi? Anh hỏi thế thì em chịu, phải cuối năm đại lý cộng sổ lại thì mới biết dùng hết bao nhiêu loại phân, loại thuốc. Chỉ biết là năm nào cũng hết cả trăm triệu đồng. Em phải đổi thuốc liên tục, toàn là thuốc hóa học, phun bằng máy hết đấy anh. Xì mủ phải tiêm hóa học. Trừ sâu phải dùng thuốc hóa học. Mình chỉ biết bệnh thôi chứ đại lý bảo phun thuốc nào thì dùng thuốc đấy thôi. Tùng trả lời câu hỏi của chúng tôi như thế.
Lang thang những vườn sầu riêng ở Krông Pắk, từ già đến trẻ, từ những người trồng sầu riêng lâu năm đến những chủ vườn mới, hầu như vườn nào cũng dùng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Đặc biệt, ngoài vô số các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học của các doanh nghiệp trong nước chúng tôi cũng gặp không ít cảnh người dân sử dụng những sản phẩm thuốc BVTV trên bao bì ghi chữ Thái Lan. Chủ các đại lý kinh doanh, các cơ quan quản lý đều khẳng định loại thuốc này hoặc là nhập lậu, hoặc là thuốc giả. Phun thuốc, bón phân như thế có sợ ảnh hưởng sức khỏe không? Mười người như một đều nói sợ nhưng hỏi sao không chuyển sang sử dụng thuốc sinh học cho an toàn thì họ không trả lời. Ông nông dân tên Bảy quê Quảng Ngãi hiện đang là chủ vườn sầu riêng ở Krông Pắk nói, mỗi một vụ sầu riêng tui chỉ dám ăn 3-4 múi thôi, phun thuốc nhiều sợ lắm.
Mô hình VietGAP cũng lạm dụng thuốc hóa học
Không chỉ riêng những hộ gia đình canh tác thông thường, ngay cả những mô hình trồng sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP ở Krông Pắk cũng còn lạm dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học.
Vườn sầu riêng rộng 0,93 ha của gia đình ông Lê Quang Luyện được đánh giá và chứng nhận VietGAP từ năm 2019 bởi Công ty Cafe Control. Vậy mà ông chủ vườn khẳng định năm nay đã phun ba đợt, chủ yếu là thuốc kích hoa, siêu đậu quả, thuốc trừ sâu siêu trừ rầy rệp...
Theo ông Luyện, sầu riêng là loại cây kinh tế cao nhưng tiền đầu tư vật tư đầu vào rất tốn kém. Mỗi lần phun phải đến hàng ngàn lít và phải phun bằng máy hai sức ngựa. Mùa này còn phun thuốc hạn chế hơn vì sợ nóng bông chứ mùa sầu riêng làm lá, rầy bông nhiều thì phải thuốc hóa học mới có thể trị. Một gói thuốc pha với 30 lít nước, nhân lên một ngàn lít mỗi lần phun thì chỉ riêng tiền thuốc cũng đã rất tốn kém. Loại nào cũng “siêu” hết. Siêu trị sâu rầy, siêu kích thích, siêu sinh trưởng, cứ ra cửa hàng là mua thôi chứ không rõ chất lượng như thế nào.
Cạnh vườn sầu riêng Viet GAP của ông Lê Quang Luyện là 0,5 ha của gia đình ông Dương Văn Vĩnh, cũng được chứng nhận VietGAP từ năm 2019 và cũng “chuộng” thuốc BVTV hóa học, nhất là vào những thời điểm sâu bệnh hoành hành.
Chính ông Vĩnh thừa nhận, mặc dù được chứng nhận VietGAP nhưng thỉnh thoảng đơn vị cấp chứng nhận mới xuống kiểm tra. Hai năm trước các cơ quan chức năng làm rất chặt chẽ, khi sầu riêng chuẩn bị thu hoạch thì các đơn vị cử kỹ thuật viên xuống lấy quả để kiểm nghiệm, nhưng hai năm nay có thể do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thấy kỹ thuật viên xuống vườn.
