| Hotline: 0983.970.780

Ai làm biến dạng hành lang thoát lũ sông Hồng?

'Sa mạc' cát lấn át lòng sông

Thứ Ba 15/09/2020 , 07:10 (GMT+7)

Những bãi tập kết cát lên tới hàng vạn m3 được chất cao như quả đồi ở vùng bãi ngoài sông Hồng, khiến hành lang thoát lũ bị biến dạng.

Một bãi tập kết cát nằm sát bờ sông Hồng. Ảnh: Minh Phúc.

Một bãi tập kết cát nằm sát bờ sông Hồng. Ảnh: Minh Phúc.

Vi phạm luật phòng, chống thiên tai

Là xã giáp ranh giữa TP.Hưng Yên và huyện Kim Động, xã Phú Cường được quy hoạch là một trong những nơi chứa vật liệu xây dựng của TP. Hưng Yên. Chính bởi vậy mà nơi đây quy tụ nhiều doanh nghiệp thuê đất kinh doanh mặt hàng này.

Có thể kể đến như Tập đoàn Xuân Trường, Công ty TNHH Trí Kiên, Công ty TNHH Vinacomax, doanh nghiệp tư nhân Sông Hồng và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Anh.

Theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai, trong mùa mưa bão, tất cả các bãi phải di chuyển vật liệu để đảm bảo phòng, chống thiên tai, nhất là không cản trở khả năng thoát lũ.

Tuy nhiên, theo chân cán bộ địa chính xã Phú Cường đến khu vực đất bãi ven sông, chúng tôi bị choáng ngợp trước một “sa mạc” cát rộng lớn nhiều héc ta tại đây. Cát chồng lên cát, tầng tầng lớp lớp. Một đồng nghiệp của chúng tôi có chiều cao khá lý tưởng, nhưng khi đứng trước núi cát sừng sững kia bỗng trở nên nhỏ bé lạ thường.

PV NNVN trước 'sa mạc' cát tại vùng đất bãi ven sông Hồng qua xã Phú Cường. Ảnh: Minh Phúc.

PV NNVN trước "sa mạc" cát tại vùng đất bãi ven sông Hồng qua xã Phú Cường. Ảnh: Minh Phúc.

Theo quy định, các bãi tập kết vật liệu xây dựng không được tập kết đến 200m3 và chiều cao vật liệu không quá 3m. Thế nhưng, lượng cát ở bãi của một doanh nghiệp đã lên tới vài vạn m3.

Vì bãi cát quá rộng lớn, thế nên chúng tôi không thể đi bộ vòng quanh được mà phải sử dụng thiết bị ghi hình từ trên cao mới hình dung được “sa mạc” cát ấy rộng cỡ nào. Đáng chú ý, bãi cát này nằm sát bờ sông, đã tồn tại vài năm nay nhưng không hề được giải tỏa, di dời qua nhiều mùa mưa bão. Lý do là, chủ bãi đang chờ dự án của đối tác khởi công san lấp nền mới giải phóng được.

Thời điểm chúng tôi có mặt, dù bãi vật liệu của Công ty Vinacomax đã dừng tập kết vật liệu, nhưng vẫn vận chuyển cát đi nơi khác. Còn công ty Trí Kiên trước đây được UBND xã Phú Cường cho thuê đất để tập kết vật liệu trái quy định, năm 2016, UBND xã đã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất với đơn vị này.

100% Doanh nghiệp không có giấy phép nhưng Chủ tịch xã nói không biết

Theo thống kê của Hạt Quản lý đê TP. Hưng Yên, tính đến ngày 20/8, trên địa bàn xã Phú Cường có 5 bãi vật liệu xây dựng thì 100% doanh nghiệp chưa được UBND tỉnh cấp giấy phép chứa vật liệu tạm thời. Đây là “điểm nóng” vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Ông Đào Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết, hàng năm xã đều cử đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị hoạt động không gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ (từ 30/4 đến hết 31/10 hàng năm).

UBND xã cũng giao cho công an xã, công chức địa chính xã và cán bộ thôn nắm bắt hoạt động của các đơn vị để kịp thời xử lý nếu phát hiện vi phạm, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp trên, ngăn chặn kịp thời các hành vi trong mùa mưa bão.

Ông Đào Mạnh Cường  - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường trao đổi với phóng viên Báo NNVN. Ảnh: Phạm Hạnh.

Ông Đào Mạnh Cường  - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường trao đổi với phóng viên Báo NNVN. Ảnh: Phạm Hạnh.

Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao các doanh nghiệp chưa được UBND tỉnh cấp phép chứa chất vật liệu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động suốt nhiều năm liền, ông Đào Mạnh Cường cho biết, sau khi được tỉnh Hưng Yên thu hồi đất và giao đất, các doanh nghiệp không báo cáo hoạt động với chính quyền xã. Bởi vậy, xã không nắm rõ đơn vị nào đã có giấy phép, đơn vị nào chưa có giấy phép.

Chính quyền 'đánh trống, bỏ dùi'

Ông Phạm Ngọc Khiêm - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê TP. Hưng Yên, cho biết: Với chức năng nhiệm vụ được giao, chúng tôi báo cáo tình hình hoạt động của tất cả các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn hàng tháng. Trong đó nổi cộm lên 7 bến bãi có tập kết vật liệu trong mùa mưa bão, hoặc dừng tập kết nhưng vẫn vận chuyển cát đi nơi khác.

“Tháng nào chúng tôi cũng có báo cáo đầy đủ. Đồng thời đề nghị UBND TP. Hưng Yên có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Khiêm nói.

Thẩm quyền của Hạt Quản lý đê là phát hiện sớm và lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Ông Phạm Ngọc Khiêm - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê TP. Hưng Yên chia sẻ với Báo NNVN về những khó khăn trong công tác quản lý đê. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Phạm Ngọc Khiêm - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê TP. Hưng Yên chia sẻ với Báo NNVN về những khó khăn trong công tác quản lý đê. Ảnh: Minh Phúc.

Ngày 14/8/2020, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản số 2097 về việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và thực hiện các dự án có liên quan đến đê điều. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và TP Hưng Yên thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đê điều, Chỉ thị số 24 ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc  tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều;...

Đặc biệt, các huyện nêu trên cần tổ chức xử lý dứt điểm các vụ vi phạm còn tồn đọng, đặc biệt là vụ vi phạm pháp luật về đê điều tại Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dịch vụ xã Phụng Công (huyện Văn Giang); tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về đê điều, nhất là những vụ vi phạm mới phát sinh; giải tỏa dứt điểm các bãi chứa chất vật liệu xây dựng trên bãi sông Hồng, sông Luộc không gây cản lũ, làm mất không gian chứa lũ trong mùa mưa lũ.

Đặc biệt, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo  cấp xã còn thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện công tác giải tỏa các vi phạm đê điều và hoạt động các bãi chứa vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, đáng buồn là sau khoảng 1 tháng kể từ khi văn bản số 2097 được ban hành, tại các huyện Khoái Châu, TP Hưng Yên, Kim Động – nơi nhóm phóng viên khảo sát thực tế, rất nhiều vi phạm liên quan đến các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng ở bãi sông vẫn tồn tại. Trong khi đó, chưa có lãnh đạo xã nào bị xử lý trách nhiệm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất