| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới đổi thay diện mạo vùng biên

[Bài 2]: Niềm vui vỡ òa của người dân Lộc Khánh

Thứ Tư 01/03/2023 , 11:03 (GMT+7)

Là xã khó khăn của huyện biên giới Lộc Ninh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Lộc Khánh đã vượt mọi trở ngại cán đích theo đúng kế hoạch.

Sức mạnh to lớn chính là người dân

Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, chúng tôi có dịp về thăm xã Lộc Khánh, huyện biên giới Lộc Ninh, Bình Phước. Sau bao nỗ lực cố gắng, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thực sự thổi một “luồng gió mới”, diện mạo của xã từng bước đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

DSCN4609

Một góc trung tâm xã Lộc Khánh hôm nay. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết, thời điểm 2011, xã Lộc Khánh chỉ đạt 3/19 tiêu chí NTM. Trong các tiêu chí chưa đạt có những tiêu chí cần nguồn lực đầu tư lớn như đường giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, môi trường… Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng, góp sức của nhân dân, bộ mặt nông thôn của xã Lộc Khánh không ngừng đổi mới toàn diện.

DSCN4602

Đường sá thông thoáng, sạch đẹp, trường học khang trang. Ảnh: Trần Trung.

Trong hơn 10 năm xây dựng NTM, xã Lộc Khánh đã tận dụng tối đa các nguồn lực, huy động được trên 235 tỷ đồng để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội. Trong đó, người dân đã đóng góp bằng tiền, hiến đất, ngày công lao động... trị giá trên 11 tỷ đồng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Gần 15km đường xã, liên xã đã nhựa hóa, bê tông hóa; 38,5km đường thôn, xóm được cứng hóa và 65km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; toàn xã có 22,75km tuyến đường điện "sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn".

DSCN4596

Cơ sở hạ tầng, thủy lợi tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Ảnh: Trần Trung.

Các tuyến đường khang trang, kết nối thông suốt, tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm tăng gấp 4 lần so với năm 2011. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 91,8%. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giáo dục - đào tạo được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn xã đạt từ 97% trở lên; hộ dân có nhà ở kiên cố, bán kiến cố, chiếm tỷ lệ trên 96%; ...

Hiện Lộc Khánh không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2021). Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát huy, 6/6 ấp trên địa bàn đạt “Khu dân cư văn hóa”, trên 95% hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa”,... Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM đạt trên 95%.

Lấy phát triển nông nghiệp làm trọng tâm

Theo ông Trần Quang Vinh, là xã thuần nông với gần 60% dân tộc thiểu số sinh sống, để được kết quả như ngày hôm nay, địa phương đã linh hoạt trong cách làm, triển khai nhiều giải pháp, xác định khó đâu gỡ đó để thực hiện các tiêu chí. Trong đó, lấy phát triển nông nghiệp làm trọng tâm, nâng cao thu nhập làm nòng cốt.

a26ddd1b62f7b8a9e1e6

Lúa ST 24 vào vụ thu hoạch. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích tăng quy mô sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm phát triển hợp tác xã, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất trồng trọt. Chú trọng đến công tác tập huấn khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân, kịp thời đưa tiến bộ khoa học và sản xuất, đưa vào các giống cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, năng suất.

63167d61c28d18d3419c

Cơ giới hóa được đưa vào sản xuất từng bước giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Đơn cử, mô hình liên kết trồng lúa ST24 hữu cơ và theo hướng hữu cơ giữa Hợp tác xã lúa gạo chất lượng xã Lộc Khánh với Hợp tác xã Bom Bo Bình Phước là mô hình đầu tiên được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước chọn triển khai, thí điểm nhằm nhân rộng ra địa bàn tỉnh.

Giám đốc Hợp tác xã Bom Bo Bình Phước Nghiệp Quốc Vương cho biết thêm, HTX cam kết thu mua tất cả lúa của bà con nào đã trồng. HTX thu mua hết sản phẩm lúa mà bà con đã đồng hành, đăng ký và hợp tác. Hợp tác xã Bom Bo muốn liên kết lâu dài với Hợp tác xã lúa Lộc Khánh để mở rộng diện tích, chung sức với bà con nông dân phát triển ngành lúa gạo tại địa phương.

efed8c953379e927b068

Đơn vị liên kết đến tận ruộng khảo sát, thu mua, bao tiêu lúa cho bà con nông dân. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Quang Vinh đánh giá cao mô hình trồng giống lúa mới, kỹ thuật không đòi hỏi quá khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Phân bón cũng giảm, bà con có thể tận dụng nguồn phân chuồng gia súc, từ đó giảm giá thành trong khi giá bán lúa tăng lên. “Địa phương xác định đây là một hướng đi đúng của bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới xã sẽ nhân rộng lên ít nhất 60ha”, ông Vinh nhấn mạnh.

Cùng với cây lúa, nhận thấy địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây sầu riêng. Năm 2020, UBND xã Lộc Khánh đứng ra vận động liên kết các nông hộ và thành lập Tổ hợp tác trồng sầu riêng Lộc Khánh, nay là HTX sầu riêng Lộc Khánh. Hiện HTX có 17 thành viên, với tổng diện tích canh tác trên 40ha.

0eacc68aa0b77ae923a6

Vườn sầu riêng VietGAP của HTX sầu riêng xã Lộc Khánh. Ảnh: Trần Trung.

Chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng của anh Trương Văn Kiên ở ấp Đồi Đá - thành viên HTX sầu riêng xã Lộc Khánh lúc vườn cây đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Đứng cạnh những cây sầu riêng xanh mướt, đều, trĩu trái, anh Kiên cho biết, tham gia HTX anh được học hỏi rất nhiều về kỹ thuật tạo tán, tỉa trái cũng như cách bón phân, phun thuốc trừ sâu sao cho hợp lý, đúng quy trình, đặc biệt là khâu xử lý trái đảm bảo an toàn cho người sử dụng.  Từ đó giúp anh có thêm kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc vườn cây sầu riêng đạt chất lượng cao.

DSCN4567

Các thành viên trong  HTX sầu riêng xã Lộc Khánh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện toàn bộ vườn cây của tôi được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với diện tích sầu riêng của HTX mới đây, tôi vinh dự được địa phương chọn làm việc với phía đơn vị bên Trung Quốc để khảo sát, đánh giá và chờ cấp mã vùng trồng đợt 2 để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc”, anh Kiên phấn khởi nói.

“Với xuất phát điểm các tiêu chí của xã thấp, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng NTM lớn nhưng nguồn lực ngân sách có hạn, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương để tăng năng suất, hiệu quả lao động. Đến nay, xã đã có 2 hợp tác xã nông nghiệp, 1 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo phát triển bền vững”, ông Trần Quang Vinh nhấn mạnh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Huyện Châu Đức có thêm 12 sản phẩm OCOP

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mới đây, huyện Châu Đức đã công bố và trao quyết định công nhận cho 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.