Dù được chứng nhận là vườn VietGAP nhưng bình quân mỗi năm gia đình ông Vĩnh cũng phải chi tới hơn 100 triệu đồng tiền phân bón, thuốc BVTV. Quy trình sử dụng cũng không khác mấy so với thông thường khi đối với thuốc BVTV cứ khoảng 10 ngày phải phun một lần và “phải dùng thuốc hóa học”.
“Trồng sầu riêng sợ nhất bệnh nứt thân, xì mủ do nấm Phytophthora... Đối với những loại bệnh này phải dùng thuốc hóa học mới có thể xử lý”, ông Vĩnh nói.
Hậu quả nhãn tiền cho Tây Nguyên
Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học một cách vô tội vạ, phương pháp canh tác không bền vững, vùng trồng sầu riêng ở Krông Pắk đang phải gánh chịu những hậu quả nhãn tiền.
Thừa nhận thực trạng quá lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học ở vùng trồng sầu riêng trên địa bàn, ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pắk nói, chúng tôi đã khuyến cáo nhiều nhưng đúng là có tình trạng người dân vì lợi nhuận mà bất chấp.
Có những nguyên nhân khách quan như cây sầu riêng có nhiều loại bệnh thuốc này không trị được buộc người dân phải mua thuốc khác, mua lung tung hết cả, nhưng cũng có những vấn đề chúng tôi khuyến cáo nhưng bà con không nghe.
Ví dụ tình trạng sử dụng các loại thuốc bón cho cây quá đà để kích thích tăng trưởng, kiểu cho cây ăn quá đà, cái gì cũng chích vào đấy, phun thuốc, bón phân vô tội vạ. Cộng thêm việc lạm dụng phân vô cơ, không bổ sung các chất hữu cơ cần thiết cho đất. Hậu quả là từ ba năm trước vùng trồng sầu riêng Krông Pắk bị bệnh đã chết một lúc hơn 100 ha. Đến năm nay nguy cơ càng biểu hiện thêm rõ khi nhiều vườn sầu riêng chỉ đậu hoa ở ngoài cành mà ít đậu ở trong thân.
Cho rằng hậu quả như vậy cũng không hoàn toàn từ lỗi của người nông dân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pắk trăn trở: “Tôi không dùng từ cấp phép bừa bãi nhưng việc cấp phép cho các loại thuốc BVTV, các loại phân bón quá nhiều dẫn đến tình trạng rất khó để kiểm tra, kiểm soát. Ông nào cũng nói của tôi tốt lắm, có chứng chỉ đầy đủ. Cái này trên phải siết thật chặt thì dưới chúng tôi mới kiểm soát được”.
Phân tích những tác động của phân bón, thuốc BVTV hóa học đối với đất đai ở khu vực Tây Nguyên, tiến sĩ Phan Việt Hà, Viện Khoa học kỹ thuận Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cũng khẳng định: Qua những điều tra nghiên cứu của WASI, thực trạng người dân khu vực Tây Nguyên những năm qua vẫn sử dụng phân bón, thuốc BVTV quá mức và không cần thiết, không tuân thủ qui trình khuyến cáo. Thậm chí ở một số vùng mới trồng chưa có kinh nghiệm chăm sóc cây trồng người dân còn sử dụng những loại thuốc BVTV ngoài danh mục, sử dụng phân bón hóa học tràn lan.
Hậu quả đất đánh giá trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngoài biểu hiện rất rõ là lý tính của đất thay đổi, đất bị thoái hóa, chai đi rất nhiều, độ tơi xốp, màu mỡ của đất không còn được như trước.
“Qua nhiều năm sử dụng phân bón, thuốc BVTV quá nhiều, có nhiều mẫu đất ở Tây Nguyên mang đi kiểm tra đã bị chua đến mức khó phù hợp với các loại cây trồng. Độ pH bị giảm xuống quá mức. Thông thường đối với các loại cây trồng phổ biến trong vùng là cà phê, hồ tiêu thì độ pH phù hợp dao động từ 4,5 đến 6,5, tuy nhiên rất nhiều khu vực hiện nay do sử dụng vật tư đầu vào quá mức, đất bị rửa trôi khiến độ pH của đất đã xuống dưới 4. Đây là vấn đề rất lớn, nếu không có giải pháp thì rất nhiều vùng đất ở Tây Nguyên rất khó khăn trong việc canh tác”, tiến sĩ Phan Việt Hà nói.
-